Thứ sáu, 29/03/2024 20:00 (GMT+7)

Doanh thu sụt giảm, Bộ Giao thông vận tải đề xuất tăng phí dự án BOT

MTĐT -  Thứ sáu, 07/06/2019 15:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ Giao thông vận tải đang đưa ra dự thảo lấy ý kiến trình Chính phủ việc tăng phí BOT theo lộ trình, do nhiều dự án BOT bị sụt giảm doanh thu, nguy cơ phá vỡ phương án tài chính.

Theo báo Tiền phong, Bộ GTVT vừa gửi lấy ý kiến 5 bộ ngành, và 17 địa phương Dự thảo Báo cáo Thủ tướng về sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu tại các dự án BOT giao thông đường bộ.

Về mức thu phí và lộ trình tăng phí (dự kiến 3 năm 1 lần, mỗi lần tăng từ 12 - 18% tùy từng dự án), tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ tại các thông báo 107 và 321, Bộ Giao thông vận tải chưa thực hiện việc tăng phí theo lộ trình như quy định trong hợp đồng BOT.

Theo lộ trình, tính đến hết năm 2019, có khoảng 37 dự án phải tăng phí (trong đó năm 2018 có 2 dự án, năm 2019 có 35 dự án), năm 2020 có 10 dự án, năm 2021 có 2 dự án, các dự án còn lại cơ bản tăng phí sau năm 2021. Hiện Bộ Giao thông vận tải đã nhận được đề xuất của một số nhà đầu tư đề nghị tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT.
Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện có 27 dự án BOT có doanh thu thực tế tăng, 26 dự án có doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính ban đầu.

Một số dự án BOT bị sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính do tăng lượng vé tháng, quý

Bộ Giao thông vận tải cho rằng, đối với các dự án có sụt giảm doanh thu, nếu không có giải pháp đồng bộ, kịp thời, có thể kéo theo một số hệ lụy như phá vỡ phương án tài chính của các dự án, các khoản vay đầu tư BOT sẽ thành nợ xấu, ảnh hưởng đến chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, đặc biệt trong việc kêu gọi đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông đang triển khai thực hiện.

Kiến nghị 2 phương án

Bộ Giao thông vận tải cho biết, để tránh xảy ra các hệ lụy xấu, Bộ đã nghiên cứu, rà soát, tính toán và đề xuất các phương án xử lý theo các nguyên tắc: đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, tăng vào thời điểm thích hợp để không xảy ra tình trạng phá vỡ phương án tài chính dẫn đến các khoản vay tín dụng của các ngân hàng trong nước thành nợ xấu. Những trường hợp mức phí không tăng theo lộ trình dẫn đến phá vỡ phương án tài chính, nhà nước cần cân đối để bù đắp phần thiếu hụt đảm bảo phương án tài chính khả thi.

Bộ GTVT đề xuất Chính phủ 2 phương án. Phương án 1 là tăng phí BOT đúng lộ trình trong giai đoạn 2019-2021. Để tránh sốc khi tăng phí đồng loạt hàng chục dự án BOT, Bộ GTVT sẽ đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng trong năm 2019 chỉ tăng phí với các dự án BOT có sụt giảm doanh thu lớn bởi các dự án này đã chạm “điểm tới hạn nếu không tăng phí sẽ phá vỡ phương án tài chính”.

Phương án 2, Bộ GTVT đề xuất 49 dự án có lộ trình tăng phí trong giai đoạn 2018-2021 phải lùi thời điểm tăng phí sang năm 2022. Với phương án này, bộ cho biết sẽ có 9 dự án BOT bị phá vỡ phương án tài chính, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, Nhà nước phải bố trí khoảng 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ 9 dự án nhằm tránh bị đổ bể.

Bộ GTVT cũng cho biết đang nghiêng về phương án 1 vì có nhiều ưu điểm, không phải bố trí ngân sách nhà nước cứu các dự án BOT.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng cho rằng việc tăng phí đường bộ tại các trạm cơ bản không ảnh hưởng lớn đến chi phí vận tải. Đối với các mức phí xe loại 4 và loại 5 (các loại xe ảnh hưởng lớn đến chi phí vận tải) sau khi tăng vẫn thấp hơn so với mức phí trước khi giảm phí theo Nghị quyết 35/NQ-CP.

Trước đó, ngày 7/5/2019, Văn phòng Chính phủ đã phát đi thông báo về việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu, xử lý kịp thời phản ánh của báo chí về tình trạng hụt thu tại các dự án BOT giao thông.

Theo thông báo, Báo Đầu tư điện tử ngày 26/4/2019 có bài viết “Lo ngại căn bệnh hụt thu tại các dự án BOT giao thông”, trong đó phản ánh con số 26/53 dự án BOT trong lĩnh vực đường bộ đang thu phí hoàn vốn không đảm bảo doanh thu theo phương án tài chính cho thấy bức tranh tổng thể tại các dự án hạ tầng đầu tư theo hình thức PPP đã xuất hiện những gam màu tối, ít nhất là trong con mắt của nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn. Các dự án BOT bị hụt thu có dấu hiệu lan rộng là vấn đề đáng quan ngại trong hoạt động thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, đánh giá các cơ chế xử lý các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng BOT.

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện trong 59 dự án BOT đã đưa vào vận hành khai thác, có 52 dự án có đủ số liệu đánh giá việc tăng, giảm lưu lượng so với dự báo ban đầu, 4 dự án mới đưa vào thu phí cuối tháng 12.2018 và đầu năm 2019 không đủ cơ sở để đánh giá và 3 dự án đang dừng thu.

Theo số liệu báo cáo, trong năm 2018 có 31/52 dự án (chiếm khoảng 60%) có lưu lượng thực tế cao hơn dự báo trong hợp đồng BOT, có 11/52 dự án (chiếm khoảng 20%) có lưu lượng thực tế đạt từ 80 - 100% so với dự báo trong hợp đồng, có khoảng 10 dự án có lưu lượng thực tế thấp (dưới 80%) so với dự báo trong hợp đồng.

Nguyên nhân dẫn đến sụt giảm doanh thu là do lưu lượng thấp hơn so với dự báo, do kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại một số địa phương không đúng như dự báo ảnh hưởng đến lưu lượng xe qua trạm thấp hơn dự báo; một số trạm thu phí có số lượng xe sử dụng vé tháng, vé quý lớn hơn rất nhiều so với dự báo ban đầu, cũng như việc sụt giảm doanh thu do giảm phí…

P.V(Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Doanh thu sụt giảm, Bộ Giao thông vận tải đề xuất tăng phí dự án BOT. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới