Thứ sáu, 29/03/2024 02:08 (GMT+7)

Công ty của Út ‘trọc’ đã ‘qua mặt’ Bộ GTVT như thế nào? (bài 1)

V.Chương -  Thứ sáu, 12/04/2019 12:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Thanh tra Chính phủ, ở nhiều dự án, công ty của Út “trọc” không có năng lực, có dấu hiệu làm giả hồ sơ, số liệu báo cáo tài chính nhưng vẫn được giao thầu.

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận số 531 về việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty cổ phần phát triển Đầu tư xây dựng Thái Sơn Bộ Quốc Phòng. Văn bản do Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam ký.

Không máy móc, thiết bị…trúng nhiều gói thầu xây lắp

Theo Thanh tra Chính phủ, từ tài liệu mà Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng cung cấp, doanh nghiệp này chỉ có tài sản cố định, không có hồ sơ, lí lịch đầy đủ về tài sản; không thực hiện kiểm kê tài sản hàng năm theo quy định.

Không có năng lực nhưng công ty của Út 'trọc' Đinh Ngọc Hệ được chỉ định nhiều gói thầu lớn.

Tài sản cố định có hồ sơ chứng minh của công ty này đến thời điểm 2017 có tổng giá trị theo nguyên giá khoảng 120 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là 1 bồn chứa dầu, 10-40 xe ô tô du lịch từ 4-7 chỗ ngồi, không có máy móc thiết bị phục vụ thi công, xây lắp các công trình được giao nhận thầu.

Tuy nhiên, theo hồ sơ tham gia dự thầu các dự án với vai trò là thành viên liên danh và nhà thầu xây lắp, Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng có kê khai về kinh nghiệm đã tham gia một số dự án với vai trò nhà thầu. Nhưng thực tế chỉ đứng tên, chưa trực tiếp thực hiện gói thầu, dự án nào. Sau khi được lựa chọn trúng thầu, Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng đã chuyển nhượng lại cho các đơn vị khác thực hiện. Đơn cử như một số gói thầu tại các dự án BOT và BT như Cầu Việt Trì mới, Quốc lộ 20 đoạn km123-K268 chủ yếu do Tổng công ty 319 và Cienco1 thi công. Các gói thầu xây lắp tại sân bay Pleiku, sân bay Cam Ranh, tại Quảng Ninh, Long An, Hà Nội cũng được chuyển nhượng toàn bộ cho các thầu phụ khác thực hiện thi công xây lắp.

“Như vậy, thực chất Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng không đủ năng lực về máy móc thiết bị, nhân công và kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu thực hiện các dự án, gói thầu nhưng vẫn được các chủ đầu tư lựa chọn trúng thầu”, kết luận của Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Bộ GTVT bị công ty của Út ‘trọc’ “qua mặt” thế nào?

Đối với dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 km123+105,17 đến km268+000 theo hình thức BOT kết hợp với BT, ngày 20/12/2013, Bộ GTVT có quyết định số 4208 chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án là liên danh Tổng công ty 319-Bộ Quốc phòng, Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng và Công ty Yên Khánh. Công trình được khởi công năm 2014, hoàn thành năm 2015 tổng mức đầu tư là hơn 4.100 tỷ đồng. Thời hạn kinh doanh chuyển giao công trình đối với phần BOT là 22 năm tính từ ngày bắt đầu thu phí.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, theo quy định của Thông tư số 166 của Bộ Tài chính, các nhà đầu tư khi tham gia dự thầu phải có hồ sơ chứng minh về năng lực tài chính, trong đố vốn chủ sở hữu được xác định trên cơ sở báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán. Tuy nhiên, tại hồ sơ yêu cầu do tổ chuyên gia tư vấn đấu thầu lập, Ban quản lý dự án 7 phê duyệt chỉ yêu cầu có báo cáo tài chính năm 2012 và báo cáo tài chính thời điểm gần nhất được kiểm toán. Điều này dẫn đến việc đánh giá vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính của liên danh tham dự thầu thiếu chính xác.

Ngoài ra, theo đề xuất của nhà đầu tư “mức thu phí năm 2016 bằng 3,5 lần mức thu phí đường bộ đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước không đúng với thông tư 90 của Bộ Tài chính nhưng vẫn được Ban quản lý  7 đánh giá đạt để Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư.

“Năm 2016, Bộ GTVT còn chấp thuận giao cho Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng thực hiện thi công gói thầu số 23 sau đó đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc này cho Công ty TNHH MTV Vạn Tường thực hiện”, Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Thanh tra Chính phủ kết luận mặc dù điều kiện về năng lực, hồ sơ của Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng chưa đáp ứng yêu cầu và không đúng quy định nhưng vẫn được tổ chuyên gia đấu thầu, Ban quản lý dự án 7 trình Bộ GTVT phê duyệt quyết định chỉ định nhà đầu tư tại văn bản 4208 và được chấp thuận giao gói thầu 23 nhưng lại chuyển nhượng thầu, vi phạm Luật Đấu thầu.

Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng từng được chuyển nhượng gói thầu trị giá 120 tỷ tại sân bay Pleiku.

Tương tự, tại dự án xây dựng cầu Việt Trì theo hình thức hợp đồng BOT được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng. Bộ GTVT đã quyết định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án là liên danh Cienco 1 – Thái Sơn – Yên Khánh tại quyết định 3567 năm 2013.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, hồ sơ yêu cầu mời thầu do Ban quản lý dự án Thăng Long lập, Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt chỉ yêu cầu “có báo cáo tài chính năm 2012 và Báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất được kiểm toán” là không đúng thông tư 166 Bộ Tài chính. Điều này dẫn đến việc đánh giá vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính của liên danh tham dự thầu thiếu chính xác. Ngoài ra, theo đề xuất của nhà đầu tư và được Bộ GTVT chấp thuận “mức thu phí năm 2016 bằng 3,5 lần mức thu phí đường bộ đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước không đúng với thông tư 90 của Bộ Tài chính.

“Như vậy, mặc dù các điều kiện về năng lực, hồ sơ của Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng và các thành viên trong liên danh chưa đáp ứng được yêu cầu mời thầu theo quy định vẫn được Ban quản lý dự án Thăng Long chấp thuận và trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt chỉ định nhà đầu tư thực hiện.

VEC cũng từng chỉ định thầu cho công ty Út 'trọc'

Trong văn bản số 1603/VEC-KVS về việc xã hội hoá các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc, dự án do VEC làm chủ đầu tư do Kiểm soát viên VEC Trương Việt Đông gửi Bộ GTVT có nói đến 8 trạm dừng nghỉ không qua đấu thầu.

Trong văn bản, kiểm soát viên VEC Trương Việt Đông chỉ rõ tình trạng nhà đầu tư được ưu ái đến mức “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Theo báo cáo của ông Đông, trong 8 dự án chỉ định thầu của VEC có dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, lãnh đạo VEC nhiệm kỳ 2011-2016 đề xuất định thầu cho Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc Phòng (sân sau của Đinh Ngọc Hệ - tức "Út trọc") tại văn bản số 1065/VEC-KHĐT ngày 8/4/2015.

Bài 2: Công ty của Út ‘trọc’ sai phạm nhưng Bộ GTVT không kiểm tra, xử lý

Bạn đang đọc bài viết Công ty của Út ‘trọc’ đã ‘qua mặt’ Bộ GTVT như thế nào? (bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.