Thứ sáu, 19/04/2024 03:24 (GMT+7)

Dự án phá vỡ quy hoạch, có khó để làm rõ trách nhiệm? (Kỳ cuối)

Cẩm Anh -  Thứ sáu, 14/06/2019 08:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng loạt dự án thay đổi, phá vỡ quy hoạch, vậy, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước ra sao?

Phá vỡ quy hoạch, trách nhiệm thuộc về ai?

Tăng mật độ xây dựng, gia tăng dân số, gây áp lực lên hạ tầng giao thông, áp lực đối với các dịch vụ công cộng, thu hẹp các diện tích tiện ích… đó là tất cả những hệ lụy nhãn tiền dễ dàng nhận thấy từ việc điều chỉnh quy hoạch theo xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các diện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng. Cụ thể là tăng mật độ xây dựng, tăng số tầng, tăng diện tích sàn và giảm diện tích khuôn viên cây xanh, vỉa hè, khu vực vui chơi, chỉ tiêu hạ tầng…  

Ảnh minh họa. 

Tình trạng này đã được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thừa nhận tại phiên chất vấn các vấn đề trong lĩnh vực xây dựng - Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng đã nhận trách nhiệm về việc tham mưu chính sách chưa kịp thời, chưa sát thực tế, chưa thực sự phối hợp quản lý với các địa phương, đôn đốc thực hiện quy hoạch tại các đô thị…

Theo Bộ trưởng, yếu tố quy hoạch và kiểm soát phát triển đô thị Quy hoạch thời gian qua vốn là công cụ quản lý quan trọng nhất nhưng chất lượng quy hoạch còn thấp dẫn đến tình trạng “loạn” quy hoạch như hiện nay.

Chúng tôi xin nhận những trách nhiệm này” – là lời nhận trách nhiệm từ người đứng đầu ngành xây dựng. Đồng thời, Bộ trưởng cũng nêu ra những giải pháp trong thời gian tới, như nâng cao chất lượng quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, cho dừng điều chỉnh những quy hoạch với những quy hoạch đang và chưa thực hiện…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại phiên chất vấn các vấn đề trong lĩnh vực xây dựng - Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. 

Việc nhận trách nhiệm của người đứng đầu ngành xây dựng được nhân dân hoan nghênh, ý kiến từ Bộ trưởng tiếp thêm niềm tin cho hàng nghìn cư dân đang ngày đêm đấu tranh với đề xuất điều chỉnh quy hoạch của chủ đầu tư tại khu đô thị Ngoại Giao đoàn, khu Ciputra Hà Nội (Khu đô thị Nam Thăng Long) và nhiều dự án khác.

Thế nhưng, dư luận băn khoăn sau khi Bộ trưởng nhận trách nhiệm, sai phạm điều chỉnh quy hoạch tại các dự án cụ thể sẽ được xử lý như thế nào? Cả một hệ thống làm sai từ cơ quan chính quyền địa phương đến các sở ngành chuyên môn có vô can sau lời nhận trách nhiệm từ Bộ trưởng, trong khi việc phân cấp quản lý nhà nước đã được quy định rất rõ ràng?

Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên thường trực BCH Hội Kiến trúc sư Hà Nội; Thành viên Hội đồng Khoa học TCKTVN – Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng, mỗi một dự án chung cư ra đời phải tuân thủ một quy trình rất chặt chẽ, tất cả các dự án đều phải có quyết định của Chủ tịch UBND Thành phố, nếu nằm ngoài khả năng của thành phố phải có những thỏa thuận với các bộ ngành khác, ví dụ như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng (chiều cao không lưu)…

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Ủy viên thường trực BCH Hội Kiến trúc sư Hà Nội; Thành viên Hội đồng Khoa học TCKTVN – Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng. 

UBND Thành phố có các cơ quan tham mưu để xây dựng và điều chỉnh quy hoạch đó là sở Quy hoạch kiến trúc – cơ quan nghiên cứu về kiến trúc và quy hoạch, Sở Xây dựng – cơ quan thẩm định chất lượng xây dựng và các giá trị về đầu mối hạ tầng, các sở khác như Sở Phòng cháy chữa cháy, Sở Tài nguyên và Môi trường…

Chính vì vậy, việc điều chỉnh quy hoạch sai, tất cả các cơ quan tham gia đều phải chịu trách nhiệm, mức độ tùy thuộc vào sai phạm, sai đến đâu xử phạt đến đó.

Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP.HCM, việc quy hoạch luôn có sự có kế thừa nhiều nhiệm kỳ, khó có thể cắt khúc ra từng người, từng giai đoạn. Do đó, không chỉ cá nhân mà chính quyền thành phố phải chịu trách nhiệm khi đã để xảy ra sự tắc trách khi điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện.

Trước câu hỏi trách nhiệm phá nát quy hoạch thuộc về ai, các chuyên gia đều nhận định việc này nằm ở cả một quy trình, không thể tách biệt trách nhiệm cá nhân. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không thể xem xét trách nhiệm cụ thể của cá nhân là lãnh đạo của các cơ quan quản lý nhà nước.

 Làm gì để truy trách nhiệm cá nhân?

Những sai lầm tồn tại lâu dài có trách nhiệm từ hệ thống pháp luật, chính sách”, đó là nhận định của TS. Võ Kim Cương – nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM khi trao đổi về trách nhiệm của việc phá nát quy hoạch.

Theo TS. Võ Như Cương, việc quy trách nhiệm cần phải đánh giá cả hệ thống chính sách, pháp luật… Thực trạng hiện nay, hệ thống luật quy hoạch đang tách rời giữa người lập và người thực hiện.

Việc các quy định pháp luật còn tồn tại bất cập, còn chưa phù hợp chính là rào cản, là một phần nguyên nhân gây khó trong việc truy trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể.

Để khắc phục tình trạng trên, GS. TSKH.  Đặng Hùng Võ  - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng chính quyền điện tử. Khi đó, mọi quy hoạch hay thay đổi đều ghi lại dấu vết, từ người trình đến người phê duyệt, dễ dàng cho việc truy trách nhiệm cá nhân.

Bên cạnh đó, nguyên Thứ trưởng đề nghị làm rõ lợi ích của chủ đầu tư, tất cả những lợi ích do điều chỉnh quy hoạch sai phải nộp về ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp phải bước qua lợi ích cá nhân để xây dựng lợi ích cộng đồng, vì một mục tiêu phát triển bền vững.

Bạn đang đọc bài viết Dự án phá vỡ quy hoạch, có khó để làm rõ trách nhiệm? (Kỳ cuối). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.