Thứ ba, 16/04/2024 23:16 (GMT+7)

Giao xe cho phụ nữ có là thảm họa?

MTĐT -  Thứ ba, 26/11/2019 15:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lý do gì khiến nhiều người có định kiến "giao xe cho phụ nữ là thảm họa”, "bán xăng cho phụ nữ là tội ác"?

Chiều 25/11/2019, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Giao xe cho phụ nữ có là thảm họa?”. Dự tọa đàm có Thiếu tá Đào Việt Long - Phó trưởng phòng CSGT (Công an thành phố Hà Nội); Anh Nguyễn Mạnh Thắng - Quản trị diễn đàn Oto+; Chị Hà Hương - Diễn viên.

Tại tọa đàm, các khách mời đã thảo luận, trao đổi về các vụ TNGT liên quan đến phụ nữ điều khiển ô tô; một số thói quen của nữ giới chưa phù hợp với việc lái xe như đi giày cao gót, váy bó, thiếu tập trung, hay hoảng sợ mất bình tĩnh… Qua đó đưa ra những lời khuyên, những thông điệp để thay đổi định kiến về phụ nữ lái xe.

Các khách mời tham gia tọa đàm "Giao xe cho phụ nữ có là thảm họa?" do Báo Giao thông tổ chức (ảnh Khánh Linh)

Tai nạn không phải do phụ nữ lái xe

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về những vụ TNGT nghiêm trọng trong đó người điều khiển phương tiện là phụ nữ. Mới đây nhất, ngày 20/11 tại ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Ngọc Vũ xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Một phụ nữ điều khiển xe ô tô Mercedes GLC đâm hàng loạt ô tô, xe máy, xe đạp làm 1 người chết, 2 người bị thương, chiếc ô tô sau đó đã bốc cháy dữ dội. Sau vụ TNGT, các diễn đàn mạng xã hội trong đó có diễn đàn Oto+ có hàng trăm ngàn thành viên đã rộ lên quan điểm cho rằng giao xe cho phụ nữ là thảm họa, bán xăng cho phụ nữ là tội ác.

Chia sẻ câu chuyện này, diễn viên Hà Hương cho rằng nhiều người có cái nhìn ác cảm với phụ nữ lái xe. Đây là quan điểm sai lầm. Tôi có một số người bạn gái lái xe rất giỏi.

"Theo tôi, bất kể ai dù là đàn ông hay phụ nữ khi ngồi sau tay lái mà không tự chủ, thiếu trách nhiệm thì đều có khả năng gây tai nạn như nhau", chị Hương đặt vấn đề.

Diễn viên Hà Hương

Anh Nguyễn Mạnh Thắng - Quản trị diễn đàn Oto+ đồng tình và cho rằng nếu có con số thống kê tôi tin chắc tỷ lệ phụ nữ gây TNGT ít hơn nam giới. Đàn ông chúng ta thường cho mình nhanh, khỏe, thông minh hơn phụ nữ nhưng đôi khi chúng ta tự phụ quá sẽ dễ gây ra tai nạn và mức độ thảm khốc cũng không kém.

Trước kia, hình ảnh một người phụ nữ lái xe rất hiếm thấy, đó được coi là công việc nặng nhọc dành cho đàn ông. Bây giờ xã hội phát triển, phụ nữ lái xe là hết sức bình thường. Bởi chiếc xe không chỉ là phương tiện, nó còn trợ giúp người sử dụng mang theo nhiều đồ đạc, tránh mưa nắng. Tôi ủng hộ phụ nữ lái xe, anh Thắng chia sẻ và bật mí thường yên tâm chợp mắt trên xe những người bạn nữ lái.

Đồng quan điểm, thiếu tá Đào Việt Long - Phó trưởng phòng CSGT Thành phố Hà Nội khẳng định: Giờ đây bất cứ việc gì đàn ông làm được thì phụ nữ cũng có thể làm được. Tại nhiều nước, hình ảnh phụ nữ điều khiển những chiếc xe tải hạng nặng không còn xa lạ. Tất cả phụ nữ trong gia đình tôi như vợ,mẹ, chị đều lái xe.

Nói phụ nữ điều khiển xe gây nhiều vụ tai nạn là một quan điểm sai lầm, thiếu tá Long cho biết qua thống kê của Phòng CSGT Hà Nội trong năm 2018 xảy ra 1153 vụ TNGT trong đó có 46 vụ liên quan đến phụ nữ (tức là chỉ chiếm 4% trong số các vụ TNGT).

Những thói quen khó chữa của phụ nữ khi cầm lái

Một chủ đề được các khách mời thảo luận là phụ nữ có quá nhiều thói quen xấu không phù hợp lái xe. Vậy có cách nào để sửa?

Diễn viên Hà Hương cho rằng phụ nữ luôn muốn mình chỉn chu, xinh đẹp. Cô hóm hỉnh chia sẻ: Có người đang đi đường thì chợt nhớ ra chưa kịp tô son, hoặc màu son không phù hợp lắm với quần áo nên vội vã nhìn vào gương, mất tập trung vào tay lái. Đôi khi đang đi đường, thấy một bộ quần áo đẹp bày trong cửa hàng cũng ngơ ngẩn nhìn theo cả chục giây. Phụ nữ chúng tôi luôn lo lắng, suy nghĩ về vô số điều nhỏ nhặt như thế lại mắc bệnh hay suy nghĩ linh tinh. Nếu chưa tự tin, chưa khắc phục được việc hay mất tập trung ấy, theo tôi chưa nên lái ô tô.

Còn chuyện đi giầy cao gót lái xe dễ gây TNGT, thiếu tá Đào Việt Long bình luận: "Trong các quy định của pháp luật không có điều nào quy định phụ nữ không được đi giầy cao gót khi lái xe. Vấn đề là chị em phải làm chủ được các hành vi của mình, kỹ năng lái xe phải tốt, tự tin".

Thiếu tá Đào Việt Long - Phó trưởng phòng CSGT Hà Nội

"Tôi vừa làm một cuộc thăm dò nhỏ trên mạng xã hội về việc phụ nữ đi giầy cao gót hay giầy bệt lái xe sẽ tốt hơn. Đa số đều nói đi giầy cao gót điều khiển xe khó hơn. Tuy nhiên mức độ khó đó lại phụ thuộc nhiều vào việc người phụ nữ đó điều khiển xe thành thục hay chưa. Người phụ nữ mới điều khiển xe sẽ lo lắng hơn và đôi giầy cao gót sẽ làm khó họ", anh Thắng chia sẻ.

Theo anh Thắng, giầy cao gót chỉ là một trong những lý do rất nhỏ gây ra các vụ TNGT. Nguyên nhân lớn hơn nhiều là sự phân tâm khi lái xe. Tôi có một anh bạn có kỹ năng lái xe rất tốt, thời gian cầm lái an toàn rất lâu. Tuy nhiên, anh lại đam mê mạng xã hội nên mặc dù đang lái xe, thấy có tin nhắn bình luận trên facebook là lập tức cầm điện thoại lên xem. Chỉ một vài giây phân tâm đó, chiếc xe anh đang điều khiển đã đâm vào đuôi 1 chiếc xe khác.

Chính vì vậy, khi lái xe bạn hãy tạm xa rời mạng xã hội, bỏ qua những suy nghĩ mông lung để tập trung lái xe an toàn.

Không tự tin vẫn lái xe ra đường

Theo anh Nguyễn Mạnh Thắng, để lái xe an toàn, điều quan trọng nhất là kỹ năng lái xe phải tốt.

“Vừa rồi tôi qua Đức và thấy ở đó có quy định rất chặt chẽ đối với việc cấp bằng lái xe. Theo đó, sau quá trình học rất khắt khe, học viên được cấp 1 tấm “bằng tạm”. Trong vòng 1 năm tiếp theo, người này được phép lái xe nhưng phải có sự giám hộ của một người đã có bằng chính thức. Sau 1 năm bảo đảm đủ thời gian lái xe an toàn, thì họ mới được cấp bằng chính thức.

Chính quy định khắt khe trong quá trình học, sát hạch đã giúp cho người điều khiển phương tiện có một kỹ năng lái xe rất tốt trước khi chính thức cầm lái ô tô. Tại Việt Nam thì đa số người điều khiển ô tô học lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện trên đường. Điều này quá nguy hiểm.

“Theo tôi quá trình đào tạo, sát hạch lái xe tại Việt Nam còn nhiều vấn đề. Chúng ta cần tiếp tục cải tiến công tác đào tạo, sát hạch để mỗi người khi lái ô tô đều đã có những kiến thức, kỹ năng lái xe tốt” - anh Nguyễn Mạnh Thắng nói.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng - Quản trị diễn đàn Oto+

Đồng quan điểm, thiếu tá Đào Việt Long cho biết: "Cán bộ công an học chuyên ngành CSGT phải mất 1 năm mới có được bằng lái. Quá trình đó chúng tôi phải học Luật giao thông đường bộ, tiếp xúc tìm hiểu từng bộ phận, nguyên lý hoạt động của xe rồi mới bắt đầu học kỹ năng lái xe. Tất nhiên, đối với người dân thì quá trình học đơn giản hơn nhiều nhưng vẫn cần phải hiểu rõ về luật, nguyên tắc điều khiển xe…để có thể tự tin điều khiển phương tiện. Thực tế tại Việt Nam nhiều người dù chưa tự tin cầm lái nhưng vẫn điều khiển xe ra đường. Những người này thường gây ra nhiều vụ ùn tắc giao thông, va chạm giao thông do thiếu kỹ năng xử lý các tình huống.

Một tình huống khá hài hước được người dẫn chương trình đưa ra là trên đường phố chúng ta hay gặp những tấm biển “phụ nữ mới lái” dán trên kính sau của một số xe. Về việc này, diễn viên Hà Hương cho rằng đây là sự “dũng cảm” của phụ nữ. Họ không che giấu, sẵn sàng thừa nhận là mình còn kém trong điều khiển phương tiện. Thực tế cũng có rất nhiều đàn ông lái xe kém, mới lái nhưng không ai thừa nhận điều này.

Trong chương trình tọa đàm, các khách mời đều thống nhất cho rằng quan điểm “giao xe cho phụ nữ là thảm họa” là một định kiến sai lầm. Bất cứ ai cũng được quyền lái xe cho dù đó là đàn ông hay phụ nữ, điều quan trọng nhất là hãy giúp phụ nữ tự tin hơn khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, đối với những người tâm lý không ổn định, hay xao nhãng thì tốt nhất nên chọn các hình thức khác như taxi, xe buýt, xe điện để di chuyển.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng bất cứ ai khi ngồi lên xe đều phải có đủ 3 yếu tố: có kỹ năng lái xe thành thục, đi đúng luật giao thông và tập trung cao độ khi điều khiển phương tiện.

Thiếu tá Đào Việt Long cho biết thêm: Mỗi chúng ta nên rèn cho mình một thói quen kiểm tra thật kỹ chiếc xe trước khi nổ máy. Cần điều chỉnh ghế lái, gương sao cho thuận lợi nhất trước khi điều khiển phương tiện.

Theo báo Giao thông

Bạn đang đọc bài viết Giao xe cho phụ nữ có là thảm họa?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.