Thứ sáu, 29/03/2024 20:18 (GMT+7)

Để tránh bị phạt nặng dịp Tết tài xế ô tô nên đi như thế nào?

MTĐT -  Thứ hai, 27/01/2020 11:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nghị định 100 vừa được Chính phủ ban hành tăng nặng mức phạt với nhiều hành vi vi phạm với tài xế ô tô, thậm chí tăng gấp đôi so với trước...

Chính phủ mới ban hành Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thay thế Nghị định số 46/2016. Theo đó, điểm đáng chú ý nhất của nghị định mới là những mức phạt cho tài xế ô tô vi phạm giao thông tăng rất cao.

Trong đó, Nghị định 100 quy định, người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (mức cao nhất) sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 22 - 24 tháng. Nghị định 46 trước đó, mức xử phạt chỉ từ 16 - 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng.

Cùng với nồng độ cồn, Nghị định 100/2019 còn tăng mức xử phạt đối với tài xế ô tô điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Cụ thể, người lái ô tô sẽ bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng; đồng thời tài xế bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Trong khi đó, mức phạt cũ là 16 - 18 triệu đồng.

Ngoài bị tước giấy phép lái xe 22-24 tháng, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của CSGT sẽ bị phạt nặng 30 - 40 triệu đồng.

Nghị định 100 vừa được Chính phủ ban hành tăng nặng mức phạt với nhiều hành vi vi phạm với tài xế ô tô, thậm chí tăng gấp đôi so với trước.

Điển b Khoản 8 Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn. Cùng với mức phạt này là hành vi điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định. Hành vi này, Nghị định 46 chỉ xử phạt 5 - 6 triệu đồng.

Tại Điểm b Khoản 7 quy định: Phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng đối với người điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường. Nghị định 46 xử phạt hành vi này 7 - 8 triệu đồng.

Điểm b Khoản 6 quy định: Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; quay đầu xe trên đường cao tốc. Đối với hành vi này Nghị định 46 chỉ xử phạt 5 - 6 triệu đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng GPLX với thời gian tương ứng với hành vi vi phạm.

Cùng mức phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng, Khoản 5 quy định xử phạt đối với người điều khiển xe không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”; vượt xe trong những trường hợp không được vượt, vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt; điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Các hành vi này Nghị định 46 chỉ xử phạt 2 - 3 triệu đồng.

Khoản 4 cũng phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông; không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường.

Đối với ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô, nếu chủ xe không làm thủ tục đổi lại giấy đăng ký xe theo quy định khi xe đã được cải tạo hoặc khi thay đổi địa chỉ của chủ xe, sẽ bị phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 - 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ phương tiện.

Tuy nhiên, luật quy định không phải mọi trường hợp vi phạm nêu trên đều bị phạt. Theo khoản 10 điều 80 Nghị định 100/2019, xe không chính chủ chỉ bị phạt thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng GPLX với thời gian tương ứng với hành vi vi phạm.

Ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết:

 “ Nghị định 100 sửa đổi, bổ sung, mô tả lại để làm rõ hơn đối với một số hành vi và nhóm hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông đường bộ như: hành vi đi vào đường cấm, đi không đúng phần đường, làn đường, vượt xe trong trường hợp cấm vượt, không tuân thủ quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; dừng xe, đỗ xe trên dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy, bên trái; điều khiển xe ô tô không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng”.

Ông Tùng cho biết thêm, việc bổ sung, sửa đổi, tăng mức xử phạt để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục triệt để những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 46 trước đây.

Lam Vy

Bạn đang đọc bài viết Để tránh bị phạt nặng dịp Tết tài xế ô tô nên đi như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới