Thứ sáu, 29/03/2024 19:12 (GMT+7)

Chuyên gia bàn giải pháp gỡ “nút thắt” thu phí không dừng

MTĐT -  Thứ ba, 02/06/2020 11:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý dường như đang lạm dụng các giải pháp hành chính mà chưa quan tâm đến vấn đề thị trường xem người dùng mong muốn gì.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết ông và Thứ trưởng phụ trách dự án kiểm điểm tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình rút kinh nghiệm vì tiến độ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC) chậm tại các trạm BOT.

Bộ trưởng Thể cũng cho biết, 30 cá nhân thuộc cấp đã làm bản kiểm điểm trách nhiệm, trong đó có 9 cá nhân nhận hình thức rút kinh nghiệm; 6 cá nhân thuộc 4 đơn vị liên quan trực tiếp tới việc triển khai thực hiện dự án nhận hình thức phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm.

Trước đó, tháng 10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết yêu cầu, từ năm 2019, triển khai đồng bộ ETC đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước. Đến nay, sau một năm rưỡi, báo cáo của Chính phủ cho thấy, mới có 46 trạm triển khai ETC, tức là mới được một nửa số trạm (trên toàn quốc có 93 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và cao tốc). Số lượng xe dán thẻ chưa đạt được như yêu cầu (mới có khoảng 800.000 - 900.000 xe/3,5 triệu xe toàn quốc) dẫn đến chưa phát huy được hiệu quả của ETC đã lắp đặt.

Vướng ở đâu?

Theo ông Nguyễn Viết Huy- Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT), theo kế hoạch trước đây, Chính phủ chốt thời điểm ngày 31/12/2019 phải hoàn thành dự án. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân chủ quan, khách quan, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng xin gia hạn đến ngày 31/12/2020.

Vướng mắc nhất là các dự án của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) không tìm được nguồn vốn triển khai. Lý do vì dự án của VEC vay vốn ODA, hiện Hiệp định vay vốn đã kết thúc. Nói rõ hơn, Bộ trưởng cho biết, hiện đã lắp đặt, vận hành từ 2-6 làn ETC tại 39 trạm. Riêng 5 tuyến cao tốc do VEC quản lý chỉ có 1 tuỵến cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình đã lắp đặt thiết bị; 4 tuyến còn lại chưa thể triển khai thực hiện do vướng mắc về về nguồn vốn (Hiệp định vay vốn các dự án của VEC đã hết hạn) và chỉ đạo thực hiện (do VEC chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ tháng 11/2018) nên không thể hoàn thành trong năm 2019 theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.

Về phần mình, ông Tô Nam Toàn-Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng có nhiều khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân do hình thức thu phí tự động không dừng rất mới với Việt Nam.

Bên cạnh đó, hệ thống thu phí không dừng ETC chưa đồng bộ, tìm chỗ dán thẻ E-tag khó khăn khiến nhiều chủ xe chưa mặn mà sử dụng thẻ này; dù rằng: Thu phí tự động không dừng không chỉ giúp minh bạch trong việc thu phí, hạn chế gian lận mà còn giảm chi phí nhân lực, thời gian thu phí tại các trạm BOT. - Bộ trưởng cho hay.

Trong quá trình hoạt động, hệ thống thu phí ETC cũng phát sinh một số bất cập, hạn chế như lượng phương tiện sử dụng dịch vụ còn thấp, chưa phát huy hết hiệu quả trong việc nâng cao năng lực thông hành các phương tiện lưu thông qua trạm. Có điều này là bởi, chưa có quy định bắt buộc tất cả các phương tiện phải dán thẻ đầu cuối, mở và nộp tiền vào tài khoản trả trước.

Ngoài ra, hệ thống thu phí ETC cũng ghi nhận nhiều trường hợp phương tiện đã dán thẻ đầu cuối, mở tài khoản nhưng không nộp tiền vào tài khoản. Có tình trạng này là bởi, theo như một tài xế chia sẻ: Chưa làm thẻ vì không liên thông được các trạm khác. Nếu mỗi xe chỉ dán 1 thẻ ETC mà đi được tất cả đường có thu phí, chứ không phải đi 10 đường thì phải làm thủ tục mở 10 tài khoản thì thuận tiện cho tài xế hơn. Điều này giống như ý kiến dưới đây: “Bên cạnh đó, việc liên thông giữa các trạm thu phí trên địa bàn TP Hồ Chí Minh với các trạm thu phí thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu cũng như các tuyến đường cao tốc kết nối với thành phố, trạm thu phí cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn chưa đồng bộ. Do vậy chưa phát huy được hiệu quả của hệ thống thu phí ETC tại các trạm thu phí đã lắp đặt”- đại diện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh nêu thực trạng.

Cần bổ sung phương thức thanh toán phí

Bàn về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Thời gian qua các doanh nghiệp vận tải rất quan tâm đến vấn đề thu phí không dừng. Bộ GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp, tìm hiểu công nghệ của nhiều nước tiên tiến để có thể áp dụng tại Việt Nam, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được tiến độ yêu cầu. Dù đã gia hạn nhưng chưa biết chính xác mục tiêu này khi nào hoàn thành.

"Thực tế cho thấy giải pháp thu phí không dừng là rất tiến bộ, nhiều nước đã áp dụng hiệu quả vì tiết kiệm rất nhiều thời gian. Tuy nhiên ở Việt Nam, các cơ quan quản lý dường như đang lạm dụng các giải pháp hành chính và tập trung vào vấn đề công nghệ nhiều hơn mà chưa quan tâm đến vấn đề thị trường. Các nhà đầu tư BOT nên bán dịch vụ và người kinh doanh vận tải là bên mua dịch vụ. Đơn vị cung ứng dịch vụ chỉ nên là đơn vị giúp cho bên bán bán được dịch vụ tốt nhất, công khai minh bạch nhất. Muốn bán được phải nghiên cứu thị trường xem người ta cần gì, mong muốn gì. Vấn đề này trong thời gian qua dường như chưa được quan tâm đúng mức", ông Quyền phân tích.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, vì thế mới có chuyện đến nay đã có hơn 800.000 phương tiện của doanh nghiệp, người dân đã gắn thẻ ETAG nhưng không sử dụng. Đứng ở góc độ thị trường, người bán nên đưa ra một số hình thức để người dùng lựa chọn chứ không chỉ đưa ra một cái rồi ép người dùng. Kinh nghiệm ở Hàn Quốc cho thấy, nên triển khai theo hướng các nhà đầu tư cứ đầu tư, giao một đơn vị khác thu phí, một doanh nghiệp trúng thầu toàn quốc và phí thu được công khai, minh bạch, sau khi trừ chi phí thì chuyển trả cho nhà đầu tư. Việc thu phí chỉ giao cho một doanh nghiệp nhưng có tính cạnh tranh vì có đấu thầu.

"Chúng tôi đề xuất nên nghiên cứu 2 phương thức: Trả trước như đang làm và trả sau. Trả sau thì có hình thức ký hợp đồng, thông báo tài khoản, xe đi qua cứ tích vào rồi doanh nghiệp vận tải sẽ trả. Làm cách này, doanh nghiệp vận tải có giấy tờ để hạch toán được chi phí đầu vào, như hiện nay không hạch toán được", ông Quyền đề xuất.

TS La Văn Thái, chuyên gia giao thông cũng chia sẻ: "Hiện nay, vẫn chưa có quy định bắt buộc tất cả các phương tiện phải dán thẻ đầu cuối, mở và nộp tiền vào tài khoản trả trước. Theo thông tin tôi nắm được, hệ thống thu phí ETC ghi nhận nhiều trường hợp phương tiện đã dán thẻ đầu cuối, mở tài khoản nhưng không nộp tiền vào tài khoản".

Theo TS La Văn Thái, nhiều lái xe phản ánh rằng, nếu chủ phương tiện đã dán thẻ, nộp tiền, mặc dù cả tháng không đi qua trạm thu phí nhưng hệ thống vẫn tự động trừ 10.000 đồng/tháng. Chưa kể mỗi trạm sử dụng một công nghệ khác nhau trong khi đáng ra mỗi xe chỉ dán một thẻ ETC thì đi được tất cả đường có thu phí. Điều này đặt ra vấn đề các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí ETC cần nghiên cứu phương án cho phép người dùng đăng ký mở tài khoản trực tuyến thông qua smartphone, tablet, máy tính cá nhân…Cần nghiên cứu bổ sung phương thức thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ trực tiếp thông qua tài khoản ngân hàng của cá nhân, doanh nghiệp (thay vì phải nộp tiền vào tài khoản trả trước).

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia bàn giải pháp gỡ “nút thắt” thu phí không dừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới