Thứ tư, 24/04/2024 15:05 (GMT+7)

Vì sao cùng mặt bằng pháp lý, thị trường BĐS TP.HCM lại bị 'nghẽn'?

MTĐT -  Thứ tư, 25/12/2019 14:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Cùng mặt bằng pháp lý như nhau, tại sao các dự án nhà ở tại TP.HCM lại bị vướng, nhưng tại các địa phương khác thì không bị?"

“Cùng mặt bằng pháp lý như nhau, tại sao các dự án nhà ở tại TP.HCM lại bị vướng, nhưng tại các địa phương khác thì không bị? Các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp như nhau, nhưng một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong khi nhiều dự án khác lại không”.

Lý giải về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, tình trạng này bắt nguồn từ các nguyên nhân như: Hệ thống pháp luật (công tác lập pháp, lập quy), chưa thật đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ; Phương thức xây dựng các Luật phổ biến theo kiểu "Luật khung; Luật ống", dẫn đến khó đấu tranh với các lợi ích cục bộ của Bộ, ngành đề xuất Luật.

Khâu yếu nhất vẫn là công tác thực thi pháp luật, trong đó có việc quy định về các điều kiện, cơ chế của một số văn bản dưới luật. Quy trình, thủ tục hành chính nhìn chung vẫn còn rườm rà, bất cập. Trách nhiệm và năng lực thi hành công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn hạn chế; tệ nạn nhũng nhiễu chưa được khắc phục.

Theo ông Châu, 2 năm qua, thị trường bất động sản TP.HCM đã bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là tình trạng quá thiếu nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội; đã có nhiều dự án nhà ở bị nghẽn do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai.

Theo HoREA, trong 3 quý năm 2019, chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư; có 12 dự án được chấp thuận đầu tư và 24 dự án được cấp phép xây dựng.

Đồng thời, chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018. Trong đó, có đến 31 dự án nhà ở quy mô nhỏ và trung bình, nhưng có 1 dự án khu đô thị rất lớn tại quận 9 với tổng số 10.007 căn hộ chiếm tỷ trọng áp đảo trên thị trường.

Các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm khoảng 30-50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp.

Tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở, dẫn đến giá nhà đất tăng đem lại lợi nhuận lớn cho các chủ đầu tư có dự án, nhưng lại làm cho khách hàng bị thiệt vì phải mua nhà giá cao hơn. Bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.

Tính đến hết tháng 10/2019, 124 dự án bất động sản bị chậm tiến độ trên địa bàn thành phố vẫn chưa được giải quyết xong. Ông Lê Hoàng Châu cho biết, việc tạm dừng 124 dự án khiến doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản.

Theo ông Châu, thị trường bất động sản hiện nay về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng. Thị trường bất động sản thành phố rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường.

Trước đó, nhận định về những khó khăn, điểm nghẽn của thị trường bất động sản TP.HCM năm 2019, ông Lê Hoàng Châu cho biết, nguyên nhân dẫn đến thị trường bất động sản bị sụt giảm, ách tắc là một số quy phạm pháp luật, Văn bản dưới Luật thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ dẫn đến vướng mắc, xung đột, gây ra vướng mắc, ách tắc trong quá trình áp dụng pháp luật.

Đồng thời đề nghị UBND TP sớm báo cáo Chính phủ giải quyết vướng mắc đối với các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, gồm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ở, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao cùng mặt bằng pháp lý, thị trường BĐS TP.HCM lại bị 'nghẽn'?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.