Thứ sáu, 26/04/2024 20:47 (GMT+7)

TP HCM 'mở bung' đường thủy

MTĐT -  Thứ ba, 18/06/2019 09:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng loạt nút thắt về hạ tầng được tháo gỡ, hợp nhất đầu mối quản lý thì giao thông thủy tại TP HCM có thể sẽ khai thác hết tiềm năng, lợi thế.

Theo ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) - chủ đầu tư dự án cầu đường sắt Bình Lợi mới, công trình thuộc dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Bình Lợi (TP HCM) tới cảng Bến Súc (tỉnh Bình Dương), dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác cuối tháng 7.

Tháo hàng loạt điểm nghẽn

Ông Hoàng Tuấn Khoát cho biết hiện công trình này đã đạt khoảng 90% khối lượng. Cầu mới có chiều dài 1,3 km, tĩnh không thông thuyền nhịp giữa cầu 7 m, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đường thủy nội địa cấp III, đáp ứng các phương tiện thủy tải trọng 2.400 tấn lưu thông an toàn.

Giám đốc Khu Quản lý Đường thủy nội địa TP HCM Phan Công Bằng đánh giá việc đưa vào khai thác cầu sắt Bình Lợi mới sẽ giải quyết rất lớn nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa qua khu vực cũng như tăng sự kết nối giữa TP HCM và nhiều tỉnh lân cận. Bởi nhiều năm qua, cầu sắt Bình Lợi cũ với tĩnh không thông thuyền chỉ 1,5 m, hạn chế rất lớn việc lưu thông của tàu thuyền, nhất là những phương tiện có trọng tải cao.

Bên cạnh đó, cầu Phú Long cũ (nối giữa quận 12, TP HCM và thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) hiện đang được tháo dỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện lưu thông.

"Ngoài ra, tại Bình Dương, cảng An Sơn hiện đã đưa vào khai thác và chỉ cần cầu sắt Bình Lợi mới hoàn thành thì việc vận chuyển hàng hóa về các cảng hạ lưu như Cát Lái hoặc khu Cái Mép - Thị Vải sẽ tập trung qua đường thủy bởi thuận lợi hơn, đồng thời giảm tải cho giao thông đường bộ" - ông Bằng đánh giá.

Cũng theo ông Phan Công Bằng, phía tỉnh Bình Dương hiện đang nghiên cứu xây dựng cảng Bến Súc, còn tại TP HCM theo quy hoạch logistics của Bộ GTVT, sẽ có một cảng ICD tại huyện Củ Chi, quy mô từ 15-20 ha và dự án này TP cũng đang tính toán xây dựng. Cảng tại Củ Chi hình thành sẽ là nơi tập trung hàng hóa, phục vụ các khu công nghiệp phía Tây Bắc TP HCM, tỉnh Tây Ninh và giúp vận chuyển thuận lợi cho nhiều tỉnh khác qua TP.

Lợi thế về giao thông thủy tại TP HCM rất lớn nhưng hiện chưa được đầu tư, khai thác đúng tiềm năng.

Hợp nhất thành trung tâm quản lý đường thủy

Theo thống kê, hàng hóa thông qua các cảng biển tại TP HCM từ năm 2010 tới nay luôn tăng và đứng đầu cả nước. Trong đó, lượng hàng tập trung lớn nhất tại khu vực cảng Cát Lái và nguồn về cảng này có tới 70% đến từ khu vực tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. "Tổng quan những dự án nêu trên khi đưa vào khai thác sẽ thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế, khối lượng hàng hóa bằng đường thủy cũng sẽ tăng lên" - ông Bằng nhấn mạnh.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết để thúc đẩy tiềm năng phát triển của hệ thống giao thông thủy tại TP, nhiều đơn vị sẽ được sáp nhập thành một đầu mối nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý. Khu Quản lý Đường thủy nội địa và Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa sẽ được hợp nhất thành một trung tâm quản lý đường thủy, tập trung các chức năng quản lý hạ tầng, đăng kiểm...

Bên cạnh đó, theo ông Lâm, TP cũng đang kiến nghị Bộ GTVT phân cấp để TP quản lý các tuyến đường thủy quốc gia qua địa bàn TP. Vấn đề này nhằm chủ động hơn trong việc đưa ra các định hướng phát triển cùng việc tuần tra, kiểm soát...

Đặc biệt, UBND TP kiến nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nghiên cứu, đề xuất tiêu chí xây dựng, tiêu chuẩn về diện tích tối thiểu, kết cấu… cho từng loại bến thủy nội địa (bến du lịch, bến hành khách, bến hàng hóa…).

Bên cạnh đó, UBND TP cũng kiến nghị có các quy định, đặc thù riêng đối với bến thủy nội địa hoạt động thể thao, vui chơi, các bến có phương tiện vận tải hành khách công cộng đường thủy; phương tiện vào, rời cảng, bến nhiều lần trong ngày; phương tiện chạy đối lưu tại các cảng, bến trong cùng địa bàn quản lý... 

Theo NLĐ

Bạn đang đọc bài viết TP HCM 'mở bung' đường thủy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới