Thứ ba, 23/04/2024 23:44 (GMT+7)

Bộ GTVT: Đề án cấm xe máy ở Hà Nội là cần thiết

MTĐT -  Thứ sáu, 29/03/2019 14:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Liên quan đến để án cấm xe máy của Hà Nội, ngày 28/3, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, Bộ cũng đã nghiên cứu chủ trương cấm xe máy.

“Việc cấm xe máy đã được triển khai ở một số đô thị lớn trên thế giới như Myanmar, một số thành phố lớn ở Trung Quốc. Đây là một trong các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Ngọc nói, và cho rằng việc cấm xe máy phải đi kèm với việc đáp ứng tốt vận tải công cộng và kết nối tối các loại hình vận tải với nhau cũng như giao thông tĩnh.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm, việc Chính phủ giao Hà Nội và TP.HCM xây dựng Đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện cần xem xét tới việc tổ chức giao thông, lộ trình thực hiện, khả năng đáp ứng của vận tải công cộng, đảm bảo nguyên tắc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

“Hà Nội mới đang trong quá trình xây dựng Đề án. Còn rất nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, đánh giá, phân tích trước khi đưa ra được phương án cuối cùng. Nhưng quan điểm trung là phải xây dựng Đề án, tổ chức lại giao thông nhưng đảm bao nguyên tắc, đảm bảo cho việc đi lại của người dân”- lãnh đạo Bộ GTVT bày tỏ.

Trước đó, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đang nghiên cứu thí điểm cấm xe máy theo giờ trên 6 tuyến phố. Dự kiến, vào giờ cao điểm, xe máy sẽ bị cấm hoạt động trên tuyến đường Nguyễn Trãi (ưu tiên xe buýt) đoạn từ vành đai 3 đến đường Láng vào năm 2019-2020.

Tuyến Xuân Thủy - Cầu Giấy, sau khi tuyến đường sắt đô thị 3A đi vào hoạt động (dự kiến sau 2020), xe máy cũng bị cấm vào giờ cao điểm.

Hà Nội đang nghiên cứu thí điểm cấm xe máy theo giờ trên 6 tuyến phố. Ảnh: Internet.

Ngoài ra, TP Hà Nội cũng dự kiến nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên một số tuyến phố như Giải Phóng (đoạn từ giao vành đai 3 đến Đại Cồ Việt), đường Nguyễn Văn Cừ (từ cầu vượt Long Biên đến cầu Chương Dương), đường Lê Văn Lương (giao vành đai 3 đến đường Láng) và tuyến Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, việc cấm xe máy hoạt động ở tuyến phố Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi, người dân có thể sử dụng xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa hoặc đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông làm phương tiện thay thế. Điều này còn tạo điều kiện phát huy năng lực vận tải của xe buýt nhanh và tàu điện của TP Hà Nội.

Tuy nhiên, đề án này của Sở GTVT Hà Nội đã nhận được những tranh luận trái chiều từ người dân cũng như giới chuyên gia. Đa số cho rằng, chủ trương hạn chế phương tiện xe máy là đúng. Tuy nhiên, Hà Nội cần thận trọng và tính toán thật kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.

Từng trao đổi với báo chí về đề án này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, hạn chế xe máy là chủ trương lớn, cần phải có thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng thì mới có thể triển khai được. Ví như phải chuẩn bị bến bãi gửi xe tại các trạm trung chuyển để người dân dân có chỗ gửi xe máy… Nhưng hiện giờ, Hà Nội hạ tầng giao thông công cộng chưa được bao nhiêu. Trong khi đó, hai tuyến đường dự kiến cấm đều là tuyến đường xương sống, hàng ngày có rất nhiều phương tiện xe máy qua lại. Nếu cấm 1 tuyến đường thì người dân sẽ đổ sang đi tuyến còn lại, gây ra tắc cục bộ.

Hiện nay, giờ cao điểm đã tắc rồi thì sau này sẽ còn kinh khủng hơn nữa. Tại tuyến đường lớn đã thế, các ngõ nhỏ thì phương tiện cộng cộng có đi lại được không? Đó là chưa kể, khi cấm xe máy, những gia đình có thu nhập khá cũng xe mua ô tô rồi lại tắc đường. “Tôi không hiểu sao Sở Giao thông vận tải Hà Nội lại đẩy nhanh tiến độ như vậy”, ông Liên nói.

Về lý do xe máy làm ô nhiễm môi trường, ông Liên cho rằng chỉ đúng một phần. Bởi ngoài xe máy còn có nhiều yếu tố khác gây ô nhiễm, trong đó có ô tô. Thậm chí, ô tô còn tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn. Hơn nữa, ô tô chiếm không gian lớn hơn, gấp 5-6 lần xe máy nhưng chở được ít người hơn. Trên các hình ảnh chụp đưa lên mạng ta thấy, ô tô cũng là thủ phạm tắc đường khi họ đi lấn làn, thậm chí chen cả lên vỉa hè. “Tại sao Hà Nội không cấm ô tô, lại đổ lỗi cho xe máy. Tôi cho rằng Hà Nội chỉ cấm xe máy là có phần ưu ái cho ô tô”, ông Liên nói.

Được biết, hiện giao thông cộng mới chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đi lại, còn đến 90% người dân sẽ di chuyển bằng gì là câu hỏi nan giải. Bên cạnh đó, đây là hai trục đường chính chạy ngoại thành vào thành phố Hà Nội, áp lực giao thông rất lớn. Nếu cấm xe máy hai tuyến đường này thì phải giải bài toán phân luồng các phương tiện này đi ra đường nào, người dân hai bên đường sinh hoạt ra sao trong khi tuyến đường này rất dài.

Nhật Hạ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bộ GTVT: Đề án cấm xe máy ở Hà Nội là cần thiết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh Trì: Nguy cơ tai nạn giao thông do mất nắp hố ga
Tình trạng hố ga, miệng cống thiếu nắp, mất nắp tại tuyến đường Đại Thanh tiềm ẩn nguy hiểm đối với người dân lưu thông trên đường. Điều đáng nói, một số miệng cống, hố ga này không được che đậy, cảnh báo, thậm chí, đã lâu không được thay thế, bổ sung

Tin mới