Thứ năm, 18/04/2024 11:25 (GMT+7)

Lo bị xử phạt, dân tình đua nhau tìm mua máy đo nồng độ cồn

MTĐT -  Thứ bảy, 04/01/2020 11:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nghị định 100 chính thức có hiệu lực, nhiều người khá lo lắng bị xử phạt nặng dù trong nhiều trường hợp không phải cố tình vi phạm. Chính vì thế, hiện không ít người đã tìm biện pháp phòng tránh.

Lo bị xử phạt, nhiều người đổ xô mua máy đo nồng độ cồn

Từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực, người dân TP HCM mong rằng, luật này sẽ được áp dụng và triển khai hiệu quả để hạn chế tối đa những hệ lụy do lạm dụng bia rượu gây ra đối với mỗi gia đình và xã hội.

Song song với việc Luật phòng, chống tác hại của rượu bia cũng có hiệu lực từ 1/1/2020, các mức phạt đối với các hành vi lái xe khi đã uống rượu cũng đồng loạt tăng ở toàn bộ các mức quy định, và ở mức cao nhất (nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1L khí thở). Mức phạt tiền tối đa sẽ tăng từ 18 triệu đồng lên 40 triệu đồng và thời gian tước quyền sử dụng GPLX cũng tăng từ 6 tháng lên gấp 4 lần (24 tháng).

Hầu hết đều đồng tình rằng, quy định mới này sẽ nâng cao ý thức người dân, góp phần quan trọng làm thay đổi thói quen uống rượu, bia của nhiều người tham gia giao thông ở Việt Nam, đặc biệt là nam giới.

Máy đo nồng độ cồn iblow 10 xuất xứ Hàn Quốc được nhiều người mua nhất. Ảnh: Maydocongnghiep.

Tuy vậy, quy định mới khiến rất nhiều người có tâm lý lo lắng bị xử phạt nặng dù trong nhiều trường hợp không phải cố tình vi phạm. Chính vì thế, hiện không ít người đã tìm  biện pháp phòng tránh, đó là mua máy đo nồng độ cồn để chủ động tự kiểm tra cho mình trước khi tham gia giao thông.

Trao đổi với Zing, Anh Linh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: "Do đặc thù công việc phải đi ngoại giao, tiếp khách nhiều, lại là dịp cuối năm nên tôi khó tránh được việc dùng rượu bia. Việc thuê xe hay taxi đưa đón cũng khá bất tiện, nhất là khi tôi thường không uống nhiều, chỉ một, vài chén cho vui. Vì thế, tôi khá lo bị phạt nặng mỗi lần không may vi phạm như thế. Sau một vài ngày tham khảo, tôi quyết định mua máy đo nồng độ cồn để tự kiểm tra mỗi khi đi tiếp rượu đối tác. Nếu vẫn ở ngưỡng cho phép, tôi sẽ vẫn tham gia lưu thông. Còn ngược lại, tôi sẽ tìm cách khác để tránh phạm luật".

Có lẽ cũng vì nhiều người có tâm lý, suy nghĩ như anh Linh nên mặt hàng này đang khá hút khách. Máy đo nồng độ cồn được mua khá dễ dàng trên mạng và một số siêu thị điện máy với giá dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Xuất xứ của sản phẩm chủ yếu đến từ Hàn Quốc và Singapore với thời gian bảo hành 12 tháng cho máy và 6 tháng cho bộ cảm biến.

Cũng trao đổi về vấn đề này, Anh Long, nhân viên kinh doanh siêu thị Hải Minh (quận Thanh Xuân) cho biết: "Trước kia, mỗi ngày chúng tôi chỉ bán được 1 đến 2 máy, thậm chí có ngày không bán được sản phẩm nào. Mấy hôm nay lượng người mua và hỏi mua tăng đột biến. Có ngày cửa hàng bán được gần hai chục sản phẩm”.

Cũng theo anh Long, loại máy được nhiều người mua nhất là máy iblow10 của Hàn Quốc. Mẫu này có giá dưới 5 triệu đồng. Anh Long cho biết, cách sử dụng loại máy này cũng khá đơn giản và cho kết quả chính xác cao.

Khi được hỏi với mức giá khá cao, tại sao lại sẵn sàng bỏ tiền mua máy đo nồng độ cồn, anh Thanh ở Hà Đông, Hà Nội cho biết: "Với mức phạt khá cao, lên đến 40 triệu đồng, cùng với việc bị tước giấy phép lái xe thì chỉ vi phạm một lần, tiền nộp phạt cũng đã vượt nhiều lần số tiền mua máy".

Uống rượu, bia: Đi xe đạp cũng bị phạt

Theo đó, lần đầu tiên Chính phủ quy định mức phạt đối với người đi xe đạp, xe đạp điện vi phạm nồng độ cồn; với mức phạt 80.000 đến 100.000 đồng khi lái xe có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Phạt từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng khi người đi xe đạp, xe đạp điện có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Đeo tai nghe, dùng điện thoại cũng sẽ bị xử phạt

Nghị định 100/2019/NĐ-CP gây chú ý khi bổ sung thêm 2 chế tài xử phạt mới dành cho người tham gia giao thông có sử dụng thiết bị âm thanh như tai nghe, hoặc dùng điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện giao thông. Cụ thể:

Tài xế cần chú ý khi tham gia giao thông.

– Đối với lái xe máy sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) sẽ bị xử phạt từ 600.000 – 1 triệu đồng (Nghị định 46 là 200.000 – 300.000 đồng).

– Tài xế ô tô có hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe chạy trên đường sẽ bị phạt 1 – 2 triệu đồng (Nghị định 46 là 600.000 – 800.000 đồng).

Thực tế cho thấy, đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra chỉ vì người tham gia phương tiện giao thông sử dụng điện thoại hoặc có đôi khi là các thiết bị âm thanh.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người thường xuyên sử dụng điện thoại có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 4 lần so với những người điều khiển phương tiện giao thông khác. Do đó, Đại diện Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng cần phải xử lý nghiêm việc sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông.

Bạn đang đọc bài viết Lo bị xử phạt, dân tình đua nhau tìm mua máy đo nồng độ cồn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.