Thứ ba, 16/04/2024 21:56 (GMT+7)

Trạm thu phí qua sông Sài Gòn: Đáng ra phải tháo dỡ sớm hơn!

MTĐT -  Thứ sáu, 22/12/2017 12:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

UBND TP HCM vừa ra quyết định tháo dỡ trạm thu phí hầm sông Sài Gòn, kết thúc sau 6 năm tồn tại

Trạm thu phí hầm qua sông Sài Gòn (phía quận 2) thuộc gói thầu số 3 dự án xây dựng đại lộ Đông - Tây do UBND TP HCM làm chủ đầu tư là một phần trong dự án đại lộ Đông Tây nối quận 1 với khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự án có nguồn vốn đầu tư từ hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Muốn thanh lý phải thẩm định

Trạm thu phí này có 12 cabin cùng các thiết bị tiện nghi được cho là hiện đại. Dự án hoàn thành vào ngày 20-11-2011 nhưng thực tế chưa thu phí ngày nào.

Trạm thu phí hầm qua sông Sài Gòn

Ông Lê Minh Triết, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP, cho biết mục tiêu thu phí hầm qua sông Sài Gòn ban đầu là tạo nguồn thu phục vụ duy tu bảo dưỡng hầm và điều tiết lưu lượng giao thông qua hầm. Tuy nhiên, khi hầm đưa vào sử dụng, theo Luật Bảo trì đường bộ, thì không thu phí nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân, tránh thu của người dân 2 lần cùng một loại phí sử dụng đường bộ (!).

Để sớm tạo thông thoáng cho đầu đường hầm phía quận 2, Sở GTVT TP đề xuất phương án xử lý trạm thu phí Thủ Thiêm. Sau khi tháo dỡ, các thiết bị còn hoạt động tốt thì bổ sung vào vật tư dự phòng cho hệ thống thiết bị đường hầm. Thiết bị chuyên ngành thu phí sẽ bàn giao cho Trường Cao đẳng GTVT TP để làm mô hình trạm thu phí, phục vụ đào tạo, sát hạch lái xe. Thiết bị lỗi thời sẽ đề xuất thanh lý...

Ngày 19-12, UBND TP đồng ý cho phép đơn vị này tháo dỡ trạm thu phí qua hầm sông Sài Gòn. Theo đó, trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục pháp lý, cho phép tổ chức tháo dỡ và tận dụng một số thiết bị còn hoạt động được để phục vụ công tác chuyên môn theo phương án đề xuất. Kinh phí thực hiện được chi từ nguồn vốn duy tu hằng năm của Sở GTVT TP. Thời gian thực hiện hoàn thành trong quý I/2018.

Sở GTVT TP cho biết nếu thanh lý phải thẩm định giá, xác định giá, sau đó bàn giao tháo dỡ còn sở muốn tận dụng lại một số thiết bị thì phải bỏ kinh phí tháo dỡ. Một chuyên gia giao thông cho biết công nghệ xây dựng trạm thu phí này đã rất lỗi thời, không thể sử dụng được nên giá trị sử dụng không cao. Nếu để tồn tại, hằng năm TP phải tốn một khoản để tiền bảo trì.

Theo TS - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, việc dự án đại lộ Đông - Tây được xây dựng theo vốn ODA không cần thu phí vẫn có thể thu hồi được. Do đó, nên tháo dỡ trạm này để tránh mất một khoản tiền bảo trì, tạo sự thông thoáng cho tuyến đường ra, vào hầm sông Sài Gòn và tận dụng một số trang thiết bị vào các công trình khác. Theo ông Sơn, lẽ ra phải tháo dỡ sớm hơn.

Không xóa trạm thu phí Bình Triệu

Cùng cảnh ngộ, trạm thu phí cầu Bình Triệu hiện cũng đang nằm phơi mưa, nắng gây lãng phí và ảnh hưởng an toàn giao thông.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Quốc Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) - cho biết hiện trạm này vẫn chưa hoạt động được vì dự án cầu đường Bình Triệu giai đoạn 2 đang chờ phê duyệt. Cũng theo ông Bình, trạm này đầu tư khoảng trên 10 tỉ đồng. Riêng dự án cầu đường Bình Triệu giai đoạn 2 khoảng 2.000 tỉ đồng. Theo đó, CII sẽ trình UBND TP HCM cho phép thu phí trong vòng từ 17-18 năm để hoàn vốn. 

Đề nghị bỏ phí bảo trì đường bộ trên Quốc lộ 5A

Ngày 21-12, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, cho biết hiệp hội vừa tiếp tục có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thu phí bảo trì đường bộ; phí BOT trên Quốc lộ (QL) 5A.

Trong công văn, hiệp hội cho biết các doanh nghiệp vận tải ở Hải Phòng đang gặp nhiều khó khăn trong việc kinh doanh, để giảm bớt khó khăn đó, đơn vị kiến nghị Thủ tướng xem xét giải quyết 2 vấn đề cơ bản.

Thứ nhất, giảm phí trên QL có dự án BOT, bởi hiện mức giảm tại các trạm BOT là quá thấp so với việc tăng phí quá cao thời gian vừa qua. Thứ hai, bãi bỏ việc thu phí tại 2 trạm trên QL5A. Lý do là hầu hết các phương tiện hiện đã đóng phí bảo trì đường bộ theo Nghị định 18/2012 của Chính phủ. Quỹ bảo trì đường bộ quy định các tuyến đường được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, trong đó có QL5A. Do đó, không được thu phí BOT vì các phương tiện khi đăng kiểm đã nộp phí bảo trì đường bộ.

Cũng trong công văn này, hiệp hội đề nghị Thủ tướng bãi bỏ việc thu phí bảo trì đường bộ đối với các phương tiện trong trường hợp Bộ GTVT, Bộ Tài chính vẫn duy trì thu phí tại 2 trạm trên QL5A để tránh tình trạng phí chồng phí.

Trước đó, hiệp hội đã có công văn kiến nghị gửi Thủ tướng về việc xin tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và Bộ GTVT xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, đến nay những kiến nghị của hiệp hội vẫn chưa được giải quyết.

TR.ĐỨC

Theo Báo người lao động điện tử

Bạn đang đọc bài viết Trạm thu phí qua sông Sài Gòn: Đáng ra phải tháo dỡ sớm hơn!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.