Thứ sáu, 19/04/2024 20:18 (GMT+7)

Tai nạn ở Hải Dương: Cầu vượt thiết kế sai, gián tiếp gây tai nạn?

MTĐT -  Thứ tư, 23/01/2019 17:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc ở Hải Dương cướp đi sinh mạng của 8 người, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến hạ tầng giao thông trên quốc lộ 5. Đặc biệt là cầu vượt trên tuyến đường này.

Chiều 21/1, nhóm cán bộ xã Kim Lương (huyện Kim Thành, Hải Dương) gồm 50 người bị một xe tải lấn làn đâm trực diện khi đang đi bộ sát lề đường để lên cầu vượt cắt qua quốc lộ 5. Tai nạn làm 8 người chết, 8 người bị thương.

Cây cầu vượt gần vị trí xảy ra tai nạn là cầu vượt số 9 thuộc km 76. Cầu phục vụ cho người dân 4 thôn của xã Kim Lương, người dân đi chợ và trẻ em đi học thường xuyên qua cầu mỗi ngày.

Tuy nhiên, thiết kế của cây cầu lại gây tranh cãi vì bậc thang dành cho người đi bộ lại dẫn thẳng xuống làn đường dành cho xe thô sơ của quốc lộ 5.

Lỗi thuộc về đơn vị thiết kế cầu vượt

Liên quan đến những chiếc cầu vượt gây tranh cãi trên QL5, ông Nguyễn Thanh Hưng - Giám đốc một đơn vị chuyên thiết kế, tư vấn xây dựng giao thông tại TP. Hà Nội trao đổi với Đất Việt cho biết, theo Luật Đường sắt, chiều rộng giới hạn tính từ mép chân nền đường đắp, mép đỉnh mái đường đào, mép ray ngoài cùng của đường không đào, không đắp trở ra mỗi bên là 15 mét đối với đường sắt trong khu gian; tính từ mép ray ngoài cùng trở ra mỗi bên là 2 mét đối với đường sắt trong ga, trong cảng, trong tường rào.

Hành lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực đường ngang phải bảo đảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông và phù hợp với cấp đường ngang.

Trong hành lang an toàn giao thông đường sắt chỉ được phép trồng cây thấp dưới 1,5 mét và phải trồng cách mép chân nền đường đắp ít nhất 2 mét, cách mép đỉnh mái đường đào ít nhất 5 mét hoặc cách mép ngoài rãnh thoát nước dọc của đường, rãnh thoát nước đỉnh ít nhất 3 mét.

Đối với đường bộ cao tốc, QL5 là đường cấp I nên hành lang an toàn mỗi bên phải có độ rộng 3m. Trong phạm vi 3m đó phải đảm bảo thông thông thoáng, không làm đường bộ, trồng cây khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông.

Cầu vượt được thiết kế cùng lối xuống với đường dành cho các phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Zing. 

"Từ những quy định đó, bằng mắt thường nhìn thấy có thể dễ dàng nhận ra cầu đường bộ qua QL5 lại làm lối lên xuống ở ngay giữa QL5 và đường sắt đã vi phạm thiết kế.

Không những thế, lối lên xuống này còn không làm đường dân sinh cho người dân, buộc người lên xuống cầu vượt phải đi bộ ra đường QL5 đã vô tình tạo lên cái bẫy nguy hiểm cho người dân" - ông Hưng nói.

Sở thừa nhận bất cập

Trong khi đó, trao đổi với Zing, Giám đốc Sở GTVT Hải Dương. Ông Lê Đình Long cũng thừa nhận thiết kế lối lên cầu vượt ở vị trí này là chưa phù hợp với thực tiễn giao thông, Sở cũng đã nhận thấy bất cập ở vị trí này.

Ông Long vẫn khẳng định thiết kế của cầu không sai, quan điểm của Giám đốc Sở GTVT Hải Dương là người dân vẫn được phép đi sát lề đường trong trường hợp không có vỉa hè.

"Nhưng thiết kế như vậy chưa phù hợp. Đúng ra, lối xuống của cầu vượt phải cắt qua cả đường sắt, dẫn xuống một đường gom dân sinh thay vì dẫn thẳng xuống quốc lộ", ông Long thừa nhận.

Lãnh đạo Sở GTVT cho rằng trong vụ tai nạn ngày hôm qua, nếu lối xuống của cầu vượt không nằm ở vị trí đó mà nằm sâu bên trong thì sẽ không xảy ra tai nạn.

"Đặt lối xuống ở bên ngoài dải phân cách thì sẽ an toàn hơn, nhưng ngay bên ngoài dải phân cách là đường sắt, ngoài đường sắt là ruộng. Do chưa có vốn để xây dựng đường gom nên buộc phải xây lối xuống thông thẳng ra quốc lộ", ông Long nói.

Giám đốc Sở GTVT Hải Dương cho biết cầu vượt này do Bộ GTVT thiết kế, Sở GTVT Hải Dương đã có kiến nghị về điểm bất cập nói trên và Bộ cũng đã ghi nhận vấn đề này.

Quốc lộ 5 có 3 làn xe hỗn hợp, hai làn ngoài cùng dành cho ôtô 5-9 chỗ, làn giữa cho xe khách, xe tải chạy với tốc độ tối đa 80 km/h, khu vực đông dân cư tốc độ tối đa 50 km/h. Làn trong cùng dành cho xe máy và xe thô sơ.

Đáng nói, sau khi vụ tai nạn nghiêm trọng trên xảy ra, phản ánh đến Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, người dân địa phương cho biết, khu vực này là “điểm đen” giao thông.

Họ cho biết: “Trong tầm 2 tháng trở lại đây, khu vực này có tầm 3 vụ tai nạn giao thông nhưng vụ việc vừa rồi là nghiêm trọng nhất. Người dân vô cùng hoang mang, lo sợ mỗi khi ra đường”.

“Tôi cho rằng dải phân cách giữa các làn xe cơ giới và xe thô sơ bị rỡ bỏ nên khiến xe tải, xe container bị mất lái và đâm vào làn xe thô sơ. Cụ thể ở đây là người đi bộ và người đi xe máy”, người này nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng thừa nhận, khu vực xảy ra vụ tai nạn trên là một “điểm đen” giao thông có các vấn đề liên quan đến cầu vượt cho người đi bộ, người dân thường đi trên làn xe thô sơ để lên cầu vượt.

Nói về chiếc cầu vượt cho người đi bộ, Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục đường bộ rà soát lại toàn bộ những khu vực có cầu vượt dành cho người đi bộ tương tự để chấn chỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho người dân; yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của Vidifi (Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam) vì có một số làn vạch sơn không rõ và khẳng định: “Trách nhiệm thuộc về ai, phải làm rõ để xử lý.''

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tai nạn ở Hải Dương: Cầu vượt thiết kế sai, gián tiếp gây tai nạn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...