Thứ sáu, 29/03/2024 17:17 (GMT+7)

Khó thu hồi tài sản đã bán vụ cảng Quy Nhơn, sân Chi Lăng?

Anh Văn -  Thứ sáu, 14/12/2018 08:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Xoay quanh vụ chuyển nhượng vốn ở cảng Quy Nhơn, bán sân vận động Chi Lăng, các chuyên gia pháp lý khẳng định rất khó có thể thu hồi vì cơ sở pháp lý đang…“bế tắc”.

Nhiều vụ mua bán bị yêu cầu thu hồi tài sản

Đầu tiên phải kể đến những lùm xùm trong việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn. Ngày 17/9, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn, việc thực hiện thoái vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn.

Theo đó, tổng số tiền Vinalines thu được từ việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn và thoái hết 75,01% vốn đầu tư tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn là gần 537 tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại Cảng Quy Nhơn các cơ quan, đơn vị có liên quan đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm các cá nhân tập thể liên quan và thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn về sở hữu nhà nước.

Tương tự là vụ bán sân vận động Chi Lăng ở TP Đà Nẵng. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2012, dự án Khu phức hợp dịch vụ cao tầng sân vận động Chi Lăng được giảm 10% tiền sử dụng đất với số tiền hơn 139 tỷ đồng là trái luật, thuộc trường hợp phải truy thu số tiền này để nộp vào ngân sách. Thành phố đã yêu cầu nhà đầu tư nộp bổ sung số tiền này từ tháng 3/2018, nhưng đến nay chủ đứng tên trên các lô đất chưa thực hiện.

Theo Luật đất đai 2003, dự án này thuộc đất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nên thời gian sử dụng đất có thời hạn. Tuy nhiên 10 sổ đỏ mà chính quyền Đà Nẵng tách thửa cho Tập đoàn Thiên Thanh vào năm 2011 lại ghi thời hạn sử dụng lâu dài.

Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Đà Nẵng thu hồi các sổ đỏ này để điều chỉnh lại thời hạn sử dụng đất.

Sau những lùm xùm này, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ông Huỳnh Đức Thơ giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở TN&MT, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND TP có văn bản xin ý kiến Đảng đoàn HĐND TP, Thường trực Thành ủy theo hướng thu hồi đất thuộc dự án khu phức hợp sân vận động Chi Lăng.

Và mới đây nhất là vụ bán đất của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (TPHCM) cho Quốc Cường Gia Lai cũng bị hủy hợp đồng mua bán 32 ha đất Phước Kiển.

Dư luận đang rất quan tâm đến việc trong những vụ chuyển nhượng này, sau khi có kết luận của các cơ quan nhà nước có sai phạm liệu có cơ sở để thu hồi tài sản đã bán? Đây là vấn đề hết sức phức tạp.

Hoạt động bốc xếp hàng tại Cảng Quy Nhơn. Ảnh: Việt Hương

"Bế tắc” khi thu hồi tài sản đã bán

Trả lời PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Việc thu hồi tài sản do sai phạm trong quá trình quản lý tại các doanh nghiệp nhà nước là cần thiết, chống thất thoát, lãng phí nhưng cũng cần nhìn nhận đầy đủ tính chất pháp lý của quan hệ mua bán này.

Theo Luật sư Tiền, việc thu hồi về quan điểm thì "có vẻ hợp lý" nhưng cơ sở pháp lý thì "bế tắc, vì không có quy định cụ thể ở một văn bản nào". Rất khó để thu hồi tài sản đã bán, ngoại trừ đưa ra những căn cứ để chứng minh hợp đồng vô hiệu.

Chưa kể, nó sẽ càng khó khi dẫn ra các quy định bảo vệ “quyền của bên thứ ba ngay tình” đã được thừa nhận rộng khắp và từ lâu trong Điều 133, Bộ luật Dân sự.

Luật sư Tiền nêu thêm, khi phát hiện ra sai phạm trong quá trình mua bán thì thay vì căn cứ vào Hợp đồng mua bán để xử lý hậu quả pháp lý phát sinh, thay vì tôn trọng sự thỏa thuận trong quan hệ pháp luật dân sự, chúng ta đang có xu hướng "hành chính hóa quan hệ dân sự" để nhằm gây áp lực để doanh nghiệp trả lại thông qua việc hủy bỏ hợp đồng.

“Đáng lẽ ra, trong những trường hợp này, ta cần nâng cao trách nhiệm quản lý của Nhà nước nhưng thực tế lại đưa ra những cách giải quyết mang tính “chữa cháy”. Một vấn đề nữa đặt ra đó là doanh nghiệp không dám kiện vì do sợ bị o ép, bị làm khó”, Luật sư Tiền nhấn mạnh.

Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội chia sẻ thêm, vấn đề đáng lo ngại đó là bán xong rồi đòi lại thì ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư. Quan trọng là phải làm rõ đúng sai trong khi bán cổ phần ở các doanh nghiệp nhà nước, tránh quan chức lợi dụng chuyển tài sản từ nhà nước vào túi riêng.

Đây là một tiền lệ không tốt đối với môi trường đầu tư, kinh doanh. Khiến nhà đầu tư, doanh nghiệp tư đắn đo, cân nhắc trước khi bắt tay với doanh nghiệp nhà nước trong các hoạt động mua bán. Điều mà đáng ra, họ không cần phải đắn đo rủi ro khi các doanh nghiệp nhà nước được giám sát bởi cơ chế kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật.

Đồng quan điểm với Luật sư Trần Xuân Tiền, trả lời báo chí, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng: Việc thu hồi sân vận động Chi Lăng thì trên thực tế "không có cách gì thu hồi được nếu như làm sòng phẳng, trừ khi tuyên bố đất đấy sau đấu giá cấm nhà đầu tư làm gì. Và những vụ việc như thế này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư".

Luật sư Tiền thẳng thắn cho rằng, do đây xuất phát từ quan hệ pháp luật dân sự, cốt là ý chí các bên. Để không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến doanh nghiệp thì phía bên doanh nghiệp hoàn toàn có thể ngồi lại thỏa thuận với nhau để hủy hợp đồng kèm theo các yêu cầu về bồi thường thiệt hại cho phù hợp. Nếu như không thỏa thuận được, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện thủ tục khởi kiện theo Luật tố tụng dân sự, yêu cầu tòa giải quyết nếu như có dấu hiệu sai phạm từ bên kia. Thậm chí, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì cần phải vụ việc cần phải được được khởi tố và hủy hợp đồng đã giao kết.

“Một điều chúng ta cần phải xác định rõ ở đây để có những thái độ, cư xử và hướng giải quyết đúng đắn hơn. Đây là quan hệ pháp luật dân sự, có các bên là bên mua và bên bán, chứ không phải quan hệ pháp luật hành chính một bên là cơ quan nhà nước một bên là doanh nghiệp.

Ta cần phải tôn trọng ý chí của hai bên chứ không đơn thuần một bên là cơ quan nhà nước “có chức có uy”, Luật sư Tiền nhìn nhận.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục làm rõ thêm những thông tin xung quanh câu chuyện về việc thu hồi lại tài sản trên tới bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Khó thu hồi tài sản đã bán vụ cảng Quy Nhơn, sân Chi Lăng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.