Thứ sáu, 19/04/2024 20:32 (GMT+7)

Thông qua phương án vay lại cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

MTĐT -  Thứ hai, 08/07/2019 17:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

HĐND TP.Hà Nội vừa thông qua phương án vay lại cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Giá trị vay lại được xác định khoảng 98,35 triệu USD, tương đương khoảng 2.306 tỷ đồng.

Theo Dân trí đưa tin, ngày 8/7, HĐND TP. Hà Nội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ 9, để xem xét nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng. Trong đó, các đại biểu đã xem xét, thảo luận về việc thống nhất phương án vay lại dự án Đường sắt đô thị Hà Nội.

Tại báo cáo gửi HĐND TP.Hà Nội về phương án vay lại dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, trên cơ sở nội dung dự thảo Thỏa thuận cho vay lại đối với Dự án kèm theo văn bản số 2720/BTC-QLN ngày 11.3.2019 của Bộ Tài chính gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị ký Thỏa thuận cho vay lại Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông và thông tin từ Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính: Giá trị vay lại được xác định dự kiến khoảng 98,35 triệu USD, tương đương khoảng 2.306 tỉ đồng (theo tỷ giá tại thời điểm báo cáo là 1 USD = 23.450 VNĐ).

Thông qua phương án vay lại cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.Hà Nội Hồ Vân Nga cho biết, việc thành phố thực hiện vay lại phần vốn vay nước ngoài của Dự án đã được Chính phủ chỉ đạo và được xác định trong phương án tài chính của Dự án.

Theo bà Hồ Vân Nga, phương án vay lại này được HĐND TP quyết nghị là căn cứ để cân đối nguồn lực và kế hoạch trả nợ của thành phố theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Khoản vay lại không làm vượt hạn mức dư nợ hàng năm của TP và không tính vào bội chi ngân sách địa phương. Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất với chủ trương thực hiện vay lại vốn vay nước ngoài theo chỉ đạo của Chính phủ như UBND thành phố trình.

Theo TTO, làm rõ những vấn đề liên quan đến việc vay lại hơn 98 triệu đô la để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ông Nguyễn Mạnh Quyền - giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội - giải thích: Hà Nội là địa phương tự chủ ngân sách, theo quy định của Luật ngân sách, Luật tài sản công, địa phương nào được hưởng thụ công trình được đầu tư bằng vốn vay ODA thì địa phương đó có trách nhiệm trả nợ ODA.

Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền giải thích thêm về khoản vay lại thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông - Ảnh: NAM TRẦN

Ông Quyền cho hay trên cơ sở xác định thời điểm nhận nợ là thời điểm Bộ GTVT tải bàn giao dự án cho Hà Nội và dự án chính thức đi vào hoạt động.

Vì thế các khoản vay để chi phí vận hành dự án sẽ được bàn giao lại cho Hà Nội để thành phố có trách nhiệm trả nợ cho ngân sách trung ương.

Trong dự trù kinh phí năm 2019, TP Hà Nội đã chủ động cân đối để đảm bảo trả nợ cân đối nguồn kinh phí này. Theo đó, Hà Nội sẽ vay lại 2.300 tỉ đồng phần kinh phí vận hành thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Việc vay lại hơn 2.300 tỉ đồng này, được chia làm 3 khoản vay. Khoản thấp nhất gần 10 triệu USD, 2 khoản khác mỗi khoản hơn 41 triệu USD và 47 triệu USD. Hà Nội sẽ phải trả nợ cho ngân sách trung ương với lãi suất 4%/năm. Dự kiến khoản vay cuối cùng sẽ được trả xong vào tháng 7-2032.

Sau phần thảo luận, các đại biểu Hội đồng Nhân dân đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2019 của thành phố Hà Nội cùng với phương án vay lại Dự án đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Cụ thể, các đại biểu tham gia biểu quyết 97/102 (đạt 95,1%), trong đó có 96 đại biểu tán thành (đạt 94,12%).

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt từ năm 2008 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 8.700 tỉ đồng, nhưng đến nay đã đội vốn lên trên 18.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay Trung Quốc trên 13.800 tỉ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam hơn 4.000 tỉ đồng.

Đến tháng 12-2014, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo giao Bộ GT-VT phối hợp với Hà Nội xây dựng phương án bàn giao, tiếp nhận trách nhiệm chủ đầu tư cho UBND thành phố Hà Nội. Theo đó Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (thuộc UBND thành phố Hà Nội) sẽ tiếp nhận khoản vay và bố trí vốn trả nợ vay lại từ năm 2018.

Đến tháng 11-2018, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh có ý kiến chỉ đạo UBND TP Hà Nội có trách nhiệm nhận nợ vay lại trực tiếp đối với phần vốn vay lại của dự án, ngân sách địa phương phải chịu trách nhiệm trả nợ ngân sách trung ương.

Bạn đang đọc bài viết Thông qua phương án vay lại cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...