Thứ tư, 24/04/2024 04:14 (GMT+7)

Vì sao Hà Nội chưa thể xử lý dứt điểm nhà siêu mỏng, siêu méo?

MTĐT -  Thứ sáu, 05/07/2019 17:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 5/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì hội nghị giao ban công tác quý II với các sở ngành...

Năm 2018, Hà Nội phát sinh 21 nhà siêu mỏng, siêu méo

Theo ANTĐ, báo cáo Chủ tịch UBND TP về kết quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 10.194 công trình (đạt 100% công trình), qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 357 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 3,5%.

Với các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo phát sinh trước năm 2005, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, có 132 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng tồn đọng nhiều năm trước chưa giải quyết được. Từ tháng 10/2017 đến tháng 4/2018, đã tiếp tục xử lý được 13 trường hợp còn 119 trường hợp.

Trên cơ sở đề xuất của Liên ngành, UBND Thành phố đã chấp thuận đề xuất của các sở, ngành, quận, huyện, hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề và xung quanh hoặc cấp phép có điều kiện đảm bảo an toàn không gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị đối với 87 trường hợp, đồng thời giao Sở Xây dựng cùng các sở, ngành (Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên & Môi trường, Giao thông vận tải) xem xét, thống nhất với các đề xuất của các quận, tiếp tục xử lý thu hồi phục vụ mục đích công cộng đối với 32 trường hợp không đủ điều kiện tồn tại, gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị để sử dụng phục vụ mục đích công cộng.

Đến nay, UBND các quận đã xử lý thêm được 14/119 trường hợp, hiện còn 105 trường hợp đang tiếp tục xử lý, giải quyết.

Đáng chú ý, ông Dục cho biết, năm 2018, theo kết quả tổng hợp báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã đã có báo cáo gửi Sở Xây dựng và theo kết quả rà soát của Thanh tra Sở Xây dựng: Các dự án mở đường năm 2018 làm phát sinh 21 trường hợp hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng.

Như vậy hiện nay, trên địa Thành phố còn 168 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng chưa được giải quyết dứt điểm, trên địa bàn 9 quận, huyện gồm: Ba Đình (58 trường hợp); Bắc Từ Liêm (5); Cầu Giấy (34); Đống Đa (15); Hai Bà Trưng (3); Tây Hồ (39); Thanh Xuân (12); Thanh Trì (01); Hoàng Mai (1).

Ảnh minh họa: Internet.

Hà Nội đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh. Nhiều tuyến đường theo quy hoạch đi qua các khu dân cư khiến tình trạng bị cắt xén do giải phóng mặt bằng gây phát sinh các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng tiếp tục xuất hiện.

Hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo được ví như "nấm sau mưa", bởi mỗi khi có con đường mới mở ra, thì hàng loạt ngôi nhà loại này xuất hiện, bên cạnh đó những ngôi nhà siêu mỏng siêu méo tồn tại từ nhiều năm trước chưa được xử lý dứt điểm.

Mới đây, trên đường Phạm Văn Đồng mở rộng cũng xuất hiện một số nhà siêu mỏng, siêu méo. Trong nhà chỉ kê được bộ bàn ghế nhỏ và một công trình vệ sinh, ấy thế mà cũng có văn phòng môi giới nhà đất thuê để làm địa điểm giao dịch.

Tại Hà Nội, rất nhiều tuyến phố có nhà siêu mỏng, siêu méo, có thể kể đến đường Hồ Tùng Mậu, Giang Văn Minh, Xã Đàn… Đặc điểm chung của những căn nhà này là chồng lên cao tầng, diện tích nhỏ hẹp, rất khó khăn để sinh sống, đa phần chỉ làm điểm kinh doanh như bán sim điện thoại, môi giới nhà đất, bán trà đá…

Nhìn vào mặt trước thì có thể thấy ngôi nhà cũng khá đẹp và khang trang, nhưng nhìn lại ở góc nghiêng thì đúng là mỏng manh đến đáng sợ. Những chiếc cành của một cái cây nhỏ cũng đủ che khuất hết cả mặt tiền của một ngôi nhà, cho thấy nó nhỏ và mỏng đến nhường nào.

Chậm xử lý

Thực tế, trên địa bàn thành phố đang xuất hiện tình trạng tiến độ xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo còn chậm, bên cạnh đó liên tục phát sinh thêm.

Lý giải về điều này, các quận, huyện cho biết, việc tự thỏa thuận hợp thửa, hợp khối thực tế rất khó khăn. Giá đất khi mua bán khó thống nhất. Nhiều trường hợp các hộ chung quanh công trình siêu mỏng, siêu méo đã ổn định công trình không có nhu cầu mua hợp thửa; nhiều trường hợp không đủ điều kiện về tài chính để mua. Và phần lớn các công trình siêu mỏng, siêu méo còn tồn đọng nằm ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng khi thực hiện mở đường trước năm 2005.

Tuy nhiên, theo báo Nhân dân từng giải trình về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành về xử lý nhà, đất siêu mỏng, siêu méo về cơ bản đã đủ để các quận, huyện tổ chức thực hiện. Thời gian tới, yêu cầu các sở, ngành và UBND các quận, huyện tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp đất siêu mỏng, siêu méo.

Do vậy chỉ có thể lý giải việc tiến độ xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo của Hà Nội còn chậm là do chính các cấp chính quyền địa phương và các chủ đầu tư xây dựng tuyến đường chưa quyết liệt thực hiện thu hồi đất ngoài chỉ giới sau khi hết thời gian hợp thửa, hợp khối.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Hà Nội chưa thể xử lý dứt điểm nhà siêu mỏng, siêu méo?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới