Thứ ba, 23/04/2024 17:04 (GMT+7)

Từ vụ cháy chung cư Carina: Điểm mặt hàng loạt chung cư vi phạm PCCC

MTĐT -  Thứ sáu, 23/03/2018 17:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vụ cháy xảy ra tại chung cư Carina Plaza một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu chung cư hiện nay.

 Sáng 23/3, cả nước bàng hoàng trước thông tin chung cư Carina Plaza (phường 16, quận 8, TP. HCM) bị cháy khiến ít nhất 13 người tử vong. Khu căn hộ Carina Plaza là một trong những dự án của Công ty 577 được đưa vào sử dụng từ năm 2011.

Đám cháy xảy ra vào lúc rạng sáng nên đã để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Đáng chú ý, khi đám cháy xảy ra hệ thống báo cháy của chung cư được cho là "cao cấp" này lại bị tê liệt hoàn toàn, cư dân không hề nghe thấy chuông báo động, nhiều người nhấn chuông trong nhà cũng không kêu, họ chỉ biết có cháy khi có tiếng hô hoán hoặc ngửi thấy mùi khói.

Sau vụ cháy nhiều người đã đặt ra câu hỏi, liệu có tiếng chuông báo cháy số người thiệt mạng có nhiều như vậy không? Vụ cháy một lần nữa gióng lên tiếng chuông báo động về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các khu chung cư.

Vụ cháy chung cư Carina Plaza để lại hậu quả nghiêm trọng. 

Những năm qua Việt Nam từng chứng kiến nhiều vụ cháy chung cư lớn và qua điều tra các nguyên nhân sau vụ cháy cho thấy, nhiều chủ đầu tư tòa nhà chung cư, nhà cao tầng chưa đủ điều kiện an toàn về PCCC, chưa mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định nhưng vẫn được đưa vào sử dụng, vẫn tiến hành bàn giao nhà cho người dân bắt chấp nguy cơ về cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chỉ trong tháng 1/2018 vừa qua, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã tiến hành xử phạt 4 công trình chung cư cao tầng do vi phạm các quy định về PCCC phát sinh mới, chưa được cấp văn bản xác nhận nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động. Đó là:

Tòa nhà Capital Garden tại ngõ 102 Trường Chinh, Đống Đa của Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô. Theo đó, tòa nhà này chưa được nghiệm thu PCCC đã bàn giao căn hộ cho hàng trăm cư dân đến ở. Điển hình là vào ngày 31/5/2017, nhiều cư dân tại chung cư này đã hốt hoảng bỏ cơm chạy ra thang máy xuống đất để thoát hiểm vì xảy ra cháy tại tầng 15. Đáng nói, ngay khi vụ cháy xảy ra, cư dân đã liên lạc với ban quản lý tòa nhà thông báo có cháy nhưng không liên lạc được.

Tòa nhà Capital Garden từng bị xử phạt vì vi phạm PCCC. Ảnh: Internet.

Tòa nhà số 4 Chính Kinh, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, đây là tòa nhà hỗn hợp nhà ở kết hợp dịch vụ thương mại và văn phòng cho thuê của CTCP bất động sản Hà Nội Sông Hồng. Theo thông tin báo chí phản ánh, mặc dù nhiều hạng mục của dự án chưa hoàn thiện, chưa nghiệm thu về công tác phòng cháy chữa cháy... nhưng chủ đầu tư đã cho cư dân vào sinh sống cố định (khoảng 200 hộ), gây nguy hiểm, mất an toàn.

Đáng nói, sau khi kiểm tra và tiến hành xử phạt nhưng hoạt động tại tòa nhà này vẫn diễn ra bình thường. Lý giải về điều này, đại diện phòng Cảnh sát PC&CC số 8 cho biết, “do lực lượng mỏng không thể túc trực được 24/24 nên phòng đề nghị với UBND phường và công an phường giám sát.”

Chung cư Ruby City CT2 tại phường Giang Biên, quận Long Biên do CTCP đầu tư và phát triển nhà Thăng Long - Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án được thiết kế gồm 1 tầng hầm để xe + 1 tầng thương mại + 13 tầng căn hộ. Mỗi tầng 16 căn hộ.

Dù tòa nhà đã đưa vào sử dụng thế nhưng qua công tác kiểm tra cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác PCCC.

Dự án Lilama 52 Lĩnh Nam là trung tâm thương mại và nhà ở hỗn hợp tại số 52 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai của CTCP LILAMA Hà Nội, được khởi công từ đầu năm 2009, với 2 tòa cao 18 tầng và 27 tầng và một số căn nhà vườn liền kề cho đến nay dự án vẫn dở dang nhiều hạng mục và người dân mới chỉ được chủ đầu tư tạm bàn giao.

Dự án Lilama 52 Lĩnh Nam dính nhiều bê bối. Ảnh: Internet.

Tòa nhà được sơn mặt ngoài để “đánh lừa dư luận” còn bên trong thì nhiều hạng mục bỏ dở nhiều năm nay như: thang máy chưa lắp đủ, các tầng thương mại chưa hoàn thiện, tầng hầm cũng chưa xong khiến bụi bặm, bẩn thỉu… mà hàng ngày cư dân phải băng qua những chỗ đó để lên căn hộ của mình.

Trước đó, hàng loạt các dự án cũng bị xử phạt như Chung cư CT5AB Văn Khê và chung cư CT6 do công ty cổ phần Hà Châu OSC làm chủ đầu tư (hai công trình của doanh nghiệp này còn bị phạt hành chính 160 triệu đồng).

Được khởi công năm 2008 và đã đưa vào sử dụng được 5 năm thế nhưng qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác PCCC tại tòa nhà. Theo đó, qua kiểm tra các tầng của tòa nhà hệ thống báo cháy của tòa nhà không hoạt động.

Không chỉ vậy, các thiết bị điện được lắp đặt để sử dụng khi có sự cố cũng không còn hoạt động.

Chung cư BMM do công ty sản xuất Thương mại BMM làm chủ đầu tư bị xử phạt 80 triệu đồng. Dự án có địa chỉ khu Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông do Công ty sản xuất thương mại BMM làm chủ đầu tư, do chưa bảo đảm các yêu cầu về an toàn PCCC nhưng đã đưa vào hoạt động.

Trước đó, mặc dù cảnh sát làm việc với chủ đầu tư về các vi phạm PCCC, phía chủ đầu tư cũng cam kết hoàn thành xong trước ngày 30/12/2016.

Tuy nhiên, quá thời hạn cam kết, chủ đầu tư vẫn không tổ chức thực hiện, cơ quan chức năng đã phải ra quyết định xử phạt 80 triệu đồng. Dù bị nhắc nhở, xử phạt nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục vi phạm bằng việc đưa các hộ dân vào ở, đưa công trình vào hoạt động khi chưa khắc phục xong những hạn chế về PCCC.

Hàng trăm dự án bị bêu tên vì vi phạm PCCC

Và chỉ trong tháng 3 này, TP Hà Nội đã bêu tên 17 công trình nhà chung cư cao tầng đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng có vi phạm các quy định về PCCC, không có khả năng khắc phục theo yêu cầu của quy chuẩn PCCC hiện hành.

Trong đó có 8 dự án do tư nhân bỏ tiền đầu tư gồm: chung cư mini Bồ Đề, ngõ 193 Bồ Đề, khu nhà ở nhiều hộ gia đình số 76 Cự Lộc, tòa nhà văn phòng cho thuê và để ở số 88 Tô Vĩnh Diện, tòa nhà chung cư cao tầng số 46/230 Lạc Trung, tòa nhà chung cư 89 Phùng Hưng - Phúc La, Hà Đông, nhà chung cư 30 tầng BMM, khu đô thị Xa La, trung tâm thương mại nhà ở cao tầng số 29 Lạc Trung, tháp B văn phòng thuộc tòa nhà hỗn hợp HH1 ngõ 102 Trường Chinh.

Chung cư BMM không đảm bảo an toàn PCCC đã đưa vào sử dụng.

Riêng Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã đầu tư xây dựng 5 tòa chung cư cao tầng vi phạm các quy định về PCCC. Bao gồm: tòa nhà CT1 Xa La, tòa nhà CT2 Xa La, tòa nhà CT3 Xa La, nhà chung cư CT4, và trung tâm thương mại và căn hộ chung cư, thuộc khu đô thị Xa La, Q.Phúc La, Q.Hà Đông.

Đáng lưu ý trong danh sách các công trình cao tầng vi phạm quy định PCCC lần này, có 4 dự án do các đơn vị xây dựng phục vụ nhu cầu ở cán bộ chiến sĩ công an.

Đó là dự án nhà ở để bán cho cán bộ chiến sĩ công an huyện Gia Lâm, tòa nhà C17 Bộ Công an tổ 14 Ngọc Thụy, nhà ở cho cán bộ, giáo viên Học viện Quốc tế (Bộ Công an) xã Thanh Liệt, Thanh Trì, nhà ở cho cán bộ chiến sĩ Tổng cục V (Bộ Công an), khu đô thị mới Cổ Nhuế.

Trước đó, theo kết quả rà soát, thống kê chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng tại TP. Hà Nội hồi tháng 6/2017, Hà Nội có tới 79 chung cư vi phạm quy định về PCCC. Trong đó, có đến 78 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC và một công trình thi công khi chưa được thẩm duyệt về PCCC.

Một số cái tên được nêu ra như: Tòa nhà N02 - T2 của Công ty TNHH thương mại dịch vụ đầu tư Viettin (Khu đoàn Ngoại giao, Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm); Tòa nhà N02-T3 của Công ty bất động sản Quang Minh (cũng thuộc Khu đoàn Ngoại giao, Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm)...

Cháy, nổ tại các chung cư cao tầng luôn là nỗi ám ảnh của cư dân sinh sống tại các khu chung cư. Thời gian qua, nhiều vụ cháy chung cư liên tục xảy ra càng khiến người dân thêm lo lắng, bất an. TP Hà Nội là nơi tập trung số lượng lớn chung cư cao tầng. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư khi xây dựng chung cư chỉ tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, bán nhà và thu được tiền về, mà xem nhẹ công tác PCCC dẫn tới nhiều tòa nhà dù người dân đã vào ở nhưng hệ thống PCCC chưa đạt, chưa được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC.

Mặc dù công tác kiểm tra PCCC vẫn luôn được các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, nhưng chưa thực sự có hiệu quả. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi, phải chăng chế tài đối với những vi phạm về an toàn PCCC hiện nay chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền. Mức phạt còn quá thấp, chưa đủ tính răn đe. Do đó, nhiều chủ đầu tư vì quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà lơ là trách nhiệm về an toàn PCCC dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Tổng hợp theo (Vietnambiz, Phapluatplus, TTO)

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Từ vụ cháy chung cư Carina: Điểm mặt hàng loạt chung cư vi phạm PCCC. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới