Thứ bảy, 20/04/2024 00:04 (GMT+7)

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến bao giờ mới có thể vận hành?

MTĐT -  Thứ năm, 06/06/2019 11:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước thắc mắc của ĐBQH về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã lỡ hẹn rất nhiều lần, đến nay vẫn chưa biết khi nào tuyến sẽ vận hành chính thức, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, sẽ “cố gắng tối đa”.

Ngày 5/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Nội đã đội vốn, chậm tiến độ nhiều năm nhưng chưa biết khi nào đưa vào sử dụng và khai thác thương mại.

Nguyên nhân chậm tiến độ

Theo ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TPHCM), tại báo cáo số 5177 ngày 3/6/2019 có nói đến nguyên nhân 2 dự án đường sắt đô thị của Hà Nội về lý do đội vốn, trong đó có nói kinh nghiệm lập dự án ban đầu của tư vấn trong nước còn hạn chế, bộ máy quản lý dự án năng lực hạn chế, tổng thầu chưa phải đơn vị chuyên nghiệp, không đầy đủ kinh nghiệm.

Theo Vov, trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết, thực tế các dự án đường sắt trong thời gian qua hầu như không làm mới, do cán bộ ngành đường sắt trình độ thực tiễn, tư vấn hạn chế, nên khi triển khai dự án đường sắt thường thấy lúng túng, phát sinh nhiều vấn đề.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá về năng lực của tổng thầu khi thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: “Chúng tôi đánh giá là tổng thầu còn thiếu kinh nghiệm. Do đó, Bộ GTVT làm việc với các bên của Trung Quốc rất nhiều lần để làm sao cải thiện tình hình, cố gắng đưa dự án sớm đi vào vận hành”.

Nói về nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ GTVT thông tin, hiện nay đã hoàn thiện 99%; 1% còn lại là một số hạng mục nhỏ ở công tác xây lắp, đặc biệt là phải chứng minh được an toàn hệ thống.

"Bộ Giao thông Vận tải đã thuê một số tư vấn nước ngoài, trong đó tư vấn Pháp đứng đầu để đánh giá an toàn hệ thống. Nếu tổng thầu cung cấp thông tin không chuẩn thì tư vấn sẽ không thông qua phương án an toàn hệ thống"- ông Thể nói.

Hiện nay, Bộ đang cùng với tổng thầu và các cơ quan liên quan, trong đó có cơ quan thẩm định cố gắng kết thúc 1%. Sau khi 1% hạng mục xong, chứng nhận tất cả các thiết bị, đảm bảo an toàn hệ thống thì khi đó mới vận hành thương mại được.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định đang cùng tổng thầu, đơn vị liên quan, trong đó có cơ quan thẩm định cố gắng kết thúc 1% phần việc còn lại của dự án, trong đó có việc chứng nhận tất cả thiết bị, đảm bảo an toàn hệ thống thì khi đó mới có thể vận hành thương mại tuyến đường sắt này.

Chưa biết khi nào đi vào hoạt động

Bày tỏ chưa thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Quách Thế Tản (Hoà Bình) thẳng thắn hỏi: Xin Bộ trưởng cho biết khi nào dự án này sẽ đưa vào sử dụng và khai thác thương mại? Dự án này đã lỡ hẹn 7, 8 lần rồi; cụ thể là từ tháng 6/2015 đến tháng 6/2016, tháng 12/2016, tháng 2/1017, tháng 10/2017, quý 2 năm 2018, cuối năm 2018 và hiện nay là đến tháng 4/2019.

Theo báo ĐCSVN, trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Chúng tôi khẳng định rằng rất mong muốn đưa dự án Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành thương mại. Tuy nhiên, đây là dự án đường sắt đầu tiên của quốc gia liên quan đến sinh mệnh của hành khách. Do đó, để có thể vận hành thương mại thì tư vấn phải chứng nhận được an toàn hệ thống”.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đến nay đã qua 8 lần trễ hẹn, chưa định ngày vận hành thương mại.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, muốn chứng nhận được an toàn hệ thống thì phải được nghiệm thu, phải được cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến các thiết bị, linh kiện. Việc này phía tư vấn đang làm cùng với Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Công ty đường sắt Hà Nội đào tạo khoảng 800 người sử dụng các phương tiện này. “Hiện nay đang vận hành thử không tải và đang phối kết hợp để điều chỉnh các số liệu cũng như đội ngũ 800 cán bộ phải am hiểu thì chúng ta mới vận hành thương mại, nếu vận hành thương mại xảy ra sự cố thì rất nghiêm trọng. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi phối hợp với TP Hà Nội, cơ quan chức năng để kết thúc việc nghiệm thu và chứng nhận an toàn hệ thống. Khi có được chứng nhận này chúng ta có thể vận hành thương mại”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ đang tích cực làm việc với tổng thầu, làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc, các cơ quan chức năng phía nước bạn để cung cấp đầy đủ thông tin, quy trình vận hành, quy trình sửa chữa an toàn để đảm bảo an toàn tuyệt đối. “Chúng tôi xin cam kết với đại biểu Quốc hội sẽ cố gắng tối đa. Nếu chúng tôi không làm hết trách nhiệm thì Chính phủ, cơ quan chức năng liên quan xử lý theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Dự án ĐSĐT Cát Linh-Hà Đông khởi công tháng 10/2011 với chiều dài hơn 13km, 12 nhà ga trên cao. Dự án có tiến độ hoàn thành tháng 6/2015 với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD (chủ yếu vốn vay ODA Chính phủ Trung Quốc). Đến nay dự án đã bị chậm tiến độ hơn 3 năm với 8 lần vỡ tiến độ và đội giá thêm 250 triệu USD (từ 552 lên 891 triệu USD). Chủ đầu tư là Bộ GTVT (đại diện Chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án đường sắt); Tổng thầu thi công dự án theo hình thức EPC là Cty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Trung Quốc).

8 lần vỡ tiến độ của dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông

Dự án có tiến độ hoàn thành tháng 6/2015

Ngày 15/9/2011 nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã đi kiểm tra và đại diện Tổng thầu Trung Quốc hứa sẽ đưa dự án hoàn thành trước tiến độ là ngày 2/9/2014.

Tháng 6/2015 dự án không hoàn thành đúng tiến độ theo phê duyệt và phải điều chính sang tháng 12/2015.

Tháng 12/2015 dự án tiếp tục không hoàn thành và điều chỉnh sang tháng 9/2016

Tháng 9/2016 dự án vẫn lỡ hẹn được điều chỉnh sang tháng 10/2017

Tháng 12/2017 dự án vẫn mịt mù ngày về đích và Tổng thầu đề xuất lùi sang tháng 9/2018

Tết Kỷ hợi 2019: Dự án có mục tiêu đưa ra khai thác thương mại trước Tết nhưng không thành và được dời sang tháng 4.

Dịp 30/4/2019: Trong đợt kiểm tra giữa tháng 3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo đưa dự án đi vào vận hành thương mại vào cuối tháng Tư

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến bao giờ mới có thể vận hành?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...