Thứ bảy, 27/04/2024 06:20 (GMT+7)

Từ mai 3 tuyến xe buýt nhiên liệu sạch đầu tiên sẽ lăn bánh ở Hà Nội

MTĐT -  Thứ ba, 31/07/2018 12:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ ngày 1/8, Sở GTVT Hà Nội sẽ khai trương đưa vào vận hành thí điểm 3 tuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG) đầu tiên tại Thủ đô.

Lộ trình 3 tuyến xe buýt nhiên liệu sạch đầu tiên ở Thủ đô

Đây là 3 tuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG) được trợ giá. Ưu điểm của buýt CNG là giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tiết kiệm được 30% nhiên liệu so với xe sử dụng dầu, giảm đến 20% lượng khí cacbonic, 30% nito oxit và 70% sunfua oxit so với xe sử dụng nhiên liệu dầu…

Với lộ trình từ 30 - 40 km, giá vé lượt trên 3 tuyến này chỉ từ 7.000 - 9.000 đồng/lượt.

Phương tiện hiện đại, được trang bị đầy đủ các tiện ích, gồm: Sàn xe sàn bán thấp; xe có 3 bảng thông tin Led trước và sau giúp hành khách dễ nhận biết; trên xe được trang bị wifi miễn phí, có hệ thống âm thanh kết nối tự động thông báo điểm dừng, đỗ...

Hệ thống buồng lái và 1 trong 3 mắt camera giúp lái xe, đơn vị quản lý quan sát, theo dõi được mọi hoạt động khi xe vận hành, đặc biệt trên xe còn có màn hình được tích hợp với camera phía sau, giúp lái xe lùi an toàn và đọc các dữ liệu bằng hình ảnh trên xe...

Hiện công ty quản lý tuyến đã chuẩn bị 50 xe, mỗi xe có sức chứa 50 khách để đưa vào hoạt động trên các tuyến: CNG số 01: Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Sơn Tây và tuyến CNG số 02: Bến xe Yên Nghĩa - Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm); tuyến CNG 03: Bệnh viện nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 – Khu đô thị Times City.

3 tuyến xe buýt nhiên liệu sạch đầu tiên sẽ hoạt động ở Hà Nội từ ngày mai (1/8). Ảnh: Internet. 

Cụ thể, theo báo Giao thông, 3 tuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch tại Hà Nội sẽ có lộ trình như sau:

Tuyến CNG01 Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Sơn Tây: Hoạt động từ 5h đến 20h30, tần suất 15-20 phút/lượt, giá vé 9.000 đồng/ lượt, cự ly 42,3km.

Lộ trình vận hành: Bến xe Mỹ Đình - Phạm Hùng - Mễ Trì - Châu Văn Liêm - Đại lộ Thăng Long (đường gom) - Phượng Cách - Tỉnh lộ 421B - Tỉnh lộ 420 - Tỉnh lộ 419 - Quốc lộ 32 - Chùa Thông (Sơn Tây) - Bến xe Sơn Tây và ngược lại.

Tuyến CNG02 Bến xe Yên Nghĩa - Khu đô thị Đặng Xá: Hoạt động từ 5h - 21h, tần suất 15-20 phút/lượt, giá vé 9.000 đồng/lượt, cự ly 35,65km.

Lộ trình vận hành: Bến xe Yên Nghĩa - Quang Trung (Hà Đông) - Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - đường Phúc La, Văn Phú - Cầu Bươu - Thanh Liệt - Cầu Dậu - Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng - Bến xe Giáp Bát - Giải Phóng - Kim Đồng - Tân Mai - Tam Trinh - Minh Khai - Cầu Vĩnh Tuy - Đàm Quang Trung - Chu Huy Mân - Trần Danh Tuyên - Sài Đồng - Nguyễn Đức Thuận - Khu đô thị Đặng Xá và ngược lại.

Tuyến CNG03 Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - Khu đô thị Times City: Hoạt động từ 5h - 21h, tần suất 15-20 phút/lượt, giá vé 8.000 đồng/lượt, cự ly 29,55km.

Lộ trình vận hành: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 - Khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Hoàng Sa - Phương Trạch - Đường 6 cây - Cầu Nhật Tân - Võ Chí Công - Bưởi - Đội Cấn - Liễu Giai - Kim Mã - Nguyễn Thái Học - Lê Duẩn - Trần Hưng Đạo - Bà Triệu - Trần Khát Chân - Võ Thị Sáu - Thanh Nhàn - Kim Ngưu - Cầu Mai Động - Minh Khai - Khu đô thị Times City và ngược lại.

Hiệu quả trong bảo vệ môi trường nhưng nhiều bất cập

CNG là khí thiên nhiên nén, thành phần chủ yếu là CH4 - metane (chiếm 85-95%); do thành phần đơn giản dễ xử lý để loại bỏ các hợp chất độc hại nên khi đốt nhiên liệu này không giải phóng nhiều khí độc như SO2, NO2, CO… và hầu như không phát sinh bụi so với các nhiên liệu khác.

Tại Việt Nam, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch đã được đưa vào sử dụng tại TP. HCM và bước đầu đem lại những hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.

Cụ thể, theo thông tin trên tờ Thời báo Kinh tế SG, theo kế hoạch đã được chính quyền phê duyệt, TP. HCM sẽ đầu tư mới 1.680 xe buýt trong giai đoạn từ năm 2014-2017.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, đến hết năm 2017, toàn thành phố đầu tư được 1.162 trên tổng số 1.680 xe buýt nói trên, đạt tỷ lệ 69%, thế nhưng trong đó mới chỉ có 352 xe buýt sử dụng khí CNG, còn lại là 810 xe buýt vẫn sử dụng dầu diesel.

Xe buýt nhiên liệu sạch tại TP. HCM. Ảnh: TTXVN. 

Theo các doanh nghiệp,việc đầu tư xe buýt CNG chiếm chưa đến một nửa so với xe sử dụng dầu diesel là do cơ chế hỗ trợ đầu tư loại xe CNG còn nhiều điểm bất cập, nên các doanh nghiệp và hợp tác xã xe buýt tại TP. HCM không mặn mà đầu tư loại xe này. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp giờ đây từ bỏ ý định đầu tư loại xe buýt thân thiện với môi trường.

Đánh giá về những hiệu quả mà xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch đem lại,  PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Hằng, trường ĐH Giao thông Vận tải cơ sở 2 cho biết, kết quả nghiên cứu, khảo sát ba xe buýt CNG hoạt động trên một số tuyến của TP. HCM cho thấy trung bình một xe tiêu thụ 39,6 kg CNG/100 ki lô mét. Sau một năm chạy thử nghiệm, các xe này tiết kiệm được hơn 2 tỉ đồng, tương đương tiết kiệm được 23% chi phí nhiên liệu. Đồng thời, xe buýt chạy bằng khí CNG không gây ô nhiễm môi trường.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Từ mai 3 tuyến xe buýt nhiên liệu sạch đầu tiên sẽ lăn bánh ở Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới