Thứ sáu, 29/03/2024 05:40 (GMT+7)

Kỹ sư Lê Văn Tạch phản bác lại ý kiến của Cục đăng kiểm Việt Nam

Yến Oanh -  Thứ sáu, 16/03/2018 11:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, Cục đăng kiểm Viêt Nam đã có câu trả lời về các lỗi liên quan đến xe Toyota và Honda. Tuy nhiên, những nội dung này lại tồn tại mâu thuẫn khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.

 Đồ gá của xe Innova J bị biến dạng hay thiết kế sai?

Sau khi nhận được phản ánh từ bạn đọc về những lỗi của một số hãng xe, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã liện hệ với Cục đăng kiểm Việt Nam để làm rõ.

Ngay sau đó, Cục đăng kiểm Việt Nam (CĐKVN) đã có những giải thích về ý kiến của Kỹ sư Lê Văn Tạch (người được mệnh danh là người hùng ô tô, từng làm việc nhiều năm tại Toyota và gửi kiến nghị lên cho CĐKVN). Cụ thể ý kiến của Lê Văn Tạch như sau:

 “Có ba điều mâu thuẫn hoặc có thể hiểu là gian dối trong một đoạn ngắn mà TMV trả lời về vấn đề LSPV.

Thứ nhất: TMV nói là lỗi này chỉ xảy ra với xe Innova J nhưng thực tế TMV âm thầm chế tạo lại đồ gá cho cả Innova G, Innova V và cả Fortuner. Các đồ gá mới này được tiến hành thử nghiệm từ ngày 8-4-2011.”

Thì Cục đăng kiểm giải thích rằng: “Tại thời điểm cuối năm 2010, dựa trên báo cáo của kỹ sư Tạch kết luận đồ gá của xe Innova J bị biến dạng theo thời gian sử dụng, TMV đã tiến hành làm lại đồ gá mới cho xe Innova J nhằm ngăn chặn khả năng bị biến dạng của đồ gá trong tương lai.

Theo các báo cáo của công ty TMV thì lỗi này chỉ xảy ra trên xe Innova J. Để phòng ngừa khả năng tương tự có thể xảy ra với các dòng xe khác TMV đã làm lại đồ gá LSPV cho tất cả các dòng xe khác”.

Biên bản ghi rõ đã điều tra với kỹ sư Lê Văn Tạch về nguyên nhân lỗi là do đồ gá sai lệch so với kích thước tiêu chuẩn.(STD)

Thế nhưng, với câu trả lời trên của CĐKVN, ông Lê Văn Tạch đã phản bác rằng “cả hai ý trên đều không đúng thực tế”.

Bởi vì “Thứ nhất: Tôi chưa bao giờ đưa ra kết luận “đồ gá của xe Innova J bị biến dạng theo thời gian sử dụng” mà chỉ kết luận là đồ gá bị thiết kế sai so với kich thước tiêu chuẩn.

Thực tế thì cái đồ gá có kết cấu rất chắc chắn, nó được làm bằng thép C45 dầy khoảng 5mm, rộng khoảng 30mm và dài khoảng 270mm nhưng chỉ chịu lực ép khoảng dưới 1 kg nếu công nhân thao tác đúng. Với điều kiện như vậy thì làm sao có thể làm nó biến dạng dài thêm 13mm.

Thứ hai: Do Các đồ gá của xe Innova J, của Innova G, Innova V và của Fortuner được thiết kế bởi cùng một người, cùng một phương pháp nên tất cả đều sai và phải thiết kế và chế tạo lại tất cả các đồ gá này". Ông Tạch phân tích.

Về mâu thuẫn thứ 2, ông Tạch đưa ra là: “TMV giải thích nguyên nhân gây ra lỗi này với 6108 xe Innova J là do “đồ gá bị biến dạng sau quá trình sử dụng lâu dài”. Nếu thông tin này là chính xác thì sẽ có rất nhiều xe ban đầu không bị lỗi. Vậy tại sao TMV lại phải triệu hồi tất cả 6108 xe Innova J kể từ chiếc đầu tiên được sản xuất cho đến khi phát hiện sự việc”.

Trả lời ý kiến trên, CĐKVN cho biết: “TMV báo cáo việc thực hiện chương trình kiểm tra miễn phí cho tất cả 6.108 xe Innova J kể từ ngày đầu tiên sản xuất cho đến khi phát hiện đồ gá LSPV là do tại thời điểm phát hiện ra sự không phù hợp (tháng 11/2010), TMV không thể xác định được đồ gá LSPV của Innova J bắt đầu bị biến dạng dẫn tới ảnh hưởng tại thời điểm nào. Do đó, TMV tiến hành thực hiện khắc phục cho toàn bộ xe Innova J được sản xuất mà có thể bị ảnh hưởng."?!

Về mâu thuẫn thứ 3, ông Tạch cho biết: "Việc TMV nói rằng, ngày 24-11-2011 đã điều chỉnh được đồ gá cho xe Innova J cũng không chính xác. Thực tế, ngày đó chỉ là ngày phát hiện lỗi, và sau đó nhiều ngày tôi mới tìm được nguyên nhân do đồ gá rồi mới cho người tính toán thiết kế đồ gá mới rồi mới đi đặt để chế tạo, thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng.

Do đồ giá có yêu cầu độ chính xác rất cao nên việc chế tạo phải thuê cơ sở cơ khí có máy CNC nên mất khá nhiều thời gian để hoàn thành và đưa vào sử dụng đồ gá mới. Ví dụ như đồ gá mới cho xe Innova G, Innova V và Fortuner phải đến 8-4-2011 mới đưa vào thử nghiệm được mặc dù đã phát hiện lỗi trước đó mấy tháng”.

CĐKVN chỉ trả lời vấn đề trên rằng: “Cũng theo TMV báo cáo: Sau khi phát hiện ra đồ gá LSPV của xe Innova J có vấn đề, từ ngày 24/11/2010, tất cả các xe Innova J xuất xưởng đều được kiểm tra áp suất dầu phanh bánh sau (van LSPV) đáp ứng tiêu chuẩn cho đến khi có đồ gá van LSPV mới. Sau khi có đồ gá van LSPV mới, việc kiểm tra được tiến hành xác suất theo quy định từ tập đoàn Toyota Nhật Bản”?!

Xe biến dạng nhưng túi khí không bung: "Không thấy báo lỗi!"

Rất nhiều trường hợp dù xe bị biến dạng nhưng túi khí vẫn nguyên.

Về lý do vì sao có rất nhiều vụ việc tai nạn giao thông nghiêm trọng của các xe thuộc hãng xe Toyota dù bị biến dạng nặng nhưng túi khí vẫn không bung. 

Cục ĐKVN cho biết: Đã có văn bản yêu cầu TMV điều tra sự việc và báo cáo liên quan đến các phản ánh nêu trên; có một số buổi làm việc trực tiếp với TMV; cùng Công ty TMV khảo sát thực tế trên một số xe bị tai nạn để kiểm tra, thu thập các thông ghi nhận liên quan đến tình trạng hoạt động của túi khí tại các “hộp đen” trên xe lúc xảy ra va chạm cũng như trạng thái hoạt động của xe tại thời điểm xảy ra va chạm. Không thấy báo có lỗi túi khí trên xe".

Theo CĐKVN thì nguyên lý làm việc của túi khí TMV là túi khí bung tạo ra đệm khí để bảo vệ nhưng sau đó áp suất trong túi khí sẽ giảm xuống, lúc này túi khí sẽ mất dần tính năng bảo vệ nên nếu xảy ra va chạm tiếp theo thì sẽ không còn tác dụng bảo vệ.

 Phản bác về câu trả lời trên, kỹ sư Tạch cho biết: “Chức năng của túi khí là bảo vệ người trong xe tránh khỏi các tổn thương khi xe bị va chạm mạnh. Do vậy, túi khí sẽ phải bung ngay lần đầu khi mức độ va chạm đủ mạnh có thể gây tổn thương cho người trong xe chứ không phải để dành cho lần va chạm tiếp theo.

Về việc TMV giải thích thiết kế riêng cho thị trường Việt Nam loại túi khí, khi va chạm mạnh và nguy hiểm đến tính mạng thì túi mới tự bung tuy nhiên nhiều vụ tai nạn nặng, người không tử vong, túi khí vẫn nguyên vẹn. Vậy túi khí của Toyota có khả năng nhận biết người đã tử vong để tự bung?

Nhiều vụ tai nạn xảy ra, dù xe biến dạng nhưng túi khi không hề bung nhưng TMV giải thích rằng đây là thiết kế dành riêng cho thị trường Việt Nam, chỉ va chạm mạnh đến mức độ cho phép thì túi mới bung. Như vậy, câu hỏi về túi khí liệu có khả năng nhận biết người đã tử vong hay chưa vẫn được dư luận quan tâm.

Cục ĐKVN cho biết, chưa nhận được khiếu nại chính thức từ các khách hàng, túi khí là thiết bị an toàn thụ động nhằm tăng cường bảo vệ hành khách khi xảy ra tại nạn với các điều khiện cụ thể và tùy theo thiết kế của nhà sản xuất xe. Do vậy, không phải cứ xảy ra va chạm thì túi khí sẽ bung, nó chỉ bung khi đạt tới các ngưỡng điều kiện do nhà sản xuất đã thiết kế.

Như vậy trọng tâm của vấn đề là việc thiết kế túi khí dành riêng cho thị trường Việt Nam chưa được Cục tập trung trả lời và phải chăng đã đồng tình với thiết kế đặc biệt của Toyota VN. 

Kỹ Sư Lê Văn Tạch khẳng định rằng, việc Toyota trang bị kiểu túi khí đặc biệt dành riêng cho thị trường Việt Nam là rất nguy hiểm cho những người ngồi trong xe khi chẳng may xe bị đâm va mạnh.

"Theo lý giải của TMV và CĐKVN thì thiết kế đó nhằm tiết kiệm chi phí sửa chữa xe cho khách hàng. Nhưng thực tế thì an toàn của người trong xe là trên hết, còn chi phí sửa chữa xe thì có thể thuộc về các công ty bảo hiểm". Anh Tạch bày tỏ.

Kỹ sư Lê Văn Tạch

Nguyên nhân nào khiến CĐKVN để "lọt" con số lớn xe bị lỗi?

Hãng Honda cũng vừa bi triệu hồi hơn 1500 chiếc Honda City cũng do lỗi túi khí. CDKVN cho biết lỗi này giống so với Toyota. Về lỗi của cụm bơm túi khí là do trong quá trình sử dụng xe hơi ẩm có khả năng xâm nhập theo thời gian.

Trong trường hợp xe gặp tai nạn và hệ thống túi khí được kích hoạt, tùy theo từng hoàn cảnh, việc giải phóng khí trơ có thể tạo nên áp lực bên trong cụm bơm khí quá lớn và dẫn đến khả năng cụm bơm khí bị nứt vỡ.

Và trong trường hợp cụm bơm khí bị nứt vỡ, các mảnh kim loại của bơm khí có thể bắn văng ra xuyên qua túi khí đã được bơm phồng, dẫn đến nguy cơ gây chấn thương nghiêm trọng cho hành khách trong một vụ tai nạn.

Về lý do dù Cục đăng kiểm Việt Nam đã qua kiểm duyệt các xe của Toyota và Honda nhưng đến nay lai phát hiện nhiều lỗi từ hãng xe này, Cục ĐKVN trả lời rằng: “Trong quản lý chất lượng sản phẩm, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng như: con người, vật liệu, phương pháp sản xuất, trang thiết bị sử dụng, thiết kế,.... trên thực tế đôi khi một số lỗi kỹ thuật có thể xuất hiện sau một thời gian sử dụng xe. Các lỗi kỹ thuật tiềm ẩn này có thể do nguyên nhân xuất phát từ quá trình thiết kế, chế tạo linh kiện, lắp ráp, kiểm tra...

Như vậy, những giải thích trên của CĐKVN vẫn chưa đưa ra được câu trả lời về việc đâu là con số thực những xe bị lỗi LSPV. Hơn nữa, những mâu thuẫn trong câu trả lời của CĐKVN so với các chứng minh của Kỹ sư Lê Văn Tạch một lần nữa lại hướng dư luận không khỏi băn khoăn trước trách nhiệm của CĐKVN.

Vì sao kỹ sư Tạch khẳng định và có văn bản kết luận đồ gá thiết kế sai, nhưng CĐKVN lại thông tin rằng bị biến dạng? Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc. 

Theo giới chuyên gia về ô tô, lỗi áp suất dầu phánh là loại lỗi nguy hiểm. Trong tình huống khẩn cấp, lái xe phải phanh gấp, khi đó tải trọng dồn về 2 bánh trước, đuôi xe bổng lên làm tải trọng của cầu sau giảm. Van điều phối có chức năng giảm áp suất dầu cấp đến bánh sau tương ứng với tải trọng đã bị giảm đi.

Nếu lực phanh bánh sau lớn sẽ dẫn đến bó phanh, hai bánh sau sẽ bị trượt gây mất lái và làm mất tác dụng phanh trên 2 bánh sau. Nếu lực quán tính của xe lớn hơn lực ma sát giữa 2 bánh trước với mặt đường thì 2 bánh trước cũng bị trượt dẫn đến xe hoàn toàn lao đi theo quán tính và mất kiểm soát.

3 tình huống dễ gặp nhất với những xe gặp lỗi này là dễ văng đuôi nếu phanh trong khi cua, giảm hiệu quả phanh khi lái thẳng hoặc văng đuôi và trượt cả 4 bánh.

Bạn đang đọc bài viết Kỹ sư Lê Văn Tạch phản bác lại ý kiến của Cục đăng kiểm Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.