Thứ năm, 28/03/2024 23:33 (GMT+7)

Gia Lai: Đánh cược tính mạng trên những cây cầu tạm

Hoàng Mai -  Thứ sáu, 20/09/2019 09:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vẫn mạo hiểm qua cầu dù đã có không ít lần suýt bị rơi xuống sông, đó là tình trạng chung của người dân hai huyện Krông Pa và Chư Păh (Gia Lai) nhiều năm gần đây.

Biết nguy hiểm nhưng vẫn phải đi

Gần 1.000 hộ dân thuộc 4 buôn Chư Jứt, Chư Bang, Tơ Nia và Ma Rok (xã Chư Gu, huyện Krông Pa) bị ngăn cách với khu sản xuất buôn bán bởi dòng sông Ba rộng hơn 1 km. Do vậy, hàng chục hộ dân đã tự mua ván, gỗ về dựng cầu tạm để có thể qua sông phát triển kinh tế. Nếu không có những cây cầu gỗ này, bà con phải di chuyển theo 2 hướng để sang đất sản xuất của gia đình. Một là từ ngã 3 xã Chư Rcăm, theo tuyến đường Đông Trường Sơn để qua xã Chư Drăng. Hai là di chuyển theo hướng đến thị trấn Phú Túc và qua cầu Phú Cần. Quãng đường di chuyển theo cả 2 hướng trên đều gấp hàng chục lần quãng đường di chuyển qua các cầu gỗ bắc qua sông Ba.

Cây cầu gỗ bắc qua sông Ba đang dần bị hư hỏng

Theo quan sát của PV, những cây cầu tạm bằng gỗ bắc qua sông Ba có chiều dài gần 1 km, rộng hơn 1 m và chỉ có thể đi bộ hoặc xe máy. Cầu được người dân chắp ghép bằng những tấm ván và gỗ tận dụng. Ở nhiều vị trí, các tấm ván lót ngang đã gãy đôi, tạo thành các lỗ hổng giữa cầu. Dù cầu khá dài nhưng không có lan can bảo vệ. Đặc biệt, các trụ đỡ bằng gỗ đã có dấu hiệu mục gãy, sạt lở chân trụ, mỗi khi xe máy di chuyển qua thì cầu lại rung lắc mạnh.

Tương tự, ở làng Hde (xã Đăk Tơ Ver, huyện Chư Păh) - một làng sống tách biệt trên núi, cách xa các làng khác, hàng ngày, để đi được vào khu sản xuất thì người dân phải vượt qua một chiếc cầu tạm rất nguy hiểm. Những lúc lũ đột ngột, bà con thường dùng thuyền để qua lại. Tháng trước, vì nước dâng cao, một số người dân đã tự chèo thuyền đi hái lá chuối bên kia núi. Khi ra đến giữa dòng, chiếc thuyền bị lật khiến anh Trần Công Quyền (34 tuổi) bị nước cuốn tử vong.

Cầu tạm nhiều hiểm nguy tại xã Đăk Tơ Ver

Ông Nguyễn Văn Tuyên - Chủ tịch UBND xã Chư Gu, cho biết: “Trước đây xã Chư Gu và xã Chư Drăng là một xã, sau khi táchra,người dân xã Chư Gu đã sang và định cư bên này sông Ba. Tuy sống trên địa bàn xã Chư Gu nhưng hơn 80% người dân đều qua sông Ba để canh tác, làm ăn. Mỗi ngày,có cả hàng trăm lượt qua lại trên cây cầu tạm này, việc này xã đã báo cáo với huyện từ năm 2016 và đã có nhiều đoàn từ Sở và huyện xuống kiểm tra. Cứ đến mùa nước lũ, những chiếc cầu này lại bị nước cuốn trôi, sau đó người dân lại dựng lại”.

Đỏ mắt chờ cầu mới

“Trạm thu phí 5 nghìn đồng”, điều nghe thấy lạ nhưng lại thương. Vì mong mỏi một cây cầu chắc chắn, người dân xã Chư Gu tự lập 01 trạm thu phí, mỗi người đi qua phải đóng 5 nghìn đồng, để góp tiền xây dựng cầu. Với những người có công việc thường xuyên qua lại cầu thì chi phí bỏ ra hàng ngày cũng không nhỏ. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Mùa nước dâng cao, cầu ngập nhưng người dân vẫn liều mình đi qua

Địu đứa con trai trên lưng qua cầu, anh Siu Hương (làng Hde) bộc bạch: “Nhà mình có 5 người con nên vợ chồng phải chia nhau ra đi làm. Nay vợ mình lên rẫy trồng mì còn mình ở nhà phụ với trai làng xây nhà. Đang làm thì con trai khóc quá nên mình phải bế cháu vượt qua suối sang khu sản xuất tìm vợ cho con bú. Vì cầu càng ngày càng yếu, không đưa xe máy qua được nên mình phải đi bộ đến nơi vợ làm”.

Hàng ngày, người dân qua lại cầu rất đông

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Ánh - Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Ver cho biết: “Hiện người dân trong làng đều mong mỏi có một chiếc cầu để đi lại và vận chuyển nông sản nhưng huyện, xã vẫn chưa có phương án để làm cầu vì mới đầu tư một cây cầu khác trong xã. Hàng ngày,có cả trăm lượt người qua lại trên chiếc cầu này nên chính quyền xã cũng rất lo, nhất là mùa mưa lũ như hiện nay. Chúng tôi đang huy động nguồn xã hội hóa khoảng hơn 100 triệu đồng để làm cầu, nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều”.

Người dân đánh cược tính mạng của mình trên những cây cầu tạm

Có thể thấy, việc có được một cây cầu kiên cố là mong muốn từ lâu của người dân ở đây. Nó sẽ không chỉ giúp bà con giảm bớt gánh nặng chi phí, thuận tiện hơn trong đi lại, sản xuất mà còn đảm bảo được an toàn tính mạng, nhất là trong mùa mưa lũ.

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Đánh cược tính mạng trên những cây cầu tạm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.