Thứ năm, 28/03/2024 21:20 (GMT+7)

ĐBQH “hiến kế” gỡ khó cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

MTĐT -  Thứ tư, 29/05/2019 10:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Có ý kiến ĐBQH cho rằng, Nhà nước phải dành một khoản nhất định để bố trí hoàn trả cho các dự án đã hoàn thành theo đúng cam kết của Chính phủ.

Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng số vốn phải giải phóng mặt bằng (GPMB) là 4.069 tỷ đồng. Theo quy định, Nhà nước phải chi trả khoản này, song đến nay, Chính phủ vẫn chưa bố trí được khoản kinh phí nhà đầu tư tạm ứng để giải ngân cho các địa phương dù dự án đã đi vào vận hành hơn 3 năm.

Nhằm tránh hệ lụy xấu cho môi trường đầu tư và gỡ khó cho dự án, Chính phủ vừa thống nhất với các Bộ, ngành trình Quốc hội xem xét, tháo gỡ việc này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) - Cơ quan thay mặt Chính phủ soạn tờ trình cho rằng, dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được Thường trực Chính phủ quyết định giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chủ trì huy động vốn và thành lập Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) để thực hiện đầu tư hợp đồng BOT theo cơ chế thí điểm quy định tại Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Chậm chi trả GPMB, dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng phát sinh thêm 800 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ: Phương Hoài).

Hiện nay, dự án đang gặp khó khăn về khoản lãi vay phát sinh từ nguồn vốn đối ứng của Nhà nước cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo tính toán của nhà đầu tư, với 4.069 tỷ đồng phải vay hộ Nhà nước để giải ngân cho các địa phương chi trả tiền GPMB, số lãi suất phát sinh tại dự án đến nay đã lên đến trên 800 tỷ đồng.

Lý giải về khoản kinh phí phát sinh trên, Bộ KHĐT cho rằng, để đầu tư đường ô tô cao tốc theo hình thức đối tác công tư (PPP), Nhà nước phải tham gia từ 30-50% tổng vốn đầu tư, phần còn lại do Nhà đầu tư tham gia vốn và được hoàn vốn đầu tư bằng thu phí.

Tuy nhiên, năm 2007, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, không thể bố trí vốn, do vậy Thường trực Chính phủ đã quyết định thực hiện đầu tư dự án theo cơ chế thí điểm: giao nhà đầu tư được vay vốn để đầu tư dự án theo lãi suất sát với lãi suất thị trường, các khoản tham gia, hỗ trợ của Nhà nước (cụ thể là 39%) được Nhà nước bố trí trả dần sau khi xây dựng xong.

Với khoản bồi thường GPMB ngân sách nhà nước phải chi trả tại dự án là 4.069 tỷ đồng (hiện nhà đầu tư đã vay Ngân hàngVDB và chuyển toàn bộ số tiền này cho các địa phương chi trả GPMB để thực hiện dự án trong giai đoạn năm 2008-2010)…

Theo thỏa thuận, Nhà nước sẽ bố trí hoàn trả dần khoản tiền trên trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên từ lúc triển khai dự án đến nay đã được 10 năm, khoản tiền bồi thường GPMB vẫn chưa được Nhà nước bố trí, dẫn đến chi phí lãi vay phát sinh cho dự án khoảng trên 800 tỷ đồng.

Sau khi được Nhà đầu tư và Bộ KHĐT báo cáo, nhằm sớm thực hiện nghĩa vụ Nhà nước đồng thời tháo gỡ khoản chi phí phát sinh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành liên quan: Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2016-2020 và các thời kỳ tiếp theo để thanh toán các khoản hỗ trợ vốn cho VIDIFI đầu tư Dự án theo quy định.

ĐBQH Bùi Văn Xuyền.

Cùng với đó, trong phần cho ý kiến Chính phủ hoàn thành tờ trình trình Quốc hội thông qua việc phân bổ vốn cho nội dung trên, Kiểm toán Nhà nước cho biết: Phương án tài chính của dự án khả thi, theo đó, dự án sẽ trả được nợ vay, thu hồi được vốn đầu tư trong thời gian 28 năm 9 tháng nếu các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước được thực hiện theo cam kết.

Cho ý kiến về việc trên, một số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu quan điểm, hiện nay nhu cầu vốn để phân bổ cho các dự án cấp bách là rất lớn, trong khi đó ngân sách nhà nước lại hạn hẹp, cho nên rất khó khăn trong việc cân đối và thỏa mãn các nhu cầu này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Nhà nước vẫn phải dành một khoản nhất định để bố trí hoàn trả cho các dự án đã hoàn thành theo đúng cam kết của Chính phủ. Việc này vừa giúp các dự án không bị vỡ các phương án tài chính, có thể dẫn đến doanh nghiệp phá sản vừa đảm bảo được uy tín, môi trường đầu tư tại Việt Nam.

ĐBQH Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề đặt ra giữa Nhà nước với doanh nghiệp, tất nhiên đây là doanh nghiệp do nhà nước thành lập nhưng cũng cho thấy chưa có sự rạch ròi về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi và quyền hạn đã cam kết. Việc này sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư, khi nhà nước cam kết trả nợ cho doanh nghiệp nhưng lại bị kéo dài vẫn chưa trả được nợ, khiến doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

"Sự việc này sẽ làm tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, do đó tôi đề nghị Chính phủ cần có biện pháp khắc phục, vì VIDIFI là doanh nghiệp được chỉ định là đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, một con đường rất đẹp đã được đưa vào sử dụng. Hiện nay số nợ của Chính phủ đã gần 1.000 tỷ đồng và chính tôi đã chất vấn trước Quốc hội về vấn đề này, nhưng đến nay Quốc hội mới bố trí được hơn 4.000 tỷ đồng để trả nợ, nhưng Thường vụ Quốc vẫn chưa đồng tình về vấn đề này", ông Xuyền nêu ý kiến.

Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, cam kết của chính phủ với doanh nghiệp đang có vấn đề về niềm tin, trách nhiệm. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế thì càng phải sòng phẳng, chứ không thể chỉ là một lời xin lỗi hoặc hứa hẹn là xong. Vì doanh nghiệp đã làm tốt theo đúng cam kết thì phải trả nợ và yêu cầu cam kết bằng nghị quyết của Quốc hội, Thường Vụ Quốc hội về việc trả nợ, không để nợ đọng kéo dài, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Công trình BOT, ngân sách Nhà nước đều hỗ trợ

Còn theo quan điểm của ĐBQH Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện nay kể cả công trình cũ hay công trình mới mà dưới dạng BOT, ngân sách Nhà nước đều hỗ trợ.

ĐBQH Đỗ Văn Sinh.

Ông Sinh nêu ví dụ: Dự án đường cao tốc Bắc - Nam với tổng số 163.000 tỷ thì ngân sách Nhà nước cũng hỗ trợ tới 55.000 tỷ (chiếm (30%). Đối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với tổng số vốn khoảng 42.000 tỷ, Chính Phủ cũng đã cam kết hỗ trợ toàn bộ tiền đền bù giải phóng mặt hơn 4.000 tỷ. Việc này cũng cũng được báo cáo nhiều lần tại các kỳ họp của Chính phủ, thậm chí đã bàn thảo trước Quốc hội.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh: "Việc này Chính phủ đã cam kết thì chúng ta nên tổ chức thực hiện sớm bởi theo tôi được biết, hiện nay bản thân hoạt động tài chính của dự án này cũng đang có những điểm cần tháo gỡ mà đây là nguồn mà chúng ta đã cam kết với nhà đầu tư thì rõ ràng trách nhiệm Nhà nước là cần phải làm và làm càng sớm càng tốt"./.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được khởi công tháng 5/2008 và hoàn thành tháng 12/2015. Tuyến đường được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam với 6 làn xe, tốc độ tối đa cho phép 120 km/h. Dự án đi qua 4 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với tổng chiều dài 105 km.

Theo VOV

Bạn đang đọc bài viết ĐBQH “hiến kế” gỡ khó cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.