Thứ năm, 25/04/2024 00:25 (GMT+7)

Bao giờ giao thông học đường mới được an toàn?

Trần Ngọc Tuấn -  Thứ bảy, 17/03/2018 08:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cùng với cả nước, trong thời gian qua, ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện an toàn giao thông.

Nhưng nhìn vào thực tế, những gì đã làm được vẫn còn khá khiêm tốn so với hiện trạng mất an toàn giao thông đang phổ biến trên cả nước hiện nay…

Theo số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, năm 2017, cả nước đã xảy ra 20.080 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.279 người và làm bị thương 17.074 người. Như thế, mỗi ngày cả nước bị tai nạn này cướp đi hơn 25 sinh mạng, khoảng 70 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời. Mỗi tiết học trong lớp của học sinh (HS), thì ở ngoài xã hội có 1 người tử vong vì tai nạn giao thông. Mặc dù trong con số trên, đối tượng HS không được thống kê cụ thể là bao nhiêu, nhưng nhìn vào hiện trạng ở các trường học, nhìn vào việc đi lại trên đường, vào bức tranh toàn cảnh trong các kỳ thi, có thể kết luận rằng: giao thông học đường hiện nay chưa thật sự an toàn.

 Tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn còn phổ biến. Ảnh: Internet

Hầu hết HS tham gia giao thông phạm luật

Khảo sát một vòng ở các trường THCS và THPT, chúng tôi thấy số lượng HS đi xe đạp điện chiếm khoảng 20 - 25%. Đa số là HS nữ, còn lại các em đi bằng các phương tiện khác, như: xe đạp, xe buýt hoặc phụ huynh trực tiếp đưa đón.

Theo qui định của luật giao thông đường bộ, thì người ngồi trên xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm. Trong khi đó, hầu hết người đi xe đạp điện hiện nay, trong đó có HS, khi điều khiển phương tiện này không hề đội mũ bảo hiểm. Trong khi đó, theo ý kiến của những người sử dụng phương tiện này cho rằng, mức độ nguy hiểm của nó không thua gì xe mô tô, vì khi lưu thông trong nội thành, tốc độ tương đương với xe máy.

Trong con số gần 50% HS đi học bằng xe mô tô, gắn máy, có đến hơn 70% số lượng chưa có bằng lái, chưa đủ tuổi lái xe. Số lượng là xe 100, 125 phân khối khá nhiều.
HS ý thức về luật giao thông rất kém, thường gây ùn tắc trước cổng trường. Cảnh chạy xe dàn hàng hai, hàng ba; cảnh chở ba, chở bốn khá phổ biến. Nhiều HS không đội nón bảo hiểm. Nhiều phụ huynh cũng “vô tư” chở con đến trường mà không trang bị nón cho con vẫn diễn ra hàng ngày trên đường phố… Có thể nói, giao thông học đường hiện nay đang trong một tình cảnh vô cùng thiếu an toàn!

Cần sự can thiệp đúng mức

Thực trạng trên có nguyên nhân sâu xa từ nhiều phía. Trước nhất, lỗi là ở phía cha mẹ HS. Họ chưa thật sự cứng rắn với con em mình. Vì chiều con, vì thiếu sự quan tâm, vì muốn con tiện lợi trong việc đi lại…, mà họ quên rằng chúng đang phạm luật... Chỉ lấy ví dụ ở viêc chở con đến trường mà không đội mũ bảo hiểm. Nhiều người nghĩ rằng vì nhà gần trường học, hoặc tuyến đường ấy không có công an đứng chốt, hoặc con em mình còn nhỏ tuổi, chưa bị phạt...mà đâu biết rằng như thế, lâu dài, sẽ gieo thói quen xấu cho con em của mình. Đâu thấy được rằng, vì sự an toàn cho bản thân con em của mình khác với việc đối phó...

Cơ quan chức năng cũng chưa can thiệp kip thời và kiên quyết. Nhiều khi còn "du di" với đối tượng HS, sinh viên. Nhiều khi còn… làm ngơ trước vi phạm của họ.

Ở nhà trường cũng có những khẩu hiệu tuyên truyền, những chuyên đề ngoại khóa, những tháng chủ điểm về an toàn giao thông (thường là tháng 9 hàng năm). Và có mời các cơ quan công an báo cáo, giáo dục nhưng hiệu quả chưa nhiều. Những bài học về giáo dục luật giao thông cho HS vẫn còn mang tính lý thuyết. Các hoạt động tuyên truyền như khuyến khích đi xe đạp, xe buýt thay cho xe máy; cho HS (và Phụ huynh) cam kết không vi phạm luật giao thông; các cuộc thi tìm hiểu luật giao thông; tổ chức tuyên truyền bằng sân khấu hóa; những phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân tử nạn theo chủ trương của Chính phủ cũng chưa cho hiệu quả nhất định. Mà nhìn vào thực tế thì HS đi xe phân khối lớn khi chưa có bằng lái vẫn chật kín các bãi xe nhà trường, HS vẫn "phóng" trên xe đạp điện mà không hề có nón bảo hiểm...

Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) xử phạt một trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Internet

Chừng nào cha mẹ thiếu quan tâm, nhà trường thiếu nghiêm khắc, cơ quan chức năng thiếu kiên quyết xử lý…, thì chừng ấy, HS vẫn còn tham gia giao thông trong tình cảnh thiếu an toàn!

Hậu quả trước mắt thì ai cũng có thể hình dung, nhưng hậu quả về lâu dài thì ít ai chịu nghĩ đến. Hiện nay tai nạn giao thông được Chính phủ gọi là một loại “giặc”. Vì vậy, muốn “đánh thắng” loại giặc này thì phải nghĩ đến việc "trị tận gốc", mà đối tượng là HS trong học đường cần được chú ý đến đầu tiên./.

Bạn đang đọc bài viết Bao giờ giao thông học đường mới được an toàn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành