Thứ sáu, 29/03/2024 19:30 (GMT+7)

17 dự án BOT chậm tiến độ, dư nợ hàng nghìn tỷ đồng

MTĐT -  Thứ sáu, 27/10/2017 15:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các dự án BOT chậm tiến độ chậm khiến việc cấp tín dụng của ngân hàng gặp nhiều rủi ro vì thu hồi vốn không đúng kế hoạch.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT.

Theo báo cáo, nguồn vốn đầu tư cho các dự án BOT vẫn chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Qua kiểm tra cho thấy, một số ngân hàng, chi nhánh ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định về tín dụng.

Các dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT thường có vòng đời dự án dài 15-20 năm. Trong khi vốn ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn.

Sự chênh lệch kỳ hạn này nếu công tác quản trị rủi ro của ngân hàng không tốt, dự án không thu hồi vốn theo đúng kế hoạch thì rủi ro cho ngân hàng là rất lớn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định nhiều trạm thu phí còn chậm trong việc sử dụng công nghệ thu phí không dừng. Ảnh: Ngọc An.

 Theo cơ quan này, việc cấp tín dụng cho các dự án giao thông được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT cũng tiềm ẩn rủi ro khi các dự án bị chậm tiến độ.

Ủy ban Thường vụ thống kê hiện có 17 dự án chậm tiến độ với tổng số tiền cam kết cấp tín dụng hơn 18.000 tỷ đồng, dư nợ đến 31/12/2016 hơn 8.600 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm cho các dự án BOT chủ yếu từ vốn vay nên rất khó định giá, tiềm ẩn rủi ro mất thanh khoản, nợ xấu cao nếu lượng xe, doanh thu không đạt như dự kiến.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ, các ngân hàng chỉ cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp vay vốn cho các dự án khi dự án có khả năng hoàn vốn. Nhưng một số trường hợp ngân hàng lại dựa vào thông tin xác nhận trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án. Trong khi đây chỉ là bản xác nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư .

Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết trên các tuyến quốc lộ có 88 trạm thu phí, Bộ Giao thông Vận tải quản lý 74 trạm (45 trạm đang thu phí, 29 trạm chưa thu), UBND các tỉnh, thành phố quản lý 14 trạm  (ngoài ra còn một số trạm đặt trên các tuyến tỉnh lộ).

Theo quy định, khoảng cách giữa các trạm bảo đảm tối thiểu 70 km. Tuy nhiên, các địa phương trong quá trình góp ý về vị trí trạm thu phí chưa tham vấn, lấy ý kiến người dân, tổ chức xã hội nghề nghiệp….

Khi người dân bức xúc, phản đối, cơ quan chức năng mới giải quyết bằng cách miễn, giảm phí sử dụng dịch vụ .

Hiện có 2 bất cập xảy ra tại các dự án BOT. Một là trạm thu phí đặt ngoài phạm vi dự án, bổ sung một số hạng mục nằm ngoài phạm vi dự án. Thứ hai, cơ quan chức năng cho phép nhà đầu tư thu phí cả tuyến đường ngoài BOT chạy song song với tuyến đường được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT để bảo đảm phương án tài chính của dự án.

Thực tế cho thấy, hầu hết trạm thu phí là một dừng, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát doanh thu thu phí. Khi phương tiện giao thông tăng đột biến vào các ngày trước và sau các ngày lễ tết, các ngày nghỉ, vào giờ cao điểm gây ùn tắc.

MTĐT

Bạn đang đọc bài viết 17 dự án BOT chậm tiến độ, dư nợ hàng nghìn tỷ đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới