Thứ ba, 23/04/2024 14:48 (GMT+7)

TP.HCM thành lập “Thành phố phía Đông”: Liệu có khả thi?

MTĐT -  Thứ tư, 08/04/2020 10:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng về đề án thành lập “Thành phố phía Đông” trực thuộc TP HCM trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức.

Đề xuất chưa có tiền lệ

UBND TP.HCM vừa ban hành văn bản số 1157/UBND-TH gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại đô thị và chương trình phát triển đô thị, phục vụ đề án thành lập thành phố trực thuộc TP HCM. Trên cơ sở sáp nhập Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức sẽ hình thành “thành phố phía Đông” trực thuộc TP.HCM.

Dự kiến, TP phía Đông sau khi thành lập có diện tích tự nhiên 211,57km2 (đạt 141,05% so với tiêu chuẩn quy định), quy mô dân số 1.169.974 người (đạt 779,98% so với tiêu chuẩn quy định).

Việc sáp nhập 3 quận để thành lập TP trực thuộc TP là chưa có tiền lệ và TP HCM có thể sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình TP thuộc TP trực thuộc Trung ương.

Theo đề xuất, “TP phía Đông” trực thuộc TP HCM trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức

Khi sáp nhập 3 quận thành lập thành phố, vấn đề thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện tiên quyết như: phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt; phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương... Việc điều chỉnh này cũng phải căn cứ vào tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính. Hiện nay, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn được thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Do đó đề án sáp nhập 3 quận ở TP.HCM để tạo nên Thành phố phía Đông - thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương còn phải thực hiện theo đúng quy trình theo tinh thần của Nghị quyết đưa ra như: Lấy ý kiến cử tri về phương án, đề án sáp nhập 3 quận; có những chính sách về quản lý biên chế công chức, viên chức sau khi sáp nhập, cân nhắc kỹ về yếu tố đặc thù, truyền thống lịch sử...

Cần có cơ chế, chính sách đặc thù

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Bùi Kiến Thành, sáp nhập 3 quận thành một thành phố trực thuộc thành phố chỉ là tên gọi. Quan trọng là phải kết nối, điều chỉnh lại hạ tầng giao thông, logistics để thu hút nguồn lực đầu tư. “Muốn phát triển, thu hút nguồn lực đầu tư, chúng ta cần có cơ chế, chính sách đặc thù. Muốn vậy cần hình thành một cơ quan hành chính duy nhất để điều tiết”, TS. Thành phân tích.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) cho biết: “Trước đây 3 quận này là huyện Thủ Đức. Khi đó TP HCM cũng lý giải để phát triển nên xin tách. Đến nay, TP HCM cũng lấy lý do tương tự để nhập. Nhưng tại sao không nhập thành một quận mà lại là TP? Có cần thiết phải lập một cấp đơn vị hành chính lơ lửng, chưa từng có? Đâu nhất thiết phải đổi tên thì mới xin được cơ chế riêng?”.

"Về mặt pháp lý, dù chưa quy định nhưng Quốc hội vẫn có thể chấp nhận nếu TP HCM lý giải được “tại sao phải nhập, tại sao phải là TP trực thuộc TP”. Chưa kể đến chuyện xây dựng chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển cho cả khu vực này trước, giải quyết trước bài toán về quy hoạch, giao thông. Và thành lập bộ máy như thế nào?

“TP phía Đông về hành chính ngang hàng với cấp quận/huyện. Trong TP này chỉ có cấp phường, chứ không thể trong TP lại có cấp quận nữa. Nếu TP trực thuộc TP mà có cấp quận thì nó không thuộc cấp hành chính nào theo quy định pháp luật cả”.

Cũng trao đổi vấn đề này với Giao Thông, KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc thành lập TP phía Đông là cần thiết, nên làm. Nhìn từ kinh nghiệm ở Trung Quốc, TP phía Đông ở Thượng Hải từ một miếng đất trống, sau 20 năm đã trở thành TP phát triển không thua gì Hồng Kông.

Cũng theo KTS. Sơn, TP HCM muốn làm được như vậy trước tiên phải có nghiên cứu quy hoạch rõ ràng, sau đó cần có cơ chế đặc thù, đẩy mạnh cơ chế xã hội hóa thu hút vốn trong và ngoài nước. Chẳng hạn, Khu đô thị mới Thủ Thiêm không thể đứng một mình mà phải gắn kết giao thông từ Đông sang Tây thành một khối. Còn cụm đô thị đại học lấy khu Đại học Quốc gia làm trung tâm, thậm chí kết nối tới cả Đại học Bình Dương. Khu này phải quy hoạch trở thành quy mô khu đại học lớn nhất nước, mang tầm cỡ quốc tế. Cụm thứ 3 rất quan trọng về mặt kinh tế là logistics…

Về kết nối giao thông, KTS. Sơn cho rằng, đây sẽ là bài toán không dễ dàng. TP HCM có sẵn các công trình giao thông trọng điểm như tuyến xa lộ Hà Nội, đại lộ Đông Tây, các tuyến metro… nhưng hiện nay chưa có đồ án quy hoạch nào xử lý được. Hệ thống giao thông đang cắt quy hoạch này ra làm nhiều mảnh. Khi 3 quận hợp lại thành một khối, trung tâm của thành phố đặt ở đâu, làm sao cho các tuyến huyết mạch mới và cũ được hài hòa, không xung đột với vành đai phía Đông... là những vấn đề không đơn giản.

Điều quan trọng nhất là cảng Cát Lái còn giữ ở lại hay dời đi? Nếu không tính kỹ đường vận chuyển hàng hóa cho container sẽ tạo sự ngăn cách, chia cắt TP phía Đông làm nhiều mảnh”, KTS. Sơn phân tích và cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Nếu không, giao thông sẽ trở thành điểm nghẽn của phía Đông, rất khó thu hút các nhà đầu tư sau này.

6 trọng điểm sáng tạo

Dự kiến, TP phía Đông có quy mô hơn 1,1 triệu dân, tổng diện tích tự nhiên hơn 211km2.

Theo ý tưởng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo phía Đông của Sasaki - đơn vị được trao giải nhất, trọng điểm của khu đô thị này sẽ bao gồm 6 trung tâm quan trọng.

Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm: Hạ tầng giao thông sẽ ưu tiên người đi bộ và tàu điện ngầm kết nối tất cả các khu vực quan trọng.

Khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc: Hình thành khu sản xuất đồ thể thao, các trung tâm sáng tạo, chăm sóc sức khỏe và kiến tạo một không gian rộng lớn xung quanh sân vận động.

Trung tâm công nghệ cao Sài Gòn: Xây nhà ga tàu điện ngầm ở phía Bắc của khu vực kết nối với tất cả các khu trung tâm khác.

Trung tâm công nghệ giáo dục: Đại học Quốc gia TP HCM là nơi tập trung tri thức cho việc nghiên cứu hợp tác giữa các trường đại học, các công ty nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm nghiên cứu.

Khu công nghệ sinh thái Tam Đa: Ở quận 9 là nơi tập trung nhất về mảng công nghệ sinh thái, mang đến nhiều cơ hội sáng tạo và thực hành.

Khu đô thị tương lai Trường Thọ: Cải tạo từ khu cảng hiện hữu với hệ thống không gian mở có nhiều chức năng đa dạng. Tại đây cũng sử dụng vành đai giao thông khép kín để kết nối các khu vực khác nhau, dễ tiếp cận, ưu tiên người đi bộ.

P.V(th)

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM thành lập “Thành phố phía Đông”: Liệu có khả thi?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển
Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới