Thứ sáu, 29/03/2024 13:32 (GMT+7)

Tăng cường kết nối giao thông các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long

MTĐT -  Thứ năm, 13/12/2018 08:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 12/12, tại Sóc Trăng, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị Kết nối mạng giao thông các tỉnh ĐBSCL và nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng).

Hội nghị Kết nối mạng giao thông các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) được tổ chức nhằm mục tiêu chung là tăng cường kết nối hệ thống giao thông vận tải vùng ĐBSCL để đảm bảo phù hợp các chiến lược, quy hoạch của Vùng, quốc gia và các địa phương có liên quan.

Đồng thời, khai thác hiệu quả các dự án kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư. Đặc biệt là những dự án có tác động lan tỏa vào tháo gỡ các điểm nghẽn của Vùng ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh – quốc phòng.

Hội nghị Kết nối mạng giao thông các tỉnh ĐBSCL và nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng Trần Đề có sự tham dự của lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn Bộ GTVT, các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM. Ảnh: Báo Giao Thông.

Mục tiêu cụ thể là rà soát, đánh giá hiệu quả khai thác các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư xây dựng của vùng, đưa ra được các bất cập, xác định các nguyên nhân, điểm nghẽn cần giải quyết để nâng cao hiệu quả khai thác. Đề xuất ra phương án, giải pháp kết nối hạ tầng giao thông vận tải các tỉnh trong vùng, liên vùng và quốc tế trên cơ sở phát huy lợi thế về đường thủy nội địa, đường biển. Đề xuất ra danh mục các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 – 2025.

ĐBSCL là vùng có nhiều thuận lợi về thời tiết, địa hình. Do đó, để vùng đất này không bị tụt hậu so với những vùng khác thì kết nối hệ thống GTVT các tỉnh trong vùng, liên vùng và quốc tế trên cơ sở phát huy lợi thế về đường thuỷ nội địa, đường biển sẵn có là một trong những điểm mấu chốt. Qua đó, có thể khơi thông, phát triển hệ thống GTVT sẵn có trong điều kiện nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp hiện nay tại các tỉnh ĐBSCL.

Theo ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT, mạng lưới giao thông đường bộ vùng ĐBSCL gồm 6 tuyến trục dọc và  9 tuyến trục ngang. Thế nhưng, do điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp nên các tuyến trục dọc, trục ngang và một số tuyến quốc lộ huyết mạch trong vùng chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch. ĐBSCL có tổng chiều dài đường thuỷ lên tới 14.826,4km, toàn vùng có tới 57 cảng thuỷ nội địa và 3.988 bến thuỷ nội địa. Tuy nhiên, trên 85% các cảng đều phân tán, manh mún, phần lớn chỉ có công suất xếp dỡ nhỏ hơn 10.000 tấn năm, chưa có bến gom hàng cho các cảng thuỷ nội địa lớn trong vùng.

Hiện ĐBSCL có 7 cảng biển và 31 bến cảng nhưng chỉ đảm nhận được 20 - 25% tổng lượng hàng có nhu cầu vận tải bằng đường biển của cả vùng, chưa có cảng tiếp nhận được tàu có tải trọng trên 20.000 DWT. Cảng lớn nhất trong vùng là Cái Cui có năng lực tiếp nhận tàu trên 20.000 DWT, nhưng bị hạn chế của luồng sông Hậu nên cũng chưa khai thác hết công suất.

Tới thời điểm này, vùng ĐBSCL có 4 cảng hàng không nhưng CHKQT Cần Thơ hiệu quả khai thác mới đạt 28% công suất thiết kế, CHK Rạch Giá, Cà Mau có quy mô nhỏ, sử dụng bay quân sự, khả năng khai thác hạn chế…

"Nếu có cảng biển tốt, sân bay tốt, ĐBSCL sẽ có cơ hội phát triển thành 1 điểm tập kết, xuất nhập hàng hoá cho khu vực, giảm thiểu chi phí vận tải, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông”, Bộ trưởng GTVT Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Do đó, việc lập điều chỉnh quy hoạch phát triển cảng biển Sóc Trăng là cảng biển loại IA, cảng biển cửa ngõ cho khu vực ĐBSCL với bến cảng chính là bến cảng Trần Đề, sẽ đáp ứng cho tàu trên 100.000 DWT phục vụ xuất nhập khẩu trực tiếp cho Vùng ĐBSCL để bổ sung vào quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam. Việc hoạch địch quy hoạch phát triển cảng này phù hợp với định hướng trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 423/QĐ - TTg ngày 11/4/2012. 

Mục tiêu quy hoạch phát triển cảng biển Sóc Trăng – bến cảng Trần Đề là phát triển bến cảng thành cảng có tính chất cửa ngõ Vùng ĐBSCL phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp của Vùng kết hợp trung chuyển hàng hóa quốc tế (loại IA). Qua đó, có thể thu hút, kêu gọi đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng.

Xem xét điều chỉnh phạm vi phục vụ của cảng bao gồm toàn bộ Vùng ĐBSCL và trung chuyển một phần hàng hóa Campuchia, từ đó điều chỉnh quy mô công suất cảng trong các giai đoạn đến năm 2025, 2030 và sau 2030 đủ đáp ứng dự báo nhu cầu hàng hóa thông qua. Điều chỉnh quy mô cỡ tàu đến cảng, xem xét khả năng quy hoạch phát triển bến cảng Trần Đề đảm bảo tiếp nhận tàu trọng tải lớn làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng; trung chuyển than khu vực ĐBSCL.

Đồng thời, xác định các chỉ tiêu quy hoạch phát triển cảng, các yêu cầu cơ bản về hạ tầng kết nối và vốn thực hiện quy hoạch theo từng giai đoạn làm cơ sở để xem xét cập nhật vào quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam và Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 6; đủ điều kiện để thực hiện các quy hoạch chi tiết xây dựng, bố trí quỹ đất và xúc tiến kêu gọi đầu tư để triển khai các dự án sau khi quy hoạch được phê duyệt.

Qua đó, căn cứ chỉ tiêu đánh giá, phân loại cảng biển, bến cảng tại Quyết định số 70/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, để kiến nghị điều chỉnh tính chất, chức năng cảng phù hợp theo quy định. Vì đây là dự án xã hội hoá, do đó, khi đi vào phát triển sớm sẽ tạo cú hích cho GTVT vùng, tạo tiền đề phát triển KTXH các tỉnh ĐBSCL.

Ngọc Bùi T/H

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường kết nối giao thông các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới