Thứ bảy, 20/04/2024 14:17 (GMT+7)

Không đồng ý trả nợ 4.000 tỷ cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng

MTĐT -  Thứ tư, 29/05/2019 15:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ủy ban Tài chính - Ngân sách không đồng tình để Chính phủ mang 4.069 tỉ để trả nợ cho giải phóng mặt bằng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Sáng nay (29/5), Quốc hội đã nghe Tờ trình về phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, căn cứ yêu cầu thực tế của nền kinh tế, việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách trung ương trong nước còn lại và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia củaKế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 vào thời điểm hiện nay là cần thiết.

Cụ thể, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định, cho phép bố trí 4.069 tỷ đồng từ khoản 10.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia để bố trí cho dự án thanh toán nợ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của Bộ Giao thông vận tải.

Tuy nhiên, theo báo Pháp luật TP. HCM, báo cáo thẩm tra đề nghị trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, cho biết qua rà soát các Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính ngân sách nhận thấy phương án bố trí của Chính phủ chưa đảm bảo trật tự ưu tiên cho dự án gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải. Ảnh: Thanh Niên.

Trong khi đó, bố trí trên 40% tổng số vốn thanh toán nợ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, Chính phủ chưa báo cáo rõ việc phát sinh nghĩa vụ của ngân sách là do dự án thay đổi phương án tài chính, chưa làm rõ đề án tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã được phê duyệt hay chưa và trong đề án có nội dung chi trả giải phóng mặt bằng cho dự án này hay không.

Báo Thanh niên đưa tin, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, kết luận rõ ràng, cụ thể tại phiên họp thứ 33, 34 và phiên họp ngày 24.5, theo đó “thống nhất về nguyên tắc danh mục sử dụng nguồn vốn 10.000 tỉ đồng như Tờ trình của Chính phủ, trừ dự án thanh toán nợ đền bù, GPMB dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng”.

Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, tại tờ trình lần này, Chính phủ tiếp tục đề nghị bố trí để thanh toán toàn bộ 4.069 tỉ đồng nợ đền bù, GPMB cho dự án trên. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, theo quy định tại khoản 2 điều 46 luật Tổ chức Quốc hội, Chính phủ có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, đề nghị Chính phủ thực hiện theo đúng nội dung kết luận trên.

Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) được Thủ tướng Chính phủ giao là chủ đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT).

Tại Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cho Dự án.

Theo số liệu cập nhật của VIDIFI và Ngân hàng Phát triển Việt Nam, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của Dự án khoảng 4.069 tỷ đồng.

Theo báo Giao thông, VIDIFI đã phải vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để chuyển cho 4 địa phương gồm: Hà Nội 892 tỷ đồng, Hưng Yên 788 tỷ đồng, Hải Dương 992 tỷ đồng và Hải Phòng 1.397 tỷ đồng thực hiện công tác GPMB trong giai đoạn 2008 – 2010.

Đại diện chủ đầu tư nói và cho biết, đây phần tham gia trực tiếp của Nhà nước vào dự án. Do không thể bố trí vốn ngay, Nhà nước đã cam kết sẽ hoàn trả dần khoản tiền này trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 746/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, đến nay, theo đại diện chủ đầu tư, sau 10 năm thực hiện, VIDIFI vẫn chưa được Nhà nước hoàn trả kinh phí đền bù GPMB, tái định cư tại dự án như cam kết của Chính phủ trước đó. Không chỉ vậy, VIDIFI còn đang phải tiếp tục vay tín dụng ngân hàng để trả lãi cho các khoản tham gia, hỗ trợ của Nhà nước đã cam kết với lãi suất bình quân 10%/năm.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Không đồng ý trả nợ 4.000 tỷ cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ