Thứ bảy, 20/04/2024 17:54 (GMT+7)

Hà Nội bất ngờ đề xuất cho phương tiện khác đi vào làn BRT

MTĐT -  Thứ hai, 26/02/2018 10:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) đã có đề xuất thành phố cho các phương tiện khác được đi vào làn đường dành riêng cho tuyến buýt nhanh BRT từ 4 – 23h hàng ngày.

Theo đó, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị cho biết, đơn vị đang rà soát, nghiên cứu đề xuất cho các xe buýt thường đi cùng làn buýt nhanh BRT từ 4h – 23h hàng ngày; các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23h-4h ngày hôm sau.

Trung tâm cũng đề xuất xén vỉa hè để di chuyển 10 điểm dừng xe buýt tiếp cận với nhà chờ BRT để giảm khoảng cách đi bộ của hành khách trung chuyển với xe buýt thường xuống dưới 100m.

Trung tâm còn đề xuất cải thiện hạ tầng cho người khuyết tật sử dụng xe lăn tiếp cận nhà chờ BRT; bố trí dải phân cách cứng giữa làn BRT và làn đường giao thông chung để hạn chế tình trạng các phương tiện khác đi lấn vào làn đường BRT.

Đồng thời, tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà chờ của tuyến BRT tạo thuận lợi để hành khách gửi xe cá nhân chuyển sang sử dụng tuyến BRT; rà soát và lắp đặt đèn tín hiệu ưu tiên cho hành khách sang đường tiếp cận nhà chờ sử dụng BRT...

Tuyến buýt nhanh BRT01 có lộ trình Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã được TP Hà Nội chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1/1/2017, đây là một loại hình buýt mới lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam và cũng là tuyến buýt nhanh đầu tiên của cả nước được triển khai thực hiện TP phố Hà Nội.

Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội đề xuất phương án cho phương tiện khác đi vào làn xe buýt nhanh - Ảnh: Internet.

Theo thống kê của Trung tâm, sản lượng hành khách vận chuyển được 4,98 triệu lượt hành khách. Ngày cao điểm đạt 17.465 lượt khách/ngày. Khách bình quân lượt cả năm đạt 40,1 khách/lượt, trong đó khách bình quân giờ cao điểm lượng hành khách vận chuyển đạt 68,8 khách/lượt, bình quân giờ bình thường đạt 30,7 khách/lượt, giờ thấp điểm bình quân đạt 18,8 khách/lượt.

Đặc biệt, sản lượng hành khách sử dụng vé tháng nói chung và vé tháng một tuyến nói riêng của tuyến BRT đang dẫn đầu so với các tuyến buýt khác trên toàn mạng, bình quân tháng là 2.100 hành khách (tăng 3% so với kế hoạch và chiếm gần 6,8% lượng vé tháng một tuyến của toàn mạng).

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị: “Đây chủ yếu là nhóm hành khách có nhu cầu đi lại trong phạm vi hành lang tuyến BRT, bởi so với các phương tiện khác thì sử dụng BRT cảm thấy thực sự thuận tiện, an toàn, nhanh chóng và có mức độ tin cậy cao”.

Theo kết quả khảo sát, có 23% hành khách trả lời đã chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng xe buýt nhanh BRT.

Trung tâm cho biết, tuyến buýt nhanh BRT01 tới đây sẽ được tăng cường các dịch vụ tiện ích nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách như: sử dụng thẻ vé điện tử; bổ sung bảng thông tin cho hành khách, thông báo bằng âm thanh tại các nhà chờ; nghiên cứu và thiết kế, bố trí thêm nhà vệ sinh tại một số nhà chờ chính.

Về đề xuất cho các phương tiện khác đi vào vào làn đường dành riêng cho BRT, ông Hải lý giải là do xe buýt BRT chỉ hoạt động từ 4h - 23h, nên sau khoảng thời gian này các xe buýt khác có thể đi vào là phù hợp, không ảnh hưởng gì đến hoạt động của tuyến BRT.

“Đơn vị mới chỉ đang trong giai đoạn khảo sát, tổng hợp thông tin, dự kiến trong quý I/2018 sẽ đề xuất thành phố”, ông Hải nói.

 P.V (tổng hợp theo TPO, TTXVN, Vietnamnet)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội bất ngờ đề xuất cho phương tiện khác đi vào làn BRT. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất