Thứ năm, 18/04/2024 20:53 (GMT+7)

TP HCM: “Cưỡng chế” đất trong đêm để làm dự án? (Bài 2)

Ngọc Thạch -  Chủ nhật, 16/06/2019 17:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phần đất đang được sử dụng ổn định bỗng nhiên bị người khác tiến hành “cưỡng chế”, lập dự án để rao rầm rộ trên thị trường.

Ngủ dậy thấy bị chiếm đất

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam đã thông tin ở bài trước, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Châu (SN 1957, ngụ phường 14, quận 10, TP HCM) vô cùng bức xúc khi đất của mình bị lấn chiếm để làm dự án rao bán rầm rộ. Cụ thể, về việc khu đất tại số  72 và 72A Nguyễn Văn Yến, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú của gia đình bà Châu sử dụng đã 20 năm qua bỗng nhiên bị người lạ đến “cưỡng chế” phá nhà, cây cối và lấn chiếm đất.

Theo bà Châu, sáng ngày 20/3/2019, sau khi gia đình ngủ dậy thì phát hiện khu đất của mình bị một người tên Tuấn cho người phá đi các chòi lá bán cafe, cắt hàng rào B40, bứng cây xanh trong khuôn viên đất của bà và quây tôn xây dựng dự án, phân lô rao bán nền. Hiện tại phần đất bị lấn chiếm trên đang được tiến hành xây dựng hạ tầng, lập dự án và rao bán rầm rộ trên thị trường. Sau khi phát hiện sự việc gia đình bà Châu trình báo đến các cơ quan chức năng phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Phần diện tích đang xảy ra tranh chấp.

Theo hồ sơ bà Châu cung cấp, ngày 7/6/2000, bà đã mua lại khu đất trên đường Nguyễn Văn Yến, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú (trước đây là đường Phan Anh, quận Tân Bình) của vợ chồng ông Nguyễn Văn Bảy và bà Nguyễn Thị Tâm, với tổng diện tích 2.300 m2 (thuộc các thửa số 28, 29, 30, 31, 32, tờ bản đồ 22) bằng hợp đồng giấy tay. Trên phần đất chuyển nhượng này có 4 căn nhà với diện tích được ghi nhận là 1.223m2.

Toàn bộ khu đất 2.300m2 trên đã được UBND quận Tân Bình cấp Giấy chứng nhận tạm thời quyền sử dụng ruộng đất theo quyết định số 904/UB-CNRĐ ngày 12/9/1988 cho ông Nguyễn Văn Bảy.

Sau khi nhận chuyển nhượng, bà Châu đã xin và được cấp Giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở và Quyền sử dụng đất ở cho 3 căn nhà trên phần đất này. Riêng còn một căn nhà, bà Châu cũng đã sửa chữa lại và thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận từ năm 2007, thế nhưng, đến nay không hiểu lý do gì vẫn chưa được giải quyết. Tuy nhiên, căn nhà này đã được UBND quận Tân Bình tạm cấp số nhà là 211/39/1, nay là 72A Nguyễn Văn Yến, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú từ năm 2002-2003.

Năm 2006, bà Châu có xây dựng trên mảnh đất chuyển nhượng này một khách sạn đặt tên là Hoài Hương (72 Nguyễn Văn Yến). Theo bà Châu, phần đất còn lại tạo thành chữ L, bao bọc quanh khách sạn và tiếp giáp với thửa đất của 1 chủ khác. Phần đất chạy theo chiều dọc khách sạn Hoài Hương có chừa ra vài mét làm đường phục vụ cứu hỏa. Còn phần đất phía sau khách sạn trước đây là ao rau muống cũng đã được bà Châu cải tạo san lấp lại.

Theo sơ đồ các thửa đất được cấp giấy chứng nhận, cả hai thửa 31 và 32 (bà Châu nhận chuyển nhượng năm 2000 từ ông Bảy) đều giáp thửa đất 101, tờ bản đồ số 22. Đối với thửa đất 101 này được UBND TP HCM giao cho Công ty TNHH Dệt may Hùng Phúc (Công ty Hùng Phúc) vào năm 2008 làm Cơ sở sản xuất kinh doanh. Ngày 2/12/2009, thửa đất 101 đã được Giám đốc Sở TNMT TP HCM Đào Anh Kiệt ký cấp Giấy chứng nhận cho Công ty Hùng Phúc với tổng diện tích 6.706,4m2.

Mặc dù đang xảy ra tranh chấp nhưng khu đất trên vẫn được tiến hành xây dựng, thực hiện giao dịch mua bán.

Suốt 20 năm qua, gia đình bà Châu luôn sử dụng ổn định, không tranh chấp với bất cứ ai phần đất 2.300m2 mà bà đã nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông Bảy. Trong khi chờ hướng xử lý từ các cơ quan chức năng, phía bà Châu yêu cầu các bên phải giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, về phía ông Tuấn vẫn cho tổ chức thi công và rao bán phần đất liên quan vụ tranh chấp, dẫn đến đôi bên thường xuyên xảy ra cự cãi, mâu thuẫn trở nên căng thẳng.

Cơ quan chức năng đang "buông lỏng"?

Để tìm hiểu rõ thông tin PV đã liên hệ các cơ quan, đơn vị liên quan.

Về phía Công an phường Tân Thới Hòa cho biết: Liên quan việc ông Tuấn cho san ủi mặt bằng, quây tôn quanh khu đất khi đang tranh chấp, đại diện Công an phường Tân Thới Hòa cho rằng, ông Tuấn có quyền tự quyết trên phần đất đó vì ông có đầy đủ giấy phép xây dựng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những lần xảy ra tranh chấp,  công an phường đều xuống hiện trường và ngăn chặn ẩu đả, chỉ đạo dừng các hành vi quá khích của hai bên. Khi sự việc diễn ra quá căng thẳng, đơn vị có gọi hỗ trợ thêm lực lượng từ Công an quận Tân Phú để đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự. Ngoài ra đối với vụ việc trên, công an phường có trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự, không can thiệp vào việc ông Nguyễn Đình Tuấn cho san ủi mặt bằng hay phân lô, bán nền ra sao. Các vấn đề pháp lí về khu đất trên thuộc thẩm quyền của UBND quận Tân Phú. 

Liên quan vụ việc trên, phóng viên cũng đã liên hệ UBND quận Tân Phú. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía hai đơn vị này. Dư luận đặt câu hỏi phải chăng phần đất của bà Châu nhận chuyển nhượng và của ông Tuấn đã bị cấp chứng nhận chồng lên nhau? Đồng thời, đất đang tranh chấp thì cơ sở pháp lý ở đâu để khu đất mang tên dự án và rao bán rầm rộ? Phải chăng cơ quan chức năng đang ngó lơ tất cả các giao dịch mua bán tại dự án này khiến khách hàng rất dễ rơi vào cảnh tranh chấp phức tạp.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong các bài viết tiếp theo.

Bạn đang đọc bài viết TP HCM: “Cưỡng chế” đất trong đêm để làm dự án? (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.