Thứ năm, 28/03/2024 20:37 (GMT+7)

Cần thành phố Đông để tạo sản phẩm giá trị cao

MTĐT -  Thứ sáu, 03/04/2020 16:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáp nhập chỉ là bước đi đầu tiên, sau đó còn có nhiều bước tiếp theo như việc áp dụng chính quyền đô thị tại thành phố…

UBND TP.HCM vừa có văn bản xin ý kiến của Bộ Xây dựng về việc sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức nhằm hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông và TP đã xây dựng đề án TP phía đông.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, đô thị thì việc TP.HCM muốn sáp nhập ba quận chỉ là bước đi đầu tiên, rất nhiều việc cần làm để biến ý tưởng thành lập TP trong TP thành hiện thực.

Chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng, Giám đốc điều hành Công ty enCity thuộc đội đoạt giải nhất Sasaki-encity cuộc thi quốc tế “Ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM”:

Bước đi đầu tiên

Việc sáp nhập ba quận là hợp lý và quan trọng của TP, vì nó thống nhất về mặt điều hành, mong muốn của TP có tổ chức hành chính mới áp dụng cho TP khu Đông. Tổ chức hành chính này có thể có áp dụng mô hình mới, tiên tiến hơn, phù hợp với mong muốn phát triển TP sáng tạo.

Tất nhiên, khi sáp nhập thành TP thì việc tổ chức hành chính tiếp theo như thế nào là câu chuyện TP chắc cũng đã nghiên cứu rồi. Sáp nhập chỉ là bước đi đầu tiên, sau đó còn có nhiều bước tiếp theo, ví dụ như việc áp dụng chính quyền đô thị tại TP này chẳng hạn.

Về cơ bản, TP.HCM phải chuyển đổi nền kinh tế lên một bậc cao hơn, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn. Vì vậy, TP cần có một khu vực được xác định là thuận lợi nhất, đó là khu Đông. Khu Đông có vị trí là tập trung các hệ sinh thái: đại học, viện nghiên cứu, khu công nghệ cao, khởi nghiệp, trung tâm tài chính Thủ Thiêm, cửa ngõ cả vùng sản xuất Đông Nam bộ kết nối với TP.HCM, sân bay Long Thành, đi về phía bắc và quỹ đất, hạ tầng tương đối tốt… Vì vậy, việc phát triển thành đô thị hiện đại ở khu Đông sẽ thu hút nguồn lực đầu tư về tài chính, công nghệ cao, dịch vụ, môi trường sống tốt, thu hút nhân lực.

TP phía đông của TP.HCM sẽ có quy mô hơn 1,1 triệu dân, được bố trí trên tổng diện tích tự nhiên hơn 211 km2. Theo tiêu chuẩn quy định, quy mô dân số của TP phía đông sẽ đạt hơn 779,98% và diện tích tự nhiên cũng đạt hơn 141%.

Có hai việc cần làm song song hiện nay: Thứ nhất là TP đang quyết tâm xin trung ương thành lập TP trong lòng TP để có hệ thống tổ chức chính quyền linh hoạt hơn và hy vọng việc này sẽ sớm được thông qua. Thứ hai là phải thực hiện quyết tâm về quy hoạch, vì nó là cơ sở để triển khai thu hút đầu tư, triển khai cơ sở hạ tầng theo mục đích đã đề ra, điều này phải nhanh chóng được xúc tiến vì sự cạnh tranh của các đô thị trên thế giới hay trong khu vực là rất nhanh chóng.

Những gì chúng ta làm thì các quốc gia khác cũng làm, thậm chí làm trước chúng ta, nên việc chớp thời cơ là rất quan trọng, nhất là với TP.HCM có rất nhiều thuận lợi nên chúng ta phải hành động để biến các ý tưởng thành chiến lược cụ thể.

Một góc Khu công nghệ cao (quận 9, TP.HCM) nhìn từ trên cao. 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM:

Thị trường bất động sản sẽ sôi động

Tất nhiên, sắp tới thị trường bất động sản khu vực này sẽ rất sôi động. Nhất là có Thủ Thiêm, ngoài ra hiện nay cũng rất nhiều doanh nghiệp tầm cỡ đầu tư các dự án bất động sản tầm cỡ ở quận 9 và quận Thủ Đức cùng đầy đủ tiện ích phục vụ người dân.

 Trước đây, ba quận 2, 9, Thủ Đức là huyện Thủ Đức thuộc tỉnh Gia Định cũ. Năm 1997 TP tách ra thành ba quận, giờ sáp nhập lại thành một nên về mặt không gian hành chính - kinh tế trước đây hay bây giờ cũng như nhau, nên sáp nhập là hoàn toàn phù hợp.

TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam:

Bài toán giao thông vẫn theo quy hoạch

Khi sáp nhập ba quận để làm TP khu Đông, về cơ bản chưa thay đổi giao thông nội vùng và liên vùng như căng thẳng dòng xe từ Khu công nghiệp Bình Dương - Sóng Thần về các cảng hay về sân bay... Những phần dự án, dự án giao thông theo quy hoạch đến năm 2030 mới xong, đến lúc đó nó mới phát huy tác dụng.

Đến năm 2030 thì câu chuyện chắc chắn sẽ khác, nên hiện tại, với tiềm lực, chúng ta nên xây dựng dự án hạ tầng dần dần, theo ưu tiên.

Bài toán giao thông theo tôi là không có gì thay đổi mà sẽ làm theo quy hoạch, tất nhiên khi sáp nhập hoặc khi thành lập TP khu Đông thì sẽ có những cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế hơn.

Kiến trúc sư Khương văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam:

Trọng tâm là người dân

Quận 2 có khu trung tâm kinh tế tài chính Thủ Thiêm, sẽ là đối trọng cạnh tranh với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Hong Kong, Singapore… Quận 9 có Khu công nghệ cao thu hút đầu tư, tạo ra sản phẩm giá trị cao. Quận Thủ Đức có cụm đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên, ba trụ cột này dù có tiềm lực nhưng đang độc lập nhau nên TP muốn sáp nhập, tập trung lại phát triển sẽ hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài ra, việc tạo khu đô thị sáng tạo khu Đông sẽ tạo cơ hội cho giới trẻ phát triển nhiều hơn, khởi nghiệp tốt hơn, tạo công ăn việc làm…

Tất nhiên, cái gì cũng có thuận lợi và khó khăn, chúng ta còn nhiều thứ phải bổ sung nhiều và hoàn chỉnh để biến ý tưởng thành hiện thực. Điều chúng ta cần làm là quyết tâm và tháo gỡ từng chỗ một, lý thuyết quy hoạch là do chúng ta đặt ra, do mình xây dựng, tiêu chí đô thị cũng càng ngày càng được nâng cao.

Trọng tâm là người dân, nên việc phát triển TP trong TP hay khu đô thị thì mục đích cuối cùng phải hướng đến người dân, tăng trưởng kinh tế cũng làm cuộc sống người dân tốt hơn.

Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, việc sáp nhập hơi lạ.

“Tôi cũng chưa hiểu là TP sẽ làm như thế nào, vì các đơn vị hành chính trong một TP phải tương đồng nhau để các quy định về thẩm quyền, về chức vụ… phát huy hiệu quả. Tôi nghĩ còn nhiều vấn đề phức tạp” - ông Cương nói.

TS Võ Kim Cương cũng cho rằng việc sáp nhập có mặt thuận lợi, có mặt cũng còn khó khăn như ba quận có chính quyền chung thì phát triển hạ tầng tốt hơn, tuy nhiên các vấn đề liên quan đến đời sống người dân thì chính quyền nhỏ sẽ tốt hơn.

Rõ ràng TP khu Đông là vị trí trung tâm của vùng, qua bên kia là các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu… Nó có điều kiện, có khả năng phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ vì còn đất, hơn rất nhiều các khu vực khác. Nếu làm tốt, quyết tâm, đây sẽ là đòn bẩy để TP phát triển. 

Theo Người đô thị

Bạn đang đọc bài viết Cần thành phố Đông để tạo sản phẩm giá trị cao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.