Thứ sáu, 26/04/2024 22:22 (GMT+7)

Đề xuất mô hình “xe điện tử” khắc phục tồn tại, bất cập Uber, Grab

Văn Chương -  Thứ tư, 04/04/2018 15:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc HTX GTVT Toàn Cầu đề xuất mô hình xe điện tử khắc phục những tồn tại, bất cập của Uber, Grab.

Dư luận vẫn còn xôn xao trước “cuộc hôn nhân” của Uber, Grab. Nhiều tài xế lo lắng về tương lai khi bỏ tiền mua ôtô chạy Uber và giờ hãng này đã bị Grab “thâu tóm”.

Tại Việt Nam, việc tranh cãi giữa Uber, Grab và taxi truyền thống chưa có hồi kết. Lâu nay, Bộ GTVT cũng lúng túng với việc định danh và quản lý Uber, Grab.

Tài xế Uber, Grab “thiệt thòi”

Trao đổi với Môi trường và Đô thị, ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc HTX GTVT Toàn Cầu - đơn vị có hàng nghìn xe hợp tác với Grab cho biết Grab hiện đang ký hợp đồng dịch vụ với trên 200 HTX.

Đa số các HTX hợp tác với Grab chỉ là nơi bán phù hiệu vận tải, không có quản trị doanh nghiệp. Thực tế, các HTX hợp tác với Grab không quản lý doanh thu, lợi nhuận, thuế, không chịu trách nhiệm về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội của tài xế nên không quản lý được họ.

Uber, Grab lộ ra nhiều bất cập.

 Các lái xe tham gia vào hệ thống Uber, Grab hiện nay tại Việt Nam bản chất là những người lao động nhưng không được ký hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội nên không được hưởng quyền lợi như các lao động khác.

Theo ông Tuấn, Uber, Grab là đơn vị thu tiền của khách hàng và lái xe sau đó mới phân phối lại cho lái xe. Nhưng khi xảy ra rủi ro với hành khách đi xe Grab, Uber mất tiền, bị ngược đãi, Grab, Uber lại phủi trách nhiệm.

Vị này cho rằng việc Uber rút khỏi thị trường Việt Nam vừa qua để lại nhiều hệ lụy. Trong đó, có thể kể đến Uber, hãng này ôm theo tiền thuế do tài xế nộp cho ngân sách Nhà nước và hàng nghìn tài xế có nguy cơ mất việc làm.

“Có thể lúc nào đó, Grab cũng sẽ bán cho một công ty đa quốc gia khác như Uber đã bán cho Grab thì hệ lụy của nó sẽ lớn hơn nhiều”, ông Tuấn phân tích.

Đề xuất mô hình mới

Mới đây, HTX GTVT Toàn Cầu đã trình Bộ GTVT xin thí điểm mô hình mới là Liên hiệp HTX Vận tải Điện tử. Ông Tuấn cho biết, với mô hình mới này, người dân có thể tiếp cận xe bằng ứng dụng Xe Điện tử kết nối tương tự như Uber, Grab hoặc tiếp cận xe nhanh nhất bằng nhận diện đèn báo điện tử gắn trên nóc xe.

Sau khi lên xe, khách hàng có thể mở bất cứ một ứng dụng (App) gọi xe nào mà khách hàng biết để tính giá cước cho chuyến đi và hợp đồng điện tử được xác lập trên ứng dụng đó, ngay cả với ứng dụng của Grab.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc HTX GTVT Toàn Cầu trao đổi với PV

Cũng theo ông Tuấn, các tài xế sẽ được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đảm bảo đầy đủ các quyền lợi của người lao động. Đồng thời, họ sẽ được đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn, được khám kiểm tra sức khỏe định kỳ. Phương tiện vận chuyển được kiểm tra định kỳ theo quy định của Luật GTĐB.

Theo đó, vị này đề xuất các HTX đang hoạt động kinh doanh vận tải sẽ thành lập Liên hiệp HTX có đầy đủ các thành phần là công ty, các tổ chức. Các đơn vị khác cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ GTVT phê duyệt.

Đặc biệt, phương tiện tham gia thí điểm là xe ô tô dưới 9 chỗ, có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, được cấp phù hiệu xe hợp đồng và có niên hạn sử dụng không quá 8 năm.

 Xe sẽ được lắp đèn điện tử “Xe Điện tử” nếu xe hoạt động theo hình thức hợp đồng. Xe sẽ được lắp đèn điện tử “Xe Hợp đồng Điện tử” hay “Xe taxi Điện tử” để nhận diện xe hợp đồng điện tử, tự động tắt khi có khách, tự động sáng khi không có khách. Đèn điện tử kèm thương hiệu hãng được điều khiển tự động, khi đèn nổi có thể nhận diện được xe kinh doanh vận tải. Khi gập xuống sẽ trở thành xe cá nhân hoạt động bình thường.

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất mô hình “xe điện tử” khắc phục tồn tại, bất cập Uber, Grab. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới