Thứ năm, 28/03/2024 23:42 (GMT+7)

Có hay không sự mập mờ việc thu phí ở trạm BOT quốc lộ 38?

Giao Thương -  Thứ hai, 02/04/2018 05:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù Tổng cục Đường bộ đề nghị giảm phí cho tất cả các xe qua trạm nhưng chủ đầu tư kiên quyết “lắc đầu”. Bên cạnh đó, dư luận còn đặt câu hỏi có hay không sự mập mờ trong việc thu phí ở trạm BOT này.

Giảm phí kiểu... cho có

Cuối năm 2016, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật đã ký Quyết định về việc cho phép thu phí tại Trạm thu phí cầu Yên Lệnh (Quốc lộ 38), tỉnh Hưng Yên để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 38 đoạn cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng theo hình thức BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao). Việc thu phí bắt đầu từ 0 giờ ngày 9/12/2016.

Mức thu phí sử dụng đường bộ tại Trạm thu phí cầu Yên Lệnh Quốc lộ 38 theo quy định của Thông tư số 123/TT-BTC,  sẽ  từ 35.000 - 180.000 đồng/vé/lượt tùy theo loại phương tiện.

Khi trạm thu phí được lập ra đã nhận phải ý kiến phản đối của người dân và các lái xe. Nhiều lái xe cho rằng mức phí này quá cao.

Người dân cho rằng BOT cầu Yên Lệnh giảm phí chỉ để cho có.

 Vào giữa năm 2017, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ tiến hành rà soát việc giảm phí tại các trạm BOT trên cả nước. Khi hàng loạt trạm BOT giảm phí, thời gian thu thu phí thì BOT Cầu Yên Lệnh bị cho là giảm để…cho có.

Cụ thể, ngày 4/10/2017, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã làm việc cùng Sở GTVT Hưng Yên, Sở GTVT Hà Nam và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án họp đàm phán điều chỉnh giảm mức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ Trạm thu phí Yên Lệnh, Dự án Đầu tư xây dựng Quốc lộ 38 đoạn từ cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra phương án miễn giảm phí đường bộ qua Trạm thu phí Yên Lệnh trình Bộ GTVT.

Cụ thể, giảm giá 12 - 15% đối với tất cả các phương tiện qua Trạm thu giá Yên Lệnh và giảm giá vé cho cho các phương tiện vùng lân cận Trạm thu giá này so với mức giá hiện tại. Thời điểm giảm giá dự kiến từ ngày 1/11/2017.

Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ đồng ý miễn giảm phí cho người dân và doanh nghiệp xung quanh trạm và không đồng ý phương án giảm mức giá chung cho tất cả các phương tiện. Nguyên nhân họ đưa ra là ảnh hưởng đến phương án tài chính chung của toàn dự án.

Doanh nghiệp lý giải việc không đồng ý với phương án miễn giảm chung cho toàn bộ phương tiện khi đi qua trạm thu phí Yên Lệnh là vì khi đầu tư dự án Quốc lộ 38 thì ngân hàng trên cơ sở thẩm định dự án, phương án trả nợ, lưu lượng phương tiện thực tế và phương án tăng giảm giá vé trong tương lai mới quyết định cho vay. Nếu giảm giá vé chung cho các loại phương tiện sẽ không đảm bảo kế hoạch trả nợ theo cam kết.

Bên canh đó, doanh nghiệp này khẳng định không thể thực hiện giảm giá chung cho các phương tiện là vì khi cầu Thái Hà và cầu Hưng Hà đi vào hoạt động sẽ dẫn đến sự phân lưu một lượng phương tiện tương đối lớn.

Do đó, nếu tiến hành giảm giá vé chung theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến doanh thu hoàn vốn của toàn dự án.

Mập mờ chuyện thu phí?

Đoạn đường tránh thị trấn Hòa Mạc (cầu Yên Lệnh-Vực Vòng) dài khoảng 8km, do liên danh Tổng công ty Thăng Long-CTCP và Tập đoàn Cienco4 làm chủ đầu tư theo hình thức BOT, tổng số vốn 418 tỷ đồng.

Công trình được khởi công xây dựng ngày 25/3/2014, hoàn thành tháng 8/2016 và bắt đầu thu phí từ ngày 19/12/2016, dự kiến thu trong vòng 16 năm, đến năm 2032 sẽ hoàn tất việc thu phí.

Một lái xe ở thị trấn Hòa Mạc cho biết mặc dù năm 2017, Công ty TNHH BOT cầu Yên Lệnh đã có động thái hạ giá vé cho khoảng gần 100 các lái xe có xác nhận của địa phương các xã Mộc Nam, Mộc Bắc, Chuyên Ngoại, Trác Văn, TT Hòa Mạc, Yên Nam với mức phí qua cầu tùy từng loại phương tiện mua theo vé tháng; riêng với với các loại xe dưới 12 chỗ xuống còn 15.000 đồng phí qua cầu như cũ.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt sai sót tại trạm BOT này.

Tuy nhiên, số lượng xe của các xã trên là rất nhiều nhưng công ty mới chỉ bán vé tháng đúng tiền phí cầu cho các xe có giấy tờ chính chủ. Những xe giấy tờ viết tay, không chính chủ thì không được xem xét, số này rất nhiều.

Theo người dân sinh sống tại Thị trấn Hòa Mạc, từ hướng Hà Nam đi sang Hưng Yên qua cầu Yên Lệnh và ngược lại gồm ba nhánh đường.

Thứ nhất là đường BOT từ Vực Vòng đến ngã ba Cầu Yên Lệnh. Đoạn đường này chủ yếu là các xe tải chở vật liệu xây dựng từ nhà máy gạch ngói Mộc Nam, Mộc Bắc và bãi sông Hồng cho các khu công nghiệp Đồng Văn… không qua trạm thu phí.

Tuyến thứ hai là đoạn đường chạy qua thị trấn Hòa Mạc. Tuyến thứ ba được mở rộng nâng cấp từ ngã ba cây xăng gần Cầu Giát qua các xã Trác Văn, Chuyên Ngoại huyện Duy Tiên và qua cầu mới xây đi Lý Nhân đi thị trấn Vĩnh Trụ, TP Phủ Lý, TP Nam Định, Ninh Bình… và một hướng qua cầu Thái Hà đi TP Thái Bình. Đây là hai tuyến đường được xây dựng bằng  ngân sách nhà nước và vốn ODA.

“Phần lớn lượng xe đi từ hai tuyến đường qua cầu Yên Lệnh và ngược lại mà chủ yếu là xe trọng tải lớn không đi qua đoạn đường BOT. Tôi tự đặt câu hỏi tiền phí trừ phí cầu số còn lại đã vào túi ai? Có phải Công ty TNHH BOT cầu Yên Lệnh đã mập mờ lợi dụng hai tuyến đường do người dân bỏ tiền thuế xây dựng để thu lợi cho riêng mình?”, một lái xe đặt câu hỏi.

Nhiều lái xe tải cũng khẳng định đi hơn 10 km mà phải đóng 180.000 đồng phí đường bộ đối với xe tải là quá đắt.

(Còn nữa)

Bạn đang đọc bài viết Có hay không sự mập mờ việc thu phí ở trạm BOT quốc lộ 38?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.