Thứ bảy, 20/04/2024 19:55 (GMT+7)

Nhiều ý kiến trái chiều về quy định đổi biển số vàng xe kinh doanh

MTĐT -  Thứ năm, 09/07/2020 11:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo quy định của Bộ Công an, các xe kinh doanh vận tải phải đổi biển số sang màu vàng, tuy nhiên quy định này đang nhận phải những ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia và cả dư luận.

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 58/2020 quy định về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Cụ thể, tại điểm đ khoản 6 Điều 25 của Thông tư quy định biển số ôtô kinh doanh vận tải sẽ có nền màu vàng, chữ và số màu đen, seri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z.

Theo Cục CSGT (Bộ Công an), các xe kinh doanh vận tải đăng ký mới sẽ bắt đầu chuyển sang biển màu vàng từ ngày 1/8. Ngoài ra, đối với các phương tiện kinh doanh hoạt động trước ngày Thông tư 58 có hiệu lực sẽ phải chuyển đổi sang biển vàng trước ngày 31/12/2021.

Xe hoạt động kinh doanh sẽ có biển màu vàng. Ảnh minh họa.  

Thượng tá Phạm Việt Công, Trưởng Phòng Hướng dẫn đăng ký và kiểm định phương tiện Cục CSGT, cho rằng việc phân định màu sắc phương tiện cũng là để thực hiện Nghị quyết 12 của Chính phủ về đăng ký hệ biển, màu biển nhằm nâng cao quản lý. Ngoài ra, việc này sẽ giúp cơ quan chức năng giải quyết những vướng mắc trong quản lý hoạt động xe kinh doanh.

Thượng tá Công dẫn chứng hiện vẫn có tình trạng taxi công nghệ hoạt động ở tuyến đường cấm, giờ cấm xe KDVT nhưng cơ quan chức năng không thể phân biệt với các phương tiện khác; việc quy định biển số khác màu sẽ giúp lực lượng chức năng dễ nhận ra, tiện lợi trong công tác quản lý và tạo sự công bằng, bình đẳng với các hãng xe.

Đồng quan điểm, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết: Hiện nay tình hình quản lý xe kinh doanh của nước ta đang lộn xộn. Công an và người dân không phân biệt được đâu là xe cá nhân, đâu xe kinh doanh công nghệ, xe hợp đồng.

Trong khi, các loại xe khác đã được phân biệt rõ ràng bằng biển như xe biển đỏ, xe biển xanh, xe ngoại giao…

Vì thế, Bộ Công an ban hành Thông tư 58 thời điểm này là phù hợp, giúp rành mạch, minh bạch giữa xe cá nhân với xe kinh doanh. Công an cũng dễ dàng trong hướng dẫn tham gia giao thông, xử lý vi phạm… 

Ông cũng cho rằng, không loại trừ một bộ phận nhỏ những người kêu phiền hà vì họ bị ảnh hưởng lợi ích cá nhân như không chạy chui được như trước đây. Ví dụ, hiện có nhiều xe chở khách lấy tiền nhưng không làm nghĩa vụ đóng thuế, phí cho nhà nước. Điều này không công bằng với xe taxi, xe công nghệ, xe tải có đóng nghĩa vụ.

Trong khi đó trao đổi với PLO, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội lại đặt ra câu hỏi: "Tại sao lại quản lý ôtô bằng màu sắc trong thời công nghệ 4.0?".

Ông Liên cho rằng, trước tiên việc kiểm tra xe KDVT không phải là chức năng của ngành công an. Nên quy định này vượt thẩm quyền của công an, nói đúng hơn ngành công an đang lấn sân của ngành khác trong việc kiểm tra hoạt động kinh doanh của xe vận tải.

“Nhiệm vụ của công an là đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chứ không phải đề ra các quy định để quản lý xe KDVT” - ông Liên nói.

Theo quy định hiện hành, người dân, doanh nghiệp khi đăng ký KDVT phải chịu nhiều điều kiện, giờ thêm việc đổi màu biển số này sẽ tạo nên gánh nặng. Ông Liên cho rằng việc này không khác gì một dạng giấy phép con, đi ngược với chủ trương của Chính phủ là tập trung cắt giảm các điều kiện kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc 1,6 triệu phương tiện phải đổi màu biển số sẽ làm mất hơn 2 triệu ngày công của người dân và tốn hàng trăm tỉ đồng. Quy định này không đưa lại hiệu quả cho nền kinh tế, mà chỉ tăng quyền kiểm soát của ngành công an.

Hơn nữa, hiện nay Bộ GTVT, Bộ Công an và các địa phương đã liên thông giữ liệu để quản lý các phương tiện này nên không cần thêm quy định. “Đó là chưa kể công an sẽ khó kiểm soát được xe nào là kinh doanh hay không KDVT. Ví dụ, xe bệnh viện, xe của các trường mua để đưa đón học sinh, xe công trình… thì làm sao?” - ông Liên đặt câu hỏi.

Phó chủ tịch Hiệp hội Ô tô Hà Nội cho rằng nhiệm vụ công an là đảm bảo trật tự an toàn giao thông, không phải đi xem xe nào KDVT: “Tóm lại, quy định này không phù hợp, gây ảnh hưởng phát triển kinh tế, đời sống của người dân nên tôi không thể đồng tình, cần phải rút ngay…” - ông Liên nhấn mạnh.

Còn dưới góc độ của DN, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Thương mại và Du lịch Đất Cảng cho rằng, trong bối cảnh chủ trương của Chính phủ thúc đẩy việc cắt giảm các điều kiện, thủ tục kinh doanh, gỡ khó cho doanh nghiệp thì việc áp dụng quy định này cần tính toán lộ trình hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng ranh giới giữa các xe kinh doanh và xe cá nhân ở nước ta hiện chưa rõ ràng. Theo thông lệ, các nước có hệ số an toàn giao thông cao trên thế giới đều có sự phân định màu biển số giữa các xe kinh doanh và xe không kinh doanh. Tuy nhiên, ông Quyền nhấn mạnh cơ quan thực thi cần phải làm triệt để, không để sót, đồng thời đơn giản hóa thủ tục tối đa cho chủ xe.

Minh Phương (th)

Bạn đang đọc bài viết Nhiều ý kiến trái chiều về quy định đổi biển số vàng xe kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất