Thứ bảy, 20/04/2024 08:13 (GMT+7)

Nhiều ý kiến trái chiều quanh đề xuất “xe máy phải bật đèn cả ngày”

MTĐT -  Thứ hai, 11/05/2020 14:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khi đề xuất mới quy định xe máy bật đèn cả ngày được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa ra, ngay lập tức nhận phản ánh trái chiều của chuyên gia và cả dư luận.

Tại dự thảo Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi), Bộ GTVT đề xuất mới quy định xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn cả ban ngày. 

Giải thích về đề xuất trên với Vov,  ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định, quy định này đã áp dụng tại Canada, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan từ lâu và trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có có 7/10 nước áp dụng quy định này. Như vậy, Việt Nam cũng đang trong lộ trình để thực hiện quy định này cùng các thành viên khác của ASEAN.

Theo đề xuất mới trong dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi, xe máy phải luôn bật đèn khi ra đường.

Cũng trao đổi về đề xuất này, GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên Trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết, nhiều nước trên thế giới đã quy định bắt buộc xe cơ giới đường bộ (bao gồm mô tô, xe máy) phải có đèn chiếu sáng ban ngày để nâng cao khả năng nhận biết cho phương tiện khi tham gia giao thông.

Đa số các quốc gia ở châu Âu đều đang áp dụng bật đèn xe ban ngày để tham gia giao thông. Bởi họ nhận thấy, hệ thống đường cao tốc mà các phương tiện được chạy với tốc độ rất cao, các xe sẽ dễ phát hiện ra nhau từ rất xa nếu bật đèn ban ngày. Cũng chính vì lẽ đó, hầu hết các phương tiện (trong đó có mô tô và xe máy) đều mặc định sử dụng đèn ban ngày mà không có công tắc tắt. Giải pháp bật đèn suốt cả ngày cũng được áp dụng đối với toàn bộ khu vực Bắc Mỹ.

"Tại châu Á, năm 1990, Nhật Bản bắt đầu nhận thức được lợi ích và văn hóa giao thông bằng đèn. Mặc dù là đất nước nhiều nắng, nhưng Thái Lan đã sớm nhận thấy lợi ích của việc bật đèn ban ngày, đặc biệt với mô tô, xe máy", GS.TS Từ Sỹ Sùa nói.

Cũng theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, người lái ô tô có thể phát hiện các xe máy đi cùng chiều ở phía sau thông qua gương chiếu hậu từ rất xa, giảm thiểu được tai nạn khi cho xe rẽ phải, rẽ trái, nhất là khi đi trên quốc lộ. Kết quả đánh giá tại các nước đã áp dụng cho thấy, ở Nhật Bản giảm được 40% số vụ tai nạn giao thông, Malaysia giảm được 29%, nhiều nước giảm từ 10 - 30%.

Bên cạnh đó cũng có nhiều chuyên gia giao thông không đồng tình về dự thảo sửa đổi này.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, việc học hỏi kinh nghiệm, mô hình ở nước ngoài trong quá trình xây dựng văn bản luật là rất cần thiết, không chỉ ở nước ta mà tại bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, nếu bê nguyên mô hình nước ngoài một cách máy móc mà chưa có sự nghiên cứu, đánh giá về tính phù hợp với điều kiện thực tế trong nước sẽ gây ra những hệ lụy rất khó lường.

“Kinh nghiệm hay mô hình gì cũng phải có sự tương thích và phù hợp mới áp dụng được. Thực tế đã chứng minh, không ít quy định được các cơ quan soạn thảo luật ở nước ta đưa vào sau khi bê nguyên từ nước ngoài về đều có những bất cập, thậm chí không thể đi vào cuộc sống được” – ông Bùi Danh Liên nói.

Nói cụ thể về đề xuất xe máy phải bật đèn cả ngày mà Bộ GTVT đưa vào trong Dự thảo luật, ông Liên cho rằng, có ít nhất hai vấn đề không phù hợp sẽ tạo ra những bất cập nhãn tiền.

Thứ nhất, điều kiện thời tiết nước ta khác với các nước tại châu Âu mà cụ thể là không có sương mù dày đặc như nước bạn. Do đó, việc yêu cầu xe máy bật đèn cả ban ngày để nhận diện là không cần thiết. Mặc dù trên thực tế, một số tỉnh, thành phía Bắc, vào mùa Đông cũng xảy ra hiện tượng sương mù lúc sáng sớm nhưng hiện tượng này không kéo dài. Phần lớn thời gian còn lại trong năm, sương mù không có.

Hiện nay xe máy vẫn là phương tiện giao thông chiếm đa số ở nước ta. Thử tưởng tượng, vào những ngày hè oi nóng như tại Hà Nội bây giờ, hàng triệu xe máy đồng loạt bật đèn ngoài đường thì cái nóng nực, oi bức sẽ còn khủng khiếp đến thế nào?” – ông Liên giả thiết.

Thứ hai, phần lớn xe máy ở nước ta đều không được thiết kế lắp đặt Daytime Running Light để bật đèn cả ngày như các nước châu Âu. Trong khi hệ thống đèn pha, cos không thiết kế để sử dụng với mục đích này. Việc áp bức dùng bóng đèn (theo đề nghị của Bộ GTVT là đèn cos để bật vào ban ngày) sẽ ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ của đèn.

“Muốn đúng chuẩn thì không còn cách nào khác ngoài việc thay hệ thống đèn pha, cos bằng đèn Daytime Running Light, mà điều này lại làm thay đổi thiết kế ban đầu của phương tiện và khiến chủ xe thêm tốn kém” – ông Liên phân tích.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị, nếu Bộ GTVT cho rằng xe lưu thông trên đường cần bật đèn để nhận diện thì nên áp dụng quy định đó với ô tô sẽ khả thi hơn. Bởi lượng ô tô vẫn còn ít hơn rất nhiều so với xe máy, việc bật đèn để nhận diện cũng dễ thực hiện hơn so với xe máy.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nhiều ý kiến trái chiều quanh đề xuất “xe máy phải bật đèn cả ngày”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...