Thứ sáu, 29/03/2024 14:02 (GMT+7)

Bộ GTVT đề xuất phạt 30 triệu đồng với lái xe vi phạm nồng độ cồn

MTĐT -  Thứ năm, 23/05/2019 14:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ GTVT đề xuất tăng nặng mức xử phạt các hành vi vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, các hành vi vi phạm nồng độ cao nhất (mức 3), Bộ GTVT đề xuất xử phạt đến 30 triệu đồng.

Theo báo Giao thông, mới đây, Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Đáng chú ý, tại dự thảo lần này, Bộ GTVT đề xuất tăng nặng mức xử phạt các hành vi vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, các hành vi vi phạm nồng độ cao nhất (mức 3), không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn và ma túy, Bộ GTVT đề xuất xử phạt lên đến 30 triệu đồng và tước GPLX 14 - 16 tháng.

Cụ thể: Đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Bộ GTVT đề xuất phạt tiền từ 26 - 30 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 14 - 16 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46/2016 hiện đang quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước GPLX 4 - 6 tháng.

Tăng mức phạt đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn. Ảnh minh họa: Internet.

Ở mức vi phạm thấp hơn (mức 2), Bộ GTVT đề xuất giữ nguyên mức như quy định tại Nghị định 46 (phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng đối với lái xe có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở). Đối với hành vi này, Bộ GTVT chỉ đề xuất tăng mức xử phạt bổ sung tước GPLX từ 1 - 3 tháng lên 10 - 12 tháng.

Đối với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, chất ma túy của người thi hành công vụ, Bộ GTVT cũng đề xuất tăng mức phạt tương tự như trên. Riêng hành vi điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy cũng có cùng mức xử phạt nhưng sẽ bị tước GPLX 22 - 24 tháng.

Đối với người điều khiển xe máy, Bộ GTVT chỉ đề xuất tăng mức xử phạt ở mức cao nhất. Cụ thể: Xử phạt 5 - 7 triệu đồng và tước GPLX 14 - 16 tháng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe máy điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46 đang xử phạt hành vi này 3 - 4 triệu đồng và tước GPLX 3 - 5 tháng.

Tuy nhiên, trao đổi với Vnexpress, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của mức phạt mới, vì phần lớn người vi phạm có mức sống trung bình, nếu phạt cao quá (30 triệu đồng) thì có thể phát sinh tiêu cực với lực lượng xử lý vi phạm.

"Tôi ủng hộ chủ trương tăng mức phạt để tăng tính răn đe với người vi phạm, song mức tăng bao nhiêu thì nên cân nhắc kỹ", ông Thanh nói và đề xuất hình phạt bổ sung lao động công ích với người vi phạm, ví dụ nạo vét ở sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu...

Còn ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, nếu tài xế bị tước bằng lái đến 2 năm thì nguy cơ mất việc làm, ảnh hưởng đời sống của cả gia đình, do vậy tổ soạn thảo cần xem lại quy định này.

Ngoài ra, ông lo ngại với mức phạt 30 triệu đồng thì nhiều người dân đi phương tiện cũ sẽ bỏ xe lại, không nộp phạt, gây khó khăn cho cơ quan chức năng.

Theo số liệu mới nhất của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý I/2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. Trong đó nguyên nhân tai nạn do tài xế sử dụng rượu bia chiếm 1,47% (trên 274 vụ).

Chỉ từ đầu năm 2019 đến nay, trên cả nước đã xảy ra hàng loạt vụ tai nạn thương tâm do tài xế sử dụng rượu ba gây ra. Mới đây nhất là vào khoảng 0h10 ngày 1/5, Lê Trung Hiếu (SN 1980, trú tại phố Văn Cao, quận Ba Đình) điều khiển xe ô tô Mercedes màu trắng BKS 30F-154.78, khi lưu thông đến hầm Kim Liên thì đâm vào chiếc xe Honda Vision đi cùng chiều phía trước.

Chiếc xe gây tai nạn rồi bỏ chạy. Ảnh: Internet.

Lực đâm quá mạnh khiến 2 phụ nữ ngồi trên xe máy là chị Đinh Thị Hải Yến (SN 1976, ở Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Trần Thị Quỳnh ngã xuống đường, tử vong tại chỗ.

Ngay sau khi gây tai nạn, Lê Trung Hiếu lái xe bỏ chạy nhưng đã bị người dân và lực lượng chức năng bắt giữ, đưa về Công an quận Hai Bà Trưng.

Bước đầu, Lê Trung Hiếu khai nhận tối 30/4, anh ta đi dự họp lớp ở một quán bia trên phố Thợ Nhuộm, sau đó đưa một số người bạn về. Thời điểm xảy ra tai nạn, Hiếu ngồi trên xe một mình.

Kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy, tài xế Hiếu vi phạm 0,751 mg/lít khí thở.

Sau hàng loạt vụ TNGT thương tâm liên quan đến việc tài xế sử dụng rượu bia vừa xảy ra, ngày 2/5, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã ra chỉ thị về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi làm nhiệm vụ, điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Chiều 3/5, Bộ trưởng GTVT một lần nữa yêu cầu sửa đổi Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt theo hướng tăng nặng; nghiên cứu tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất ATGT, đặc biệt là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bộ GTVT đề xuất phạt 30 triệu đồng với lái xe vi phạm nồng độ cồn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới