Thứ bảy, 20/04/2024 16:24 (GMT+7)

Tranh cãi nảy lửa về “trạm thu giá” và “trạm thu phí”

MTĐT -  Thứ sáu, 25/05/2018 10:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo dư luận cũng như giới chuyên gia, việc chuyển trạm thu phí thành trạm thu giá là không đúng và những giải thích mà Bộ GTVT đưa ra là chưa đủ sức thuyết phục.

 Dễ gây hiểu lầm

Trước đó, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc chuyển đổi tên trạm thu phí thành thu giá BOT là do: Hiện giờ chúng ta xem BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp (DN) nên DN tự định giá, còn phí thì mang tính chất nhà nước. Phí sẽ do HĐND, Quốc hội quyết định, còn giá thì do DN tự ấn định và điều chỉnh cho phù hợp. Theo Bộ trưởng Thể, khi chuyển qua giá thì bản chất nhà đầu tư vẫn hưởng quyền lợi như cũ, nhưng việc điều chỉnh mức giá sẽ thực hiện linh hoạt hơn để đáp ứng điều kiện ở từng trạm thu ở từng vị trí, từng khu vực.

Không đồng ý với giải thích này, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên chính sách công - Trường đại học Fulbright, cho rằng khái niệm BOT rất thống nhất trên thế giới và cũng đã được thể chế hóa trong nghị định về PPP ở VN. BOT là dự án Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Build - Operate - Transfer). Theo đó, DN chỉ được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định, hết thời hạn thì phải chuyển giao cho nhà nước. Như vậy có thể khẳng định dự án BOT không thuộc sở hữu của DN.

Dùng trạm thu giá sẽ dễ gây hiểu lầm. Ảnh: Internet.

Theo ông Thành, tài sản của một dự án BOT giao thông là quyền sử dụng đất, đường trên đất và các công trình, thiết bị trên đường. Nếu nói dự án BOT giao thông là của DN dự án thì có nghĩa DN sở hữu quyền sử dụng đất để làm đường. “Nhưng đã có chủ dự án BOT giao thông nào được cấp sổ đỏ đất giao thông chưa?”, ông Thành đặt câu hỏi. Nếu DN không được cấp sổ đỏ đất giao thông thì không thể nói, BOT là tài sản của DN được.

Còn Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã thì cho rằng nói “trạm thu giá” thì về từ ngữ chưa từng được sử dụng. Mỗi người khi sử dụng dịch vụ phải trả giá liên quan tới mức độ dịch vụ đó, tuân theo nguyên tắc thị trường. Tên gọi trạm thụ giá BOT gây ra sự hiểu lầm, nghe không hợp lý với từ ngữ trước nay hay sử dụng.

“Tôi nghĩ nếu vẫn dùng chữ giá phải dùng đầy đủ: Trạm thu giá sử dụng dịch vụ BOT do doanh nghiệp a, b, c cung cấp. Giá đó do doanh nghiệp điều tiết. Trạm đông người qua thì lấy thu bù chi thì sẽ giảm giá. Trạm ít người qua lại thì không đủ bù chi doanh nghiệp sẽ tăng giá”, Trưởng ban Dân nguyện nói.

Không có chuyện “đánh tráo khái niệm”

Liên quan đến vấn đề dư luận xôn xao về việc chuyển từ trạm thu phí sang thu giá là “đánh tráo khái niệm”. Trao đổi với báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN khẳng định, không có sự “sáng tạo” ở đây mà việc chuyển khái niệm này là theo tinh thần của Luật Phí và Lệ phí.

Lý giải về nguyên nhân vì sao lại đổi trạm thu phí thành thu giá, ông Huyện cho biết, trước ngày 1/1/2017, phí sử dụng đường bộ các dự án đầu tư để kinh doanh thực hiện theo Pháp lệnh Phí và Lệ phí số 38/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Pháp lệnh quy định việc ban hành các quy định về thu phí sử dụng đường bộ thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 90/2004; sau này là Thông tư số 159/2013 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ. Trong đó, quy định nơi thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ là “trạm thu phí”.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN. Ảnh: Báo Giao thông.

Tuy nhiên, Luật Phí và Lệ phí số 97 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 15/11/2015 tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 đã quy định rõ danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá. Theo đó, phí sử dụng đường bộ các dự án đầu tư để kinh doanh được chuyển thành giá dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh và thực hiện theo quy định của Luật Giá.

Thực hiện Luật Phí và Lệ phí và Luật Giá số 11 ngày 20/6/2012 của Quốc hội, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 35/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý. Trong đó quy định: “Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông”. Vì vậy, việc đổi tên từ trạm thu phí thành trạm thu giá để phù hợp với quy định tại Luật Phí và Lệ phí và Luật Giá.

Ông cũng khẳng định, về bản chất, thu phí sử dụng đường bộ và thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ BOT đều với mục đích hoàn vốn cho dự án và đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cơ chế giá giúp cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư chủ động hơn trong việc xây dựng và điều chỉnh mức giá cho phù hợp với các yếu tố hình thành giá và tình hình biến động giá cũng như nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân và đảm bảo nhà đầu tư không được thu mức giá dịch vụ vượt quá mức giá tối đa ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người dân, chi phí vận tải hàng hóa và phù hợp với lợi ích khi sử dụng tuyến đường BOT.

P.V (tổng hợp theo báo Giao thông, Zing, TNO)

Bạn đang đọc bài viết Tranh cãi nảy lửa về “trạm thu giá” và “trạm thu phí”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ