Thứ tư, 24/04/2024 14:48 (GMT+7)

Đan Phượng: Lãnh đạo huyện thay nhau 'đá bóng trách nhiệm'

Thùy Dung -  Thứ sáu, 05/04/2019 14:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc “đá bóng trách nhiệm” của cơ quan chức năng địa phương đã “vô tình” nhem nhóm mầm thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chính quyền địa phương quản lý yếu kém, gặp khó trong khâu xử lý

Liên quan đến việc các cơ sở vi phạm PCCC trên địa bàn huyện Đan Phượng, trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có bài viết: Đan Phượng: Siêu thị Lan Chi ngang nhiên hoạt động dù bị đình chỉ.

Cụ thể, Trong đợt kiểm tra từ ngày 22/2 - 28/2/2019, các lực lượng chức năng Công an thành phố đã phát hiện 74 cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC&CNCH, trong đó trên địa bàn huyện Đan Phượng có tới 7 cơ sở vi phạm.

Danh sách cơ sở vi phạm PCCC tại Đan Phượng.

Điều đáng chú ý hơn, trong 7 cơ sở vi phạm nói trên có 3 cơ sở được nêu rõ đã bị đình chỉ nhưng vẫn hoạt động, đây là điều rất đáng lo ngại. Trong đó, siêu thị Lan Chi Mart - Đan Phượng vốn là nơi tập trung rất nhiều người, bao gồm cả nhân viên siêu thị lẫn cả nghìn khách hàng mỗi ngày lại bị đình chỉ từ lâu nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động dưới sự quản lý yếu kém của chính quyền địa phương.

Để làm rõ việc trên, phóng viên đã có buổi làm việc với Công an huyện Đan phượng. Tại buổi làm việc, ông Phạm Hải Hưng – Phó trưởng Công an huyện thừa nhận có việc cơ sở Lan Chi dù đã bị đình chỉ nhưng vẫn hoạt động.

Mặc dù nằm trong danh sách bị đình chỉ nhưng Lan Chi thị trấn Phùng vẫn ngang nhiên hoạt động.

Ông Hưng còn cho biết thêm, Lan Chi bị đình chỉ không chỉ từ đợt kiểm tra vào tháng 2/2019 mà cả từ trước đó, vào tháng 8/2018, văn bản yêu cầu đình chỉ cơ sở này đã được ban hành.

Ông Hưng chia sẻ: “Mặc dù văn bản đình chỉ có từ tháng 8/2018, thế nhưng khi đó chúng tôi (Cảnh sát PCCC) vẫn chưa xác nhập vào với CA huyện. Cho đến tháng 9, khi xác nhập vào với nhau, chúng tôi mới chuyển đơn vị xuống đây. Do văn bản đình chỉ đã có trước đấy và vừa chuyển về địa bàn, vậy nên việc đình chỉ cơ sở Lan Chi gặp nhiều khó khăn”.

Cơ quan chức năng có đang đá bóng trách nhiệm?

Mục sở thị tại Lan Chi thị trấn Phùng, những gì mà PV ghi nhận được đó chính là thiết bị PCCC gần như không được chú trọng. Khác với những gì PV ghi nhận bằng thực tế, ông Đỗ Xuân Cường – Đội trưởng đội PCCC cho biết: “Tháng 10/2018, tại cơ sở này đã thay hệ thống bơm, trang bị lại bình chữa cháy và lát lại tường chống cháy (!?)”.

Mặc dù đã có văn bản đình chỉ từ năm 2018, thế nhưng do đâu cơ sở vẫn hoạt động trong suốt thời gian qua? Phải chăng “ông lớn” trong chuỗi siêu thị hàng đầu miền Bắc đang mang chính tính mạng của khách hàng ra để đùa với bà hỏa? PV đưa ra câu hỏi, "Có hay không việc chính quyền đang bao che cho những cơ sở vi phạm trên địa bàn huyện"?

Ông Phạm Hải Hưng quả quyết: “Không hề có việc chính quyền bao che cho các cơ sở. Tuy nhiên để cơ sở hoạt động đến thời điểm này là do việc quản lý cũng như xử phạt còn nhiều hạn chế do vượt quá thẩm quyền”.

Vậy UBND huyện Đan Phượng; lực lượng quản lý PCCC - Công an huyện có thể làm gì ngoài những cuộc kiểm tra và các báo cáo phức tạp, tiêu tốn thời gian và ngân sách?

Hệ thống chữa cháy tại đây không được chú trọng.

Ngay sau buổi làm việc với Công an huyện Đan Phượng, PV tiếp tục có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Thạc Hùng – Phó Chủ tịch huyện Đan Phượng. Ông Hùng một lần nữa thừa nhận việc cơ sở Lan Chi đã bị đình chỉ nhưng vẫn hoạt động là đúng sự thật.

Bên cạnh đó, khi PV nhắc tới việc đã có buổi làm việc với CA huyện Đan Phượng và đưa ra những khó khăn cũng như việc đình chỉ cơ sở siêu thị Lan Chi vượt quá thẩm quyền của CA huyện thì ông  Hùng khẳng định, “Việc Công an huyện trả lời như vậy là sai. Bởi theo quy tắc, sau khi đã có văn bản đình chỉ thì việc thực hiện sẽ là của Công an. Và việc cưỡng chế cũng thuộc trách nhiệm của Công an huyện Đan Phượng”.

Trước những sự việc trên, phải chăng “ông lớn” trong chuỗi siêu thị này đang thách thức cơ quan chức năng? Hay chính sự “đá bóng trách nhiệm” của cơ quan chức năng địa phương đã “vô tình” nhem nhóm mầm thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Xin được nhắc lại vụ cháy xưởng bánh kẹo năm 2017 khiến 8 người tử vong, dù vụ việc xảy ra trên địa bàn huyện Hoài Đức nhưng hiện trường chỉ cách UBND huyện Đan Phượng khoảng một cây số. Sau thảm họa, những phương án kiểm tra, xử lý về công tác PCCC được các nhà lãnh đạo TP.Hà Nội chỉ đạo rốt ráo và hết sức quyết liệt. Tuy nhiên với những thông tin mà PV ghi nhận tại các cơ quan chức năng huyện Đan Phượng, dự luận có thể đặt câu hỏi liệu các vị quan chức huyện này đã quên hay thờ ơ trước thảm họa?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Đan Phượng: Lãnh đạo huyện thay nhau 'đá bóng trách nhiệm'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.