Thứ ba, 19/03/2024 10:01 (GMT+7)

TP.HCM: Nan giải bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp

MTĐT -  Thứ ba, 17/09/2019 16:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với dân số của thành phố là khoảng 9 triệu người nhưng thực tế hơn 13 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc tại đây thì việc đáp ứng nhu cầu nhà ở là một nhiệm vụ quan trọng của TP.HCM.

Phát biểu tại hội thảo nhằm tìm ra giải pháp phát triển nhà ở để đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm sáng 17/9 tại TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, với dân số của thành phố là khoảng 9 triệu người nhưng thực tế hơn 13 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc tại đây thì việc đáp ứng nhu cầu nhà ở là một nhiệm vụ quan trọng của TP.

Theo thống kê đầu năm 2017, số nhà ở tại TP.HCM là hơn 1,675 triệu căn. Trong đó nhà kiên cố chiếm tỷ lệ 37,6%, nhà bán kiên cố 60,1 %, nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ là 2,3%. Tính đến tháng 6 năm 2019, TP.HCM đã đạt diện tích bình quân nhà ở 19,9 m2/người, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra là 19,8 m2/người.

"Tuy nhiên, dù vượt chỉ tiêu nhưng vẫn còn bộ phận lớn người lao động, đặc biệt là người dân nhập cư, người có thu nhập thấp đang sinh sống trong điều kiện chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo về vệ sinh, an toàn và phần lớn không có khả năng sở hữu nhà ở với mức giá phù hợp cũng là điều khó khăn" - ông Phong nhận xét.

Vì vậy, theo ông Phong, để tìm kiếm các giải pháp về nhà ở cho TP, hội thảo cần tập trung thảo luận 4 vấn đề lớn. Thứ nhất là về phân tích hiện trạng nhà ở của TP từ 2016 đến 2020.

Thứ 2 là tình hình phân bổ, gia tăng dân số, điều kiện ở của người dần nhập cư, dự báo dân số của TP từng giai đoạn. Thứ 3 là những vấn đề cần đặt ra về nhà ở tại TP.HCM, đặc biệt là nhà ở cho người dân đến TP sinh sống làm việc. Thứ 4 là định hướng các giải pháp phát triển nhà ở mỗi 5 năm tính từ 2021 đến 2035.

Theo Vnexpress, phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Yap Kioe Sheng thuộc Viện Công nghệ châu Á (AIT) khẳng định rất khó cung ứng loại hình nhà ở phù hợp với nhu cầu về chi phí, địa điểm, quyền sử dụng và điều kiện tài chính của người có thu nhập thấp.

Khảo sát của ông tại một số quốc gia trong khu vực cho thấy các chương trình nhà ở xã hội thường cung ứng số lượng lớn căn hộ tiêu chuẩn ở vùng ven. Để tăng khả năng tiếp cận của người dân, giá thuê hoặc bán đều được trợ cấp cao. Tuy nhiên, điều này nhanh chóng làm cạn kiệt ngân sách của các thành phố dành cho chương trình nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu nhà ở. Chưa kể các khoản trợ cấp tạo ra chênh lệch lớn so với thị trường nên việc sang nhượng khiến giá nhà không ngừng tăng lên so với ban đầu.

Ông Sheng cho biết, một bộ phận lớn dân cư thành thị không đủ khả năng mua hoặc thuê một căn nhà rẻ nhất của các doanh nghiệp tư nhân. Nhóm doanh nghiệp này cũng không quan tâm đến việc cung cấp nhà ở phân khúc giá rẻ vì biên lợi nhuận thấp, trong khi nhu cầu của tầng lớp trung và thượng lưu đã đủ khiến họ bận rộn. "Vì thế, muốn thực hiện các chương trình nhà ở giá rẻ, thành phố cần sự đóng góp của nhiều chủ thể như doanh nghiệp tư nhân, cơ quan nhà nước và các tổ chức phi lợi nhuận", ông Yap Kioes Sheng nói.

Góp ý thêm, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết thời gian qua dù đạt được nhiều kết quả về phát triển nhà ở nhưng TP vẫn còn nhiều hộ gia đình chưa có nhà ở, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, đối tượng thu nhập thấp.

"Việc phát triển nhà ở còn thiếu nhiều nguồn vốn, TP cần rà soát kế hoạch sự dụng đất, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và quan tâm đến công tác cải cách hành chính" - ông Sinh phân tích.

Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đã đề xuất một số mô hình phát triển, trong đó chú trọng xây dựng nhà ở xã hội và chỉnh trang, tái phát triển các khu đô thị cũ.

Đặc biệt, ông cho rằng nhà ở xã hội nên kết hợp với mô hình nhà ở thương mại giá thấp để hình thành các “khu đô thị, khu nhà ở bình dân” hoặc “khu đô thị, khu nhà ở vừa túi tiền”. Những khu vực này có thể trở thành các đô thị vệ tinh của TP.HCM

Theo một số chuyên gia, nhà ở xã hội cũng cần được xây dựng với đa dạng loại hình và phân bố phù hợp sao cho tiện lợi về công việc và thu nhập cho người lao động.

“Người dân thà sống trong khu ổ chuột có nhiều lợi ích kinh tế còn hơn ở trong căn nhà khang trang hơn nhưng khó tạo ra thu nhập”, GS Yap Kioe Sheng đến từ Hàn Quốc nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định: "Xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động thấp không có nghĩa xây dựng nhà ở giá rẻ chất lượng thấp".

Do đó, tiếp thu tham luận của các chuyên gia, ông Võ Văn Hoan cho biết TP.HCM sẽ chú trọng đầu tư phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp, bởi đây mới là số đông cư dân trong đô thị.

Để làm được điều này, TP.HCM sẽ thực hiện quy hoạch nhà ở trên địa bàn, kêu gọi và khuyến khích khối tư nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Ưu đãi về thuế sử dụng đất và chỉ tiêu quy hoạch xây dựng là một số cơ chế chính sách sẽ được tận dụng.

Đồng thời, TP.HCM cũng chủ động tiến hành thu hồi quỹ đất thuộc sở hữu Nhà nước, quỹ đất dọc tuyến metro nhằm chuyển đổi, kêu gọi đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Hoan, quy trình, thủ tục đối với dự án nhà ở xã hội còn nhiêu khê. Do đó, cần nghiên cứu xây dựng lại cơ chế, chính sách riêng biệt cho mô hình này để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người thu nhập thấp.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Nan giải bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.