Thứ sáu, 29/03/2024 06:37 (GMT+7)

Dự án nghìn tỷ nhiều sai phạm, 'sếp' đơn vị vẫn được tái bổ nhiệm

Giang San -  Thứ hai, 29/10/2018 15:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng loạt sai phạm tại VRAMP được chỉ ra nhưng chỉ bị xử lý theo kiểu cho có. Thậm chí, người đứng đầu cơ quan sai phạm còn được tái bổ nhiệm.

Thanh tra hai Bộ chỉ rõ sai phạm

Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) được Bộ GTVT phê duyệt năm 2013 với tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỉ đồng, trong đó, vốn vay của ưu đãi của Ngân hàng thế giới (WB) 250 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại 1,5 triệu USD, vốn đối ứng 50 triệu USD… Thời gian thực hiện dự án từ năm 2014 đến 2020. Vậy nhưng kể từ khi thực hiện, dự án đã liên tiếp bị “tố” xảy ra những sai phạm khiến cơ quan chức năng buộc phải vào cuộc. Trong đó có cả việc Ban QLDA3 bị chính các nhà thầu tố cáo hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh.

Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ GTVT, Thanh tra Bộ Tài chính về Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam.

Cụ thể, trong Kết luận số 985/KL-TTr ngày 3/11/2017, Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện công tác lập và phê duyệt dự toán các gói thầu xây lắp của dự án không đúng dẫn tới tổng dự toán tăng gần 150 tỷ đồng; nghiệm thu, thanh toán không đúng số tiền 27 tỉ đồng tại gói thầu RAP/CP6, 7, 10; phê duyệt đơn giá không đúng hạng mục tưới nhựa thấm bám tiêu chuẩn các gói thầu RAP/CP8, 5, 9; Nghiệm thu, thanh toán tăng không đúng khối lượng xây mới rãnh bê tông hình thang tại gói thầu RAP/CP6…

Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng Ban quản lý dự án 3 phải chịu trách nhiệm trong việc ký hợp đồng và nghiệm thu, thanh toán không đúng số tiền 27 tỷ đồng tại gói thầu RAP/CP6 – 7-10; phê duyệt đơn giá không đúng hạng mục tưới nhựa thấm bám tiêu chuẩn các gói thầu RAP/CP8, 5, 9; nghiệm thu, thanh toán tăng không đúng khối lượng xây mới rãnh bê tông hình thang tại gói thầu RAP/CP6…

Theo Bộ Tài chính, căn cứ báo cáo của Ban quản lý dự án 3, đến 31/7/2017, kinh phí giải phóng mặt bằng đã chuyển cho các địa phương là 391,5 tỷ đồng/506,7 tỷ đồng. Kinh phí Bộ GTVT bố trí vốn giải phóng mặt bằng cho dự án còn thiếu số tiền 11,6 tỷ đồng. Các sai phạm cụ thể xảy ra tại 3 tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên.

Cũng liên quan đến dự án này, ngày Bộ GTVT xác định, việc lập duyệt dự toán nhiều gói gói thầu đều có sự chênh lệch lớn so với giá trị dự toán tính lại lên tới hàng tỷ đồng.

Dự án VRAMP sử dụng vốn vay WB nhưng trong các bước triển khai tiếp theo, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Ban quản lý dự án 3 chưa thực hiện các nội dung Bộ GTVT lưu ý như: Lập quy trình bảo trì, vận hành khai thác các tuyên đường; bổ sung hồ sơ đánh giá năng lực hành nghề của cá nhân lập thiết kế cơ sở…

Ban QLDA3 còn để ít nhất 2 nhà thầu không đủ tiêu chuẩn là công ty Quản lý đường bộ Thái Bình và công ty CP Quản lý đường bộ 234 là đơn vị trúng thầu. Việc này đã làm sai lệch kết quả đấu thầu tại gói thầu RAP/CP15, 16, 17 về bảo trì PBC đoạn tuyến QL6, từ Km193 – Km303.

Cụ thể, Công ty Quản lý Đường bộ Thái Bình (RAP/CP15 Quốc lộ 6) theo hồ sơ dự thầu báo cáo doanh thu năm 2013 là 137 tỷ đồng, tuy nhiên qua kiểm tra thực tế chỉ có 88 tỷ đồng. Năm 2014, doanh nghiệp này báo cáo doanh thu là 138 tỷ đồng, thực tế chỉ còn 67 tỷ đồng. Năm 2015, doanh nghiêp báo cáo doanh thu 138 tỷ, kiểm tra thực tế còn 94 tỷ đồng.

Với Công ty Cổ phần Quản lý Đường bộ 234 (RAP/CP17 Quốc lộ 6) cũng bị phát hiện tình trạng tương tự. Trong hồ sơ dự thầu của công ty này, năm 2014, doanh thu công ty báo cáo là 45 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ có 32 tỷ; năm 2015 báo cáo là 66 tỷ, thực tế còn 11,7 tỷ đồng…

Thậm chí, Ban QLDA3 còn để 3 nhà thầu gồm: Công ty Hòa Hiệp, công ty 656 và công ty CP Vinadelta thi công trước khi bản vẽ thi công được phê duyệt.

Cụ thể, tại các gói thầu CP15, CP16, CP17 trên Quốc lộ 6, qua kiểm tra hồ sơ, thiết kế bản vẽ thi công, cơ quan chức năng phát hiện Công ty TNHH Hòa Hiệp khởi công ngày 23/11/2016, thảm Bê tông nhựa ngày 29/12/2016 khối lượng khoảng 1,7km, tuy nhiên, tài liệu thể hiện, Ban QLDA3 chấp thuận vào ngày 23/1/2017, tức là khi nhà thầu đã thi công được 23 ngày.

Tại lô RAP/CP17 nhà thầu là Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng công trình 656 khởi công và thảm thử bê tông nhựa ngày 24/11/2016; Công ty Cổ phần Vinadelta thảm bê tông nhựa ngày 1/12/2016. Tổng cộng thảm bê tông nhựa khoảng 1,2 km, nhưng Ban QLDA3 chấp thuận thiết kế bản vẽ vào ngày 12/1/2017, khi nhà thầu thi công được 48 ngày…

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ có vô can?

Về việc xử lý trách nhiệm, Thanh tra Bộ GTVT khẳng định Tổng cục Đường bộ, Ban QLDA 3 và các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, đơn vị thí nghiệm… phải xử lý sai sót, đề ra những biện pháp khắc phục, kiểm điểm rút kinh nghiệm tập thể và cá nhân theo quy định.

Theo đó, Tổng cục Đường bộ và Ban QLDA3 chịu trách nhiệm để xảy ra những tồn tại trong công tác quản lý điều hành.

Trong khi đó, Kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ và Giám đốc Ban QLDA 3 phải nghiêm túc chấn chỉnh và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân để xảy ra những thiếu sót, tồn tại nêu trên. Nhưng những động thái xử lý cho đến thời điểm này chưa thực sự thuyết phục.

Ban quản lý dự án 3.

Nhiều người cho rằng, hàng loạt sai phạm tại dự án nghìn tỷ này, với tư cách người đứng đầu, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (đại diện Chủ đầu tư) và Nguyễn Xuân Trường – Giám đốc Ban QLDA3 (đơn vị quản lý) sẽ không thể không liên đới trách nhiệm.

Nhưng vào đầu tháng 10/2018 vừa qua, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện lại ký quyết định tái bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Trường giữ chức vụ Giám đốc Ban QLDA 3.

Nhiều ý kiến băn khoăn trước quyết định này bởi với cương vị là lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, ông Nguyễn Văn Huyện có thể may mắn không phải chịu trách nhiệm liên đới thì cũng không thể sớm quên những sai phạm “khủng” đã xảy ra tại BQLDA3, nơi ông Nguyên Xuân Trường là Giám đốc.

Đáng chú ý, trong Tờ trình ngày 4/9/2018 gửi Tổng cục Đường về việc Đề nghị bổ nhiệm lại chức danh Giám đốc Ban QLDA3, ông Nguyễn Xuân Trường lại đưa ra một bản lý lịch khá “sạch sẽ”, hoàn toàn bỏ quên những bê bối ở dự án nghìn tỷ mà cả Thanh tra Bộ GTVT và Thanh tra Bộ Tài chính đã chỉ ra.

Vậy, với hàng loạt lùm xùm, sai phạm tại Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam; việc xử lý trách nhiệm kiểu rút kinh nghiệm và việc tái bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Trường, liệu Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã nắm được?

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Dự án nghìn tỷ nhiều sai phạm, 'sếp' đơn vị vẫn được tái bổ nhiệm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.