Thứ sáu, 29/03/2024 18:35 (GMT+7)

Quốc hội không chỉ định thầu nhà đầu tư sân bay Long Thành

MTĐT -  Thứ ba, 26/11/2019 09:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều nay (26/11), Quốc hội sẽ biểu quyết để thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành.

Chỉ có thể đấu thầu trong nước

Theo Vnexpress, trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh sẽ đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1).

Trong báo cáo nghiên cứu khả thi trình Quốc hội tại kỳ họp lần này, Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư, thực hiện dự án. Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội sẽ thông qua đề xuất này để "đảm bảo tính minh bạch, khách quan và giảm thủ tục, thời gian thực hiện dự án".

Tuy nhiên, mới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ không quyết định nhà đầu tư nào làm sân bay Long Thành mà theo Luật, thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng.

Trước đó, tại các phiên thảo luận tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra) Vũ Hồng Thanh khẳng định việc quyết định giao dự án hoàn toàn thuộc thẩm quyền Chính phủ. Còn Quốc hội xưa nay chưa từng chỉ định thầu cho một doanh nghiệp cụ thể thực hiện một dự án đầu tư công.

Để thuyết phục Quốc hội, Chính phủ cho rằng việc này nếu được Quốc hội thông qua sẽ đảm bảo tính minh bạch, khách quan và giảm thủ tục, thời gian tổ chức thực hiện.

Hơn nữa, với năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền, ACV có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường nên việc ACV là nhà đầu tư, khai thác sẽ giảm chi phí lãi vay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính của dự án.

Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, do sân bay Long Thành gắn liền với an ninh quốc gia nên chỉ có thể đấu thầu trong nước. Và như vậy khả năng cao vẫn chọn ACV nhưng thời gian sẽ bị chậm hơn 1,5 năm. Chỉ có chỉ định thầu mới có thể khởi công dự án vào đầu 2021.

ACV có đáp ứng được năng lực tài chính?

Tuy nhiên, tại các phiên thảo luận trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ nghi ngờ năng lực tài chính của ACV và nếu giao đơn vị này đầu tư sẽ ảnh hưởng tới nợ công.

Theo báo Dân Việt, tại phiên họp ngày 13/10 vừa qua, đánh giá về phương án đầu tư và lựa chọn nhà đầu Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, việc Chính phủ đề nghị giao giai đoạn 1 của dự án với tổng mức đầu tư gần 4,8 tỷ USD cho ACV đầu tư các hạng mục chính là hình thức chỉ định thầu. Theo Luật Đấu thầu, thì dự án phải tiến hành đấu thầu. Chưa bao giờ Quốc hội chỉ định giao cho một đơn vị cái gì cả. Vậy có cần trình ra Quốc hội hay không?

Bày tỏ lo ngại việc giao ACV làm nhà đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng AVC đang đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, sắp tới là sân bay Điện Biện thì liệu khả năng tài chính có làm được không. "Chúng ta giao cho AVC giai đoạn 1 thì giai đoạn 2, giai đoạn 3 của dự án có giao nữa không?", ông Thanh nói.

Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1. Nhiều đại biểu cũng bày tỏ nghi ngờ về năng lực tài chính của ACV.

Theo báo Pháp luật TP. HCM, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn TP Hà Nội, cho rằng chưa thể khẳng định được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) mới đủ năng lực đầu tư. ACV có nhiều lợi thế nhưng tư nhân vẫn có thể đầu tư dù chưa có kinh nghiệm. Điển hình như sân bay Vân Đồn do một doanh nghiệp tư nhân đầu tư vừa được bình chọn là một trong sáu sân bay tốt nhất Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, hiện ACV huy động được 1/3 vốn, điều này cho thấy chưa chắc giao cho ACV đã huy động được vốn tốt nhất. Dù Chính phủ không phải bảo lãnh thì ACV vẫn phải đi huy động, mà doanh nghiệp nhà nước (DNNN) huy động thì khó khăn hơn tư nhân do vướng các quy định. “Nếu nhìn 12 dự án thua lỗ vừa qua, liệu có khả thi không” - ông Cường đặt câu hỏi.

Cho rằng việc đấu thầu hay chỉ định thầu đã được quy định rõ trong Luật Đấu thầu, vấn đề ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) lo lắng nghị quyết yêu cầu không ảnh hưởng tới nợ công. Nhưng ACV là công ty có 95% vốn nhà nước.

Về tổng mức đầu tư dự án, ĐB Bạc Liêu cho rằng hiện Hội đồng Thẩm định nhà nước còn chưa có kết luận. Vậy Quốc hội căn cứ vào đâu để quyết tổng mức đầu tư dự án không vượt hơn 111.000 tỉ đồng, trong khi thời gian trình Quốc hội xem xét báo cáo khả thi rất vội.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Quốc hội không chỉ định thầu nhà đầu tư sân bay Long Thành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới