Thứ năm, 25/04/2024 06:57 (GMT+7)

BOT Nam Cầu Giẽ đặt “nhầm chỗ”: Cần di dời trạm, làm rõ lợi ích nhóm

MTĐT -  Thứ sáu, 16/03/2018 10:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước sự phản đối của dư luận về sự vô lý tại trạm thu phí BOT Nam Cầu Giẽ, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng Chính phủ cần sớm xem xét việc di dời trạm đồng thời làm rõ dấu hiệu lợi ích nhóm.

Từ năm 2016, trên địa bàn cả nước đã bắt đầu dấy lên làn sóng phản ứng các trạm thu phí BOT (bây giờ gọi là thu giá) khá dữ dội. Nguyên do cũng bởi một số trạm thu phí BOT được Bộ Giao thông - Vận tải và các bộ, ngành, địa phương cho phép “đặt nhầm chỗ”, tận thu để “không ai thoát”.

Sự việc người dân và các tài xế có những hành động thái quá như vừa qua chỉ là giọt nước tràn ly trong bối cảnh hàng loạt các trạm phí đang tạo ra quá nhiều bất cập.

Gần đây nhất, dự án BOT Nam Cầu Giẽ gây ra nhiều bức xúc khi nâng cấp đường tránh TP. Phủ Lý (Hà Nam) nhưng lại đặt trạm thu ở Quốc lộ 1A.

Tuyến tránh thành phố Phủ Lý.

Theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, đây là dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường tránh TP.Phủ Lý và tăng cường mặt đường trên Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Hà Nam có tổng chiều dài là 43,4km.

Trong đó, phần tuyến tránh TP. Phủ Lý có điểm đầu phía Nam ở trạm thu phí Nam cầu Giẽ (Km216+874, Quốc lộ 1), điểm cuối tại nút giao Đường tỉnh 494 với Quốc lộ 1 (Km235+885), với tổng chiều dài là 23,3km.

Tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng với 4 làn xe, vận tốc thiết kế l 80km/giờ. Chủ đầu tư dự án là Cty CP Đầu tư hạ tầng FCC.

Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ đang đặt "nhầm chỗ" trên quốc lộ 1A.

Đáng nói, mục đích của dự án là đầu tư 2.100 tỉ đồng để làm tuyến tránh TP. Phủ Lý, còn việc đầu tư tăng cường mặt QL1 chỉ là hạng mục phụ đi kèm theo chứ không phải là mục tiêu cốt lõi để dự án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thế nhưng trạm BOT thu phí lại được đặt trên QL 1 nơi rất đông đúc phương tiện qua lại thay vì tuyến tránh Phủ Lý vốn không mấy người qua. Chính điều này đã tạo ra sự bức xúc của người dân khi họ không hề có nhu cầu đi qua tuyến tránh nhưng vẫn phải đóng mức phí thấp nhất là 25.000 đồng.

Bên cạnh đó, việc không đặt biển báo chỉ dẫn trên tuyến đường tránh này cũng khiến cho người tham gia giao thông không thể biết BOT Nam Cầu Giẽ thu phí cho dự án nào.

Không có nhiều phương tiện qua lại trên tuyến tránh Phủ Lý.

Ngày 24/11/2016, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 3591 cho phép Cty CP Đầu tư hạ tầng FCC tổ chức thu phí tại Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ (Km216+600), Quốc lộ 1, tỉnh Hà Nam để hoàn vốn cho dự án nói trên. Theo tìm hiểu mỗi ngày, trạm thu phí này thu được khoảng 200.000.000 đồng.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho rằng dự án BOT Nam Cầu Giẽ có dấu hiệu lợi ích nhóm.

“Các đơn vị gồm Bộ Giao Thông Vận tải, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính đã "gật đầu ưu ái" để tạo ra thu nhập lớn cho chủ đầu tư”, TS Thủy nhận định.

Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: "Cần sớm di dời trạm thu phí Nam Cầu Giẽ".

Theo vị chuyên gia giao thông, cơ quan chức năng và chủ đầu tư làm như vậy không khác gì “đánh lừa” người dân. Việc xây dựng chính tại tuyến tránh nhưng đặt trạm thu phí trên Quốc lộ là coi thường người dân.

TS Thủy cũng chỉ rõ, nếu muốn làm BOT thì làm một tuyến đường khác đi, song song với tuyến chính. Cao tốc chất lượng tốt, ai nhiều tiền thì đi tuyến đó, ai ít tiền thì đi quốc lộ.

Bên cạnh đó, phải tạo điều kiện cho người dân có quyền đi lại. Theo cơ chế thị trường thì người dân có quyền lựa chọn. Nếu có tiền thì đi qua BOT, không chịu được mức phí đó thì người dân sẽ chọn đi đường ổ gà, ổ trâu cũng được.

Rất nhiều trường hợp cụ thể đã diễn ra, điển hình là vụ BOT Tam Nông mới đây. Người dân không chịu qua trạm BOT và chọn lối đi xấu hơn rất nhiều trên đường đê để tránh việc phải trả phí vô lý.

Điểm bất hợp lý tại trạm thu phí BOT Nam Cầu Giẽ khi tài xế không đi trên tuyến tránh nhưng vẫn phải đóng phí.

“Nếu đặt sai BOT thì phải đặt lại. Trong một hội thảo gần đây, tôi đã nói thẳng với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phải mạnh tay, quyết đoán trong vấn đề này. Không thể nhùng nhằng, khất lần”, TS Nguyễn Xuân Thủy nói và nhấn mạnh “khi đặt lại vị trí BOT Nam Cầu Giẽ thì chủ đầu tư cũng cần phải xem xét giảm đi mức phí hiện hành đang không hợp lý”. 

“Trong trường hợp này, người dân hoàn toàn có thể đấu tranh với chủ đầu tư và kiến nghị đến Bộ Giao thông Vận tải để đòi công bằng”, TS Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ.

Hơn 70 dự án BOT toàn chỉ định thầu (!)

Tháng 6/2017 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận về việc thanh tra 6/13 dự án BOT trong giai đoạn 2010-2015 và một loạt các tồn tại đã được chỉ ra.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ xác định trong quá trình xây dựng, Bộ GTVT thực hiện không đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo quy định hiện hành. Trong hơn 70 dự án BOT và BT, bộ không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% đều là chỉ định thầu với lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia hoặc do tính cấp bách của dự án. Tuy nhiên, bộ này không có quy trình, thủ tục đánh giá hay xác định thế nào là cấp bách. Một số nhà đầu tư được lựa chọn có năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu của dự án.

Cũng theo kết luận Thanh tra, hầu hết dự án BT và BOT đều thực hiện tại các khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ tham gia giao thông lớn, đặt các trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh. Việc này khiến người tham gia giao thông không còn sự lựa chọn nào khác, điển hình là tại Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên và Hòa Bình. Thực trạng trên dẫn đến việc người dân né trạm thu phí, đi vào đường ngang ngõ tắt gây hư hại hệ thống giao thông địa phương, gây nguy cơ mất ATGT. Hơn nữa, việc xác định phương án, doanh thu tài chính thiếu chính xác đã gây ra gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông vì thời gian thu phí quá dài.

Theo Thanh tra Chính phủ, Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm về việc quyết định đầu tư dự án, phương án thu phí bất hợp lý, phê duyệt tổng mức đầu tư sai lệch, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng thiếu chặt chẽ. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm liên quan đến việc thu phí chưa hợp lý, thỏa thuận việc đặt trạm thu phí chưa đảm bảo nguyên tắc. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu hai bộ này phải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan.

Theo Gia đình Xã hội

Bạn đang đọc bài viết BOT Nam Cầu Giẽ đặt “nhầm chỗ”: Cần di dời trạm, làm rõ lợi ích nhóm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành