Thứ sáu, 29/03/2024 21:41 (GMT+7)

Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất: Tầm nhìn…“tủn mủn” của ACV

Văn Chương -  Thứ năm, 04/04/2019 15:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đưa ra phương án bớt đi một nửa tổng diện tích mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất so với tư vấn Pháp ADPI, nhiều người đang cảm thấy lo lắng về tầm nhìn của ACV.

Tầm nhìn ACV có vấn đề?

Cách đây không lâu, trong buổi tổ chức hội thảo "Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Cần cơ chế chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đào tạo, chuyển đổi nghề và ổn định cuộc sống cho người dân" do UBND Đồng Nai tổ chức, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không (khi đó còn làm Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam) đã khiến nhiều người “sốc” bởi phát ngôn của mình.

Khi đó, ông dõng dạc nêu ý kiến về việc “đóng băng” công suất tại sân bay Tân Sơn Nhất ở con số 35 triệu hành khách/năm. Ngay lập tức, quan điểm này vấp phải ý kiến phản đối của các chuyên gia hàng không. “Một người đúng đầu Cục Hàng không lại có phát ngôn như vậy thật đáng buồn. Việc “đóng băng” công suất Tân Sơn Nhất ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế xã hội chắc ai cũng biết. Đặc biệt hàng không Việt Nam đang tăng trưởng nóng”, một chuyên gia hàng không khẳng định.

Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là điều cần kíp. Ảnh Zing.vn.

Mới đây, một lần nữa ACV khiến dư luận ngạc nhiên khi trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất với Bộ GTVT. Bởi trước đó tư vấn Pháp ADPI đã được Thủ tướng đồng ý phương án 1. Cụ thể, theo phương án này, đơn vị tư vấn kiến nghị lựa chọn phương án xây dựng thêm một nhà ga hành khách của Sân bay Tân Sơn Nhất với tổng diện tích sàn lên đến 200.000 m2 để có thể phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm ở phía Nam, tức là phía nhà ga hiện hữu. Còn diện tích đất phía bắc, trong đó có sân golf và 16 ha đất do Bộ Quốc phòng quản lý sẽ được sử dụng để xây dựng các công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistics và chế biến suất ăn... đảm bảo nhu cầu khai thác đến năm 2025.

Tuy nhiên, trong đề xuất mới đây, ACV đã đề xuất giảm đi một nửa diện tích so với phương án của ADPI. Theo đề xuất của ACV, dự án nhà ga hành khách T3 sẽ có công suất thiết kế 20 triệu khách/năm với tổng diện tích khoảng 100.000 m2. Nhiều chuyên gia khẳng định, nếu áp dụng phương án của ACV, sau khi xây dựng xong nhà ga T3 thì chắc chắn sẽ phải tiếp tục mở rộng. Tầm nhìn của ACV quá… ngắn hạn.

Từ việc ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV ACV tuyên bố có thể “đóng băng” công suất sân bay Tân Sơn Nhất ở mức 35 triệu hành khách/năm cho đến việc họp “ăn bớt” 100.000m2 sàn ga T3 như họ đề xuất, không ít người ngán ngẩm với “tầm nhìn” của ACV.

Cách đây không lâu, Thanh tra Bộ GTVT cũng chỉ ra tầm nhìn “tủn mủn” của ACV khi một số dự án vừa đầu tư xong đã phải nâng cấp mở rộng như dự án kéo dài, nâng cấp đường CHC, đường lăn và sân đậu sân bay Pleiku (Gia Lai). Thậm chí có tình trạng  “đánh tráo” tiêu chuẩn xây dựng nhà ga. Cụ thể, tại Dự án mở rộng nhà ga hành khách Phú Quốc (Kiên Giang), Vinh (Nghệ An), trong quá trình thi công nghiệm thu, chủ đầu tư đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam để phù hợp với điều kiện thi công xây lắp tại Việt Nam trong khi hồ sơ mời thầu theo chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng tiêu chuẩn Anh, Mỹ.

Bộ GTVT bỏ qua xã hội hóa để chỉ định ACV xây dựng ga T3

Đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi Bộ GTVT cứ nhất nhất đề xuất Chính phủ giao việc xây dựng nhà ga T3 cho ACV.

Phải nói rằng, xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là dự án được rất nhiều tập đoàn lớn trong nước muốn đầu tư xây dựng. Cụ thể là FLC, Vietjet và Công ty cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines). Thậm chí Vietstar còn đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà ga lưỡng dụng trên diện tích 10 ha với công suất 9,8 triệu hành khách nhưng có vẻ Bộ GTVT vẫn quyết “ngó lơ”.

Việc các tập đoàn lớn, công ty tư nhân quan tâm đến các dự án hạ tầng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, đối với dự án xây dựng nhà ga T3, Bộ GTVT tỏ ra không “cởi mở” với tư nhân. Bộ nên nhớ rằng, sân bay Vân Đồn mà Tập đoàn Sungoup thực hiện hiệu quả và thành công như thế nào.

Sân bay Vân Đồn thể hiện sự hiệu quả của đầu tư tư nhân. Tại sao việc xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT lại nhất nhất giao cho ACV, bỏ qua các đề xuất của tư nhân?

Để dẫn chứng cho điều đó, ngày 30/12/2018, dự khai trương ba công trình giao thông trọng điểm tại Quảng Ninh là cảng hàng không quốc tế (HKQT) Vân Đồn, cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long và thông tuyến cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Việc triển khai thành công các dự án đối tác công tư (PPP) của Quảng Ninh cho thấy chủ trương xã hội hóa đầu tư công trình hạ tầng, huy động các nguồn lực xã hội là hoàn toàn đúng đắn”.

Bộ GTVT thừa hiểu việc giao cho ACV sẽ rất mất nhiều thời gian bởi những vướng mắc liên quan đến mặt bằng. Theo đề xuất của ACV, nhà ga hành khách T3 sẽ được xây dựng ở phía nam với diện tích sàn 100.000 m2 trên diện tích đất quốc phòng 16,37 ha. Khu đất này hiện đang thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng nên Bộ GTVT không thể giao thẳng cho ACV. Bởi điều này sẽ vi phạm Luật Đất đai. Trước đó, ACV cũng nhận bàn giao 7,63 ha đất quốc phòng để thực hiện dự án mở rộng sân đỗ máy bay mà không có sự tham gia của UBND TP.HCM đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra.

Bạn đang đọc bài viết Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất: Tầm nhìn…“tủn mủn” của ACV. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới