Thứ sáu, 19/04/2024 12:36 (GMT+7)

Taxi công nghệ ‘đại chiến’, tài xế ùn ùn quay về taxi truyền thống

Văn Chương -  Thứ hai, 24/09/2018 05:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Go-Viet rục rịch tuyển quân, G7 Taxi sắp ra mắt với 3.000 xe, nhiều tài xế Grab tỏ ra bất an về “miếng cơm” của mình.

Vừa bước chân vào Việt Nam, Go-Viet đã tạo ra cuộc đua tranh “khốc liệt” với Grab ở thị trường xe ôm công nghệ bằng giá cả. Khi Go-Viet bắt đầu tuyển quân ở “hạng mục” ô tô, G7 taxi “nhập mâm” với 3.000 xe và tiếp tục tăng thêm, nhiều tài xế Grab tỏ ra e ngại thực sự. Liệu có xảy cuộc “di cư ngược” từ taxi công nghệ về taxi truyền thống?

Mắc kẹt giữa cuộc “đại chiến”

Anh N.H.Đ (33 tuổi, quê Nam Định) bắt đầu lái Grab từ năm 2016. 2 năm gắn bó với Grab, anh Đ. đúc kết lại một câu anh và hàng nghìn taxi xế khác đang bị “hút máu”.

“Ai đời lái xe cày mặt ngoài đường mà bị chiết khấu đến 28.6%. Tôi trót cắm sổ đỏ ngân hàng mua xe nên đâm lao phải theo lao. Đợi có hãng taxi nào mới thành lập hoặc làm ăn được, tôi sẽ xin sang, chứ chạy theo Grab thế này không ổn”, anh Đ nói.

Nhiều tài xế cho rằng mức chiết khấu của Grab quá cao.

Thời điểm mới vào Việt Nam, Grab có chiết khấu 20%. Nhưng từ tháng 12/2016, yêu cầu "thu hộ" thuế của tài xế nên mức chiết khấu kèm thuế lên thành 23,6%.  Đỉnh điểm nhất, những tài xế gia nhập trước ngày 1/10/2017 sẽ hưởng mức chiết khấu 23,6%. Sau thời gian đó, mức chiết khấu sẽ là 28,6%.

Anh Đ thở dài: “Họ tự áp đặt mức chiết khấu không tham vấn ý kiến tài xế. Mức chiết khấu theo kiểu hút máu, nhiều người không kham được”.

Các tài xế cảm thấy bức xúc hơn nữa là Grab đơn phương tăng mức chiết khấu đối với tài xế GrabCar mà không đưa ra bất cứ lý do nào. Khi mà ở Việt Nam mức chiết khấu ban đầu là 20% thì ở một số quốc gia Đông Nam Á mà Grab hoạt động, mức chiết khấu khởi điểm của GrabCar thường là 10%. Khi mà các nước tăng lên 20% thì mức chiết khấu tại Việt Nam là 28.6%.

Mức chiết khấu của Grab Việt Nam so với các  nước Đông Nam Á. Đồ họa: Zing.vn.

“Giờ xuất hiện thêm Go-Viet nữa, khách hàng sẽ ít dần. Grab và Go-Viet đấu nhau bằng khuyến mại, tài xế chết kẹt ở giữa. Nhìn sang cuộc chiến “đốt tiền” của xe ôm công nghệ giữa hai hãng này, tôi rất lo. Tôi đang định hủy đối tác của Grab để quay trở lại chạy cho taxi truyền thống cho ổn định”, anh Đ. nói.

Ở hạng mục xe ôm công nghệ, nhiều ngày qua người dân chứng kiến cuộc chiến “sát ván” của Grabike và Go-Viet. Chỉ sau 6 tuần ra mắt tại TP.HCM, Go-Viet đã có 1,5 triệu lượt tải. Hiện nay cũng đã đạt 35% thị phần tại TP.HCM sau 2 tháng đi vào hoạt động. Hai hãng này đấu nhau bằng khuyến mại. Thậm chí, Go-Viet còn ưu đãi giá 1.000 đồng cho các chuyến đi dưới 6 km tại nội thành Hà Nội.

Trước đó một tháng tại TP HCM, Go-Viet đã liên tiếp triển khai các chương trình khuyến mãi đồng giá 5.000 đồng hay 9.000 đồng cho một chuyến xe ôm dưới 8 km. Đáp lại, Grab dùng “chiêu” miễn phí chuyến đi dưới 5 km ở các quận 1, 3, 5, Bình Thạnh, áp dụng giá 2.000 đồng/chuyến dưới 8 km ở một số quận nội thành TP.HCM, đồng thời, giảm giá mạnh với khách hàng trả cước qua GrabPay.

Nhiều chuyên gia giao thông dự báo, cuộc chiến “khô máu” tương tự giữa hai hãng này sẽ xảy ra khi Go-Car chào sân.

Bị ‘hút máu’, tài xế công nghệ quay về  taxi truyền thống

Anh Hoàng Hữu Minh, 40 tuổi quê Hải Dương vừa “thanh lý” hợp đồng với Grab sau hơn 1 năm gắn bó để gia nhập G7 Taxi. Anh Minh nói rằng không chịu được mức chiết khấu cao, không được đóng bảo hiểm, không được bảo vệ khi tham gia Grab.

Nếu là hãng taxi nhỏ, hoạt động đơn lẻ chắc tôi cũng chẳng dại gia nhập làm gì. Bởi taxi truyền thống giờ đang thời bết bát, có thể bị Grab ép chết bất cứ lúc nào. Nhưng nghe nói G7 Taxi liên kết giữa 3 hãng taxi lớn, có app gọi xe và có tiềm lực kinh tế nên tôi cũng muốn thử sức”, anh Minh nói.

G7 Taxi liệu có "sống sót" được khi mà Go -Viet và Grab đang tham gia một cuộc chơi "sát ván".

Trao đổi với Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Phan Trọng Tuệ, Giám đốc truyền thông G7 Taxi cho biết từ cuối tháng 8, hãng nhận được rất nhiều đơn xin việc của các tài xế taxi. Trong đó, nhiều người đang chạy taxi công nghệ. Trong đơn họ nói rằng muốn tìm môi trường ổn định, được đóng bảo hiểm và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ.

Vị này chia sẻ, G7 Taxi là đơn vị hợp nhất 3 hãng taxi Thành Công, Ba Sao và Sao Hà Nội với 3.000 xe, gấp đôi số lượng xe so với hãng đứng thứ 2 tại Hà Nội. Hãng vận dụng sức mạnh của từng đơn vị để tạo nên sự cạnh tranh và tồn tại.

“Hà Nội hiện có hơn 70 doanh nghiệp taxi với khoảng 17.000 phương tiện nhưng doanh nghiệp lớn nhất cũng chỉ có hơn 1.000 phương tiện. Nhiều hãng chỉ dưới 100 xe. Đó là một điểm yếu của taxi Hà Nội, rất khó cạnh tranh với taxi công nghệ”, ông Tuệ nói.

Vị này hứa hẹn, với độ bao phủ thị trường sẽ giúp cho mức thu nhập của tài xế ổn định hơn. Dự kiến thi nhập của tài xế sẽ tăng 20% ngay khi sáp nhập và 40% khi vào hoạt động ổn định. Được biết, G7 Taxi sẽ chính thức ra mắt vào 1/10 tới đây.

Bạn đang đọc bài viết Taxi công nghệ ‘đại chiến’, tài xế ùn ùn quay về taxi truyền thống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?