Thứ bảy, 20/04/2024 05:37 (GMT+7)

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội: ‘Các hãng taxi đã hợp lực cùng nhau'

Giang San thực hiện -  Thứ ba, 20/11/2018 09:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam liên quan đến việc 3 hãng taxi sáp nhập thành hãng G7 Taxi.

Cuộc chiến giữa taxi truyền thống và Grab vẫn đang nóng vào thời điểm hiện tại. Khi các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay định nghĩa Grab thì taxi truyền thống phải thay đổi, đưa ra những “quyết sách” để tồn tại. Có hãng thu gọn bộ máy nhưng có hãng sáp nhập để tăng thêm tiềm lực.

Trao đổi với Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam khẳng định việc G7 Taxi ra đời là tiền đề để kết nối những hãng taxi sau này.

Thưa ông, nhiều người cho rằng vì được ưu ái nên khi vào Việt Nam, Grab phát triển khá mạnh mẽ, đến nay một mình một sân chơi và tỏ ra không có đối thủ. Nhưng mới đây, 3 hãng taxi là Thành Công, Ba Sao, Sao Hà Nội hợp lực thành hãng taxi G7 với mong muốn có đủ tiềm lực cạnh tranh lại Grab. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Tôi cho rằng Grab vào Việt Nam được hậu thuẫn và được ưu ái rất lớn. Họ không phải chịu bất cứ điều kiện quản lý nào mặc dù loại hình chính của họ là taxi. Họ mang đến Việt Nam một ứng dụng kết nối xe taxi giữa người lái và khách hàng và không quan tâm, không chịu trách nhiệm với an sinh xã hội, nghĩa vụ với nhà nước.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội.

Đặc biệt, tại Hà Nội, taxi thì bị cấm ở một số tuyến phố nhưng Grab thì không, dù cùng là loại hình taxi. Điều này là bất công bằng. Vì được ưu ái, nên thời gian qua, Grab phát triển rất nhanh về số lượng. Điều này dẫn đến giao thông hỗn loạn.

Còn về việc Ra đời G7 taxi vào thời điểm này rất thuận lợi và là tiền đề để kết nối các hãng taxi khác. Các hãng taxi phải kết hợp lại để nâng đầu xe, nâng độ bao phủ thị trường. Nhưng trước hết, muốn sáp nhập, muốn tạo ra sức mạnh, họ phải hoàn thành được app gọi xe. Đây là điều rất quan trọng trong thời đại 4.0.

Ông có cho rằng xu thế sáp nhập của các hãng taxi là điều phải làm trong thời điểm hiện tại? Liệu với 3.000 xe, G7 taxi có phải là đối thủ của Grab?

Về vấn đề liên kết các hãng taxi, tôi cho rằng rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại. Đó là điều rất tốt bởi hơn ai hết, các doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau, hợp lực với nhau đưa ra loại hình mới thuận tiện hơn cho hành khách. Các hãng taxi phải đồng bộ chất lượng phương tiện, đồng bộ giá cước...  để phục vụ khách hàng. Với việc ra đời G7 Taxi, tôi cho rằng các hãng taxi đã biết hợp lực để tăng tiềm lực kinh tế. Đây là tín hiệu tốt cho taxi truyền thống.

Với 3.000 xe, rõ ràng G7 Taxi là hãng lớn nhất Hà Nội. Còn việc họ có phải là đối thủ Grab hay không thì thời gian sẽ trả lời. Bởi nó còn phụ thuộc vào chiến lược phát triển của G7 Taxi như thế nào.

Trước đây Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết đang làm App chung cho tất cả các hãng taxi trên địa bàn. Vậy việc này đã thực hiện đến đâu rồi, thưa ông? Mới đây, G7 Taxi cho biết đã liên kết với công ty An Bình, chi 1 triệu USD để làm App gọi xe. Là Chủ tịch Hiệp hội, ông đánh giá như thế nào về tham vọng của G7?

Vừa qua UBND TP Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội giao cho Hiệp hội Taxi Hà Nội xây dựng App chung cho Hiệp hội Taxi, thời gian trong quí 1/2019.

Ông Nguyễn Công Hùng khẳng định việc ra đời G7 taxi thể hiện các hãng đã biết hợp lực cùng nhau.

Lâu nay, 77 doanh nghiệp taxi hoạt động ở Hà Nội hoạt động theo kiểu “một chiếc đũa”, bị chia nhỏ. Ai cũng có ứng dụng, kênh kết nối riêng của mình. Trước thực tế hiện nay, tôi cho rằng taxi Hà Nội phải đoàn kết.

Hiệp hội đã đề xuất làm tổng đài chung cho các hãng nhưng doanh nghiệp taxi hoạt động lâu năm, có tên tuổi không ủng hộ. Sau đó, Hiệp hội kiến nghị xây dựng một trung tâm điều hành đặt xe qua mạng.

Đây là một sàn giao dịch dùng chung cho tất cả hãng taxi Hà Nội, giúp tất cả mọi người khi đến thủ đô có thể tải, truy cập phần mềm, lựa chọn hãng tuỳ thuộc vào tên tuổi hay giá cả đã hiển thị sẵn.

Còn việc G7 Taxi chi một số tiền lớn là 1 triệu USD để xây dựng App gọi xe là điều nên làm. Tôi nhắc lại, thời đại 4.0, việc làm hệ thống ứng dụng gọi xe đối với taxi là vô cùng cần thiết. Hệ thống ứng dụng càng thông minh, hiện đại, tiện lợi bao nhiêu thì càng kéo được khách hàng đến với họ bấy nhiêu. 

Nhiều người cho rằng nếu taxi truyền thống có đầu tư nhưng môi trường kinh doanh giữa Grab và taxi truyền thống không công bằng thì chắc chắn taxi truyền thống sẽ tiếp tục khó khăn, thất bại thê thảm trên chính sân nhà. Quan điểm của ông như thế nào? 

Việc Grab kinh doanh như thế nào, các doanh nghiệp taxi không quan tâm. Nhưng việc kinh doanh của họ phải tuân thủ và thượng tôn pháp luật, hơn hết là công bằng. Tôi cho rằng Grab họ thành công là do họ bỏ nhiều tiền.  

Thực tế, taxi truyền thống không e ngại cạnh tranh lành mạnh sòng phẳng với Grab. Các hãng taxi phải nhớ rằng chúng ta phải làm chủ được phương tiện, công nghệ. Nếu doanh nghiệp nào ứng dụng công nghệ tốt thì sẽ có kết quả thuận lợi.

Xin cảm ơn ông!

Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội: ‘Các hãng taxi đã hợp lực cùng nhau'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...