Thứ tư, 24/04/2024 20:53 (GMT+7)

Bộ GTVT có ‘đánh tráo khái niệm’ báo cáo xây dựng nhà ga T3?(Bài3)

Văn Chương -  Thứ tư, 03/04/2019 06:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“ICAO không có bất kỳ quy định nào rằng tất cả các nhà ga hành khách ở một sân bay phải thuộc một nhà đầu tư và khai thác nhà ga như Bộ GTVT báo cáo Chính phủ”, chuyên gia Nguyễn Thiện Tống bày tỏ.

Liên quan đến việc xây dựng nhà ga T3 ở sân bay Tân Sơn Nhất, mặc dù rất nhiều chuyên gia “chỉ mặt, đặt tên” những vấn đề bất ổn khi Bộ GTVT đề xuất ACV thực hiện. Tuy nhiên, bỏ ngoài tai, Bộ GTVT vẫn quyết định chọn ACV và đưa ra nhiều lý do mà nhiều người cho rằng Bộ đang cố tình “đánh tráo khái niệm”.

Chuyên gia "phản pháo" lý do giao ACV thực hiện xây nhà ga T3 của Bộ GTVT

Chiều 2/4, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, vấn đề mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vô cùng nóng. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tại sao lựa chọn ACV, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: “Chúng tôi đề xuất giao cho ACV xem xét các yếu tố vì ACV đã được Thủ tướng giao cho quản lý khai thác 21 nhà ga trên toàn quốc đây là đơn vị có chức năng nhiệm vụ, kinh nghiệm quản lý đầu tư. Đồng thời, đảm bảo việc quản lý đồng bộ, theo quy định chung của hàng không Quốc tế ICAO thì quy định 1 cảng chỉ có 1 nhà khai thác. Trong một cảng hàng không chỉ có 1 cửa nhà ga không thể để nhiều đơn vị quản lý, mỗi người khai thác khác nhau không đồng bộ sẽ rất khó khăn khi quản lý”.

Sân bay Tân Sơn Nhất.

Đây không phải lần đầu Bộ GTVT đưa ra lý do này để nhằm giao việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cho ACV. Ngày 25/3, trả lời báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng phát biểu rằng: "ACV đang quản lý, khai thác Tân Sơn Nhất nên cần phải khai thác đồng bộ cả khu bay lẫn nhà ga. Nếu chia nhà, bếp, sân, giếng mỗi người quản lý một cái thì không quản lý đồng bộ để phát triển được".

Tuy nhiên, khi tham vấn ý kiến các chuyên gia, Môi trường và Đô thị Việt Nam nhận được ý kiến hoàn toàn ngược lại. PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TPHCM khẳng định: Hiện tại, tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) không có bất kỳ quy định nào rằng tất cả các nhà ga hành khách ở một sân bay phải thuộc một nhà đầu tư và khai thác nhà ga.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống dẫn chứng, tại sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh, các nhà ga quốc tế mới xây ở các sân bay này đâu phải do ACV đầu tư? Các nhà ga nhà là của các doanh nghiệp cổ phần mà tư nhân chiếm cổ phần chi phối, ACV chỉ có cổ phần nhỏ và chúng độc lập với các nhà ga do ACV đầu tư trước đó.

Vậy, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho rằng trước đây việc Bộ GTVT giao cho các nhà đầu tư không phải ACV xây các nhà ga quốc tế ở Đà Nẵng, Cam Ranh là sai so với quy định nào đó của ICAO?

Hay ở các nước trên thế giới như tại Mỹ cũng có rất nhiều nhà ga hành khách ở các sân bay Mỹ là do các hãng hàng không đầu tư, không phải của các doanh nghiệp sân bay. Có thể dễ dàng lấy ví dụ là nhà ga số 1 (Terminal One) ở sân bay quốc tế JFK của New York là 1 trong 6 nhà ga hành khách ở sân bay này, nhưng lại do một tổ hợp 4 hãng hàng không Air France, Lufthansa, Japan Airlines, Korean Air đầu tư và quản lý và khai thác. Việc một sân bay có các nhà ga hành khách thuộc các nhà đầu tư khác nhau là bình thường ở nước ngoài và đã có thực tế ngay ở Việt Nam (Đà Nẵng, Cam Ranh).

Cá chuyên gia đặt câu hỏi, phải chăng Thứ trưởng Bộ GTVT đang “đánh tráo khái niệm” vì muốn giao việc thực hiện dự án này cho ACV?

Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân thực sự tha thiết đầu tư xây sân bay T3 tại Tân Sơn Nhất. Có thể kể đến những cái tên thực sự có tiềm lực như Vietjet Air, FLC, Viet Star… Tuy nhiên Bộ GTVT cứ muốn giành bằng được “miếng bánh” này cho ACV cũng khiến dư luận cảm thấy hoài nghi.

Bộ GTVT vẫn "tin tưởng" giao xây dựng ga T3 cho ACV?

Nếu nhìn vào các kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính và ngay cả Thanh tra của Bộ GTVT mới thấy được những năm qua, ACV bê bối cỡ nào.

Theo Thanh tra Bộ Tài Chính, sau khi tiến hành thanh tra tại Công ty mẹ - Tổng công ty ACV và 4 doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp có vốn đầu tư gồm: Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất; Công ty CP Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam; Công ty CP Dịch vụ mặt đất Sài Gòn cho thấy quản lý công nợ còn nhiều vấn đề. Cụ thể, tại 5 doanh nghiệp này, nợ phải thu tại thời điểm 31/12/2017 là 8.020 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy có 4/5 doanh nghiệp được thanh tra chưa thực hiện đối chiếu, xác nhận đầy đủ nợ phải thu với số tiền 943 tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng nợ phải thu.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ.

Hay trước đó, Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Kết luận đã chỉ ra tổng số tiền và tài sản vi phạm tại ACV cần kiến nghị xử lý là 3.652 tỷ đồng và 7.225ha đất. Ngoài ra, hoạt động sản xuất kinh doanh dính đầy lỗi.

Về việc thực hiện các dự án, ACV từng dính “phốt” khi bị Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra việc “đánh tráo” tiêu chuẩn xây dựng nhà ga. Tại Dự án mở rộng nhà ga hành khách Phú Quốc (Kiên Giang), Vinh (Nghệ An), trong quá trình thi công nghiệm thu, chủ đầu tư đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam để phù hợp với điều kiện thi công xây lắp tại Việt Nam trong khi hồ sơ mời thầu theo chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng tiêu chuẩn Anh, Mỹ. Thanh tra Bộ đánh giá việc điều chỉnh này chưa phù hợp.

Ngoài ra, trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, ACV để xảy ra nhiều tồn tại khi khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt dự án. Nhiều dự án trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, thay đổi so với hồ sơ thiết kế cơ sở, bổ sung một số hạng mục dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh thời gian thực hiện… như dự án đường vào cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, dự án mở rộng nhà ga quốc tế T2 (sân bay Tân Sơn Nhất).

ACV còn thể hiện sự hạn chế trong quy hoạch khi một số dự án vừa đầu tư xong đã phải nâng cấp mở rộng như dự án kéo dài, nâng cấp đường CHC, đường lăn và sân đậu sân bay Pleiku (Gia Lai).

Với hàng loạt sai phạm, tại sao Bộ GTVT vẫn tin tưởng giao bằng được cho ACV thực hiện xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Có lẽ câu trả lời chỉ một mình Bộ GTVT nắm được?

Bạn đang đọc bài viết Bộ GTVT có ‘đánh tráo khái niệm’ báo cáo xây dựng nhà ga T3?(Bài3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.