Thứ sáu, 29/03/2024 21:14 (GMT+7)

Vì sao Hà Nội không xử lý công trình sai phạm nào trong năm 2018?

MTĐT -  Thứ ba, 26/03/2019 10:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo báo cáo của Thường trực HĐND TP Hà Nội, trong năm 2018, TP đã không xử lý được một công trình sai phạm nào trong số 80 công trình sai phạm tồn đọng từ trước năm 2018.

Tại phiên giải trình của Thường trực HĐND TP. Hà Nội về kết quả thực hiện kết luận chất vấn tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố khóa 15 về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố diễn ra sáng 25/3, nhiều vấn đề tồn tại trong công tác quản lý xây dựng được đưa ra.

Báo cáo thêm để nhằm làm rõ phiên giải trình, Chủ tịch UBND TP nêu thực trạng về sai phạm TTXD trên địa bàn TP chủ yếu ở 4 nhóm là: Vi phạm TTXD ở công trình dự án do Chủ đầu tư là công ty; vi phạm của cá nhân hộ gia đình; vi phạm trên đất nông nghiệp (đất công do UBND xã quản lý, đất giao cho các hộ làm nông nghiệp); phát sinh đối với TTXD với nhà siêu mỏng siêu méo; vi phạm trật tự quản lý tại các khu rừng phòng hộ.

Những vi phạm diễn ra trong thời gian ở nhiều mức độ khác nhau, nhiều công trình gây ra nhiều bức xúc cho cử tri; cũng đã có sự chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, của cả hệ thống cơ quan báo chí TƯ và TP, có nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri trên địa bàn,…

Đáng chú ý, dẫn nguồn tin từ báo cáo của Thường trực HĐND TP Hà Nội, báo Tuổi trẻ thông tin, trong năm 2018, TP đã không xử lý được một công trình sai phạm nào trong số 80 công trình sai phạm tồn đọng từ trước năm 2018.

Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Tuân (quận Tây Hồ) đề nghị giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội làm rõ nội dung về 80 công trình tồn đọng từ trước năm 2018 chưa được giải quyết.

Sai phạm đất đai diễn ra tại Sóc Sơn gây bức xúc dư luận trong suốt thời gian qua. Ảnh: Internet. 

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục thừa nhận trong năm 2018, do không đẩy nhanh tốc độ xử lý nên số lượng công trình vi phạm tồn đọng còn nhiều. Trước năm 2018, từ 413 công trình còn tồn đọng đã giảm xuống còn 80 công trình, nhưng năm 2018 không xử lý thêm được trường hợp nào.

Các quận, huyện còn nhiều công trình tồn đọng là: Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Thạch Thất, Hoài Đức.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cũng thừa nhận vẫn còn tình trạng báo cáo không chính xác và nhận một phần trách nhiệm về tình trạng này. Sở Xây dựng đã đề ra kế hoạch, trong tháng 4 phấn đấu giải quyết, đôn đốc, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong thẩm quyền và đề ra tiến độ xử lý đối với 80 trường hợp còn tồn đọng.

“Cái gì vượt thẩm quyền thì phải mạnh dạn đề xuất, đồng thời phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xử lý vi phạm”, ông Lê Văn Dục nói.

Cán bộ bao che, làm ngơ cho công trình vi phạm

Theo VOV, tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đối với những vụ việc vi phạm trật tự xây dựng gây bức xúc, thành phố đã cử các đoàn thanh tra vào cuộc.

Cụ thể với vụ vi phạm đất rừng ở Sóc Sơn  thanh tra đã có kết luận công khai những nội dung chưa được thực hiện theo kết luận của thanh tra Chính phủ năm 2006 và cả những vi phạm mới.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại phiên giải trình. Ảnh: KTĐT. 

UBND TP chỉ đạo để UBND huyện Sóc Sơn, 9 xã liên quan đến rừng Sóc Sơn và Sở Nông nghiệp, Sở Xây dựng sớm vào cuộc để xử lý dứt điểm các nội dung kết luận của thanh tra Chính phủ và những vấn đề mới phát sinh.

Cũng theo ông Chung, từ năm 2016, TP đã họp bàn và xác định nguyên nhân của hiện trạng vi phạm trật tự xây dựng khá nhức nhối trên địa bàn là có việc cán bộ cơ sở có biểu hiện bao che, làm ngơ cho công trình vi phạm dẫn đến công trình đã xây xong, thậm chí đã xây dựng với quy mô lớn rồi mới bị phát hiện.

Chuyển hồ sơ 10 công trình sai phạm cho cơ quan điều tra

Cũng theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, hiện đang thực hiện 12 kết luận thanh tra của các cơ quan có thẩm quyền về vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Trong đó có một kết luận của Thanh tra Chính phủ; 3 kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng; 7 kết luận của Thanh tra Thành phố và một kết luận thanh tra của Sở Xây dựng.

12 kết luận thanh tra trên đã chỉ ra 25 công trình xây dựng, dự án lớn tại Hà Nội có vi phạm trật tự xây dựng khủng. Tuy nhiên đến nay Hà Nội mới xử lý xong 4 công trình và dự án, còn 21 công trình, dự án đang tiếp tục xử lý.

Trong số các vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2016 đến nay, thành phố đã chuyển hồ sơ 10 công trình của các cá nhân, tổ chức sang cơ quan điều tra xử lý", dẫn lời ông Nguyễn Đức Chung, Zing đưa tin.

Trong 10 công trình được chuyển sang cơ quan điều tra, có nhiều dự án do Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu và Công ty Cổ phần sản xuất - Xuất nhập khẩu BEMES làm chủ đầu tư.

Kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, 80 công trình vi phạm cũ của 7 quận, huyện đến nay chưa có nhúc nhích. Nguyên nhân là do Chủ tịch một số quận, huyện, xã phường buông lỏng quản lý, làm chưa nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu. Đối với thanh tra xây dựng, theo Chủ tịch HĐND TP đã qua 3 lần chuyển đổi mô hình nhưng làm chưa hết trách nhiệm.

Nhật Hạ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Hà Nội không xử lý công trình sai phạm nào trong năm 2018?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới