Thứ sáu, 29/03/2024 15:57 (GMT+7)

TP. HCM gian nan bài toán cải tạo chung cư cũ

MTĐT -  Thứ ba, 18/09/2018 14:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo kế hoạch, đến năm 2020, TP.HCM phải giải quyết 50% trong số 474 cũ đó và trong năm 2018 sẽ tháo dỡ, xây dựng lại 7 chung cư hư hỏng nặng. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có chung cư nào được tháo dỡ.

Theo báo Doanh nghiệp VN đưa tin, Sở Xây dựng TP. HCM vừa hoàn tất công tác kiểm tra, rà soát, phân loại và kiểm định chất lượng đối với 474 chung cư cũ (573 lô) xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, bổ sung quy định để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không phải là cấp D nhưng đã xuống cấp, hư hỏng, phải thực hiện tháo dỡ để chỉnh trang đô thị, theo hướng chỉ cần đạt được tối thiều 80% sự đồng thuận của chủ sở hữu nhà chung cư về việc di dời và tháo dỡ.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, có 2 cách thực hiện di dời và tháo dỡ để xây dựng mới các chung cư. Nhưng không tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa. Cụ thể cách thứ nhất là 100% chủ sở hữu chung cư đồng ý tháo dỡ, xây dựng mới (quy định tại Khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở năm 2014). Việc này là không khả thi, ngoại trừ trường hợp nhà đầu tư đã mua lại toàn bộ 100% căn hộ chung cư.

Chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Báo TN-MT.

Cách thứ hai là thực hiện theo phương thức chỉnh trang đô thị, triển khai như một dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch và thực hiện thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai. Với cách này thời gian hiệp thương, vận động, thuyết phục người dân đồng thuận là rất mất thời gian, thậm chí là không thực hiện được.

Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, hiện nay thành phố có nhiều cụm chung cư kết quả kiểm định mặc dù không phải là cấp D, nhưng tình trạng hư hỏng, xuống cấp rất nhếch nhác, gây mất cảnh quan đô thị, cần tháo dỡ để xây đựng mới, góp phần chỉnh trang đô thị. Nhất là các chung cư Nguyễn Thiện Thuật - Quận 3, chung cư 14 Kỳ Đồng - Q.3, Cư xá Vĩnh Hội - Quận 4, Chung cư Viền Đông - Quận 5, Chung cư Ngô Gia Tự, Ấn Quang - Quận 10, Chung cư Tân Phước - Quận 11, Chung cư Thanh Đa - Quận Bình Thạnh...

Trong khi đó, theo kế hoạch, đến năm 2020, TP. HCM phải giải quyết 50% trong số 474 cũ đó và trong năm 2018 sẽ tháo dỡ, xây dựng lại 7 chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm như: Chung cư Nakyco, chung cư 350 Hoàng Văn Thụ, chung cư Thanh Đa (lô IV – VI), chung cư 128 Hai Bà Trưng, chung cư 11 Võ Văn Tần, chung cư Cô Giang, chung cư Nguyễn Kim (khu A).

Tuy nhiên, theo báo TN-MT, đến đầu tháng 9/2018, vẫn chưa có chung cư nào trong danh sách trên được tháo dỡ hay xây mới. Trong 10 năm qua, Thành phố cũng mới tháo dỡ để xây mới 32 chung cư hư hỏng với khoảng 4.000 hộ gia đình cư trú, chậm đáp ứng yêu cầu đảm bảo cuộc sống của vài chục ngàn hộ dân khác cũng như yêu cầu chỉnh trang bộ mặt đô thị.

Nhiều đơn vị BĐS cho rằng không mấy mặn mà đầu tư vào việc cải tạo chung cư cũ bởi diện tích đất nhỏ nhưng dân số lại đông. Bên cạnh đó, nhu cầu tái định cư tại chỗ của người dân lớn còn không gian có thể bố trí lại chật hẹp khiến việc cải tạo không có nhiều sự lựa chọn.

Đáng nói, bất chấp những căn hộ đã xuống cấp và gây nguy hiểm, nhưng người dân tại một số chung cư cũ vẫn kiên quyết bám trụ. Một phần vì quen với nơi làm ăn buôn bán, sinh hoạt hàng ngày, phần vì không đủ khả năng tài chính để chuyển đi nơi ở mới nên người dân vẫn chấp nhận sống chung với môi trường dơ bẩn, nhếch nhác, không đủ điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Điển hình như chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh) với 23 lô hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có những lô người dân phải rời đi vì không biết sập lúc nào. Dù vậy, chung cư này vẫn chưa thể di dời theo như chỉ đạo của UBND TP. HCM.

Chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh) nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Ảnh: Internet. 

Từng chia sẻ vấn đề này với báo chí, ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, từ nay đến năm 2020 TP cần nguồn vốn khoảng 500.000 tỷ đồng để quy hoạch, phát triển đô thị. Trong số này, TP lo được 34,8%, còn lại hơn 60% phải nhờ vào các nhà đầu tư, huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia thực hiện.

Ông Tuấn cho biết thêm, theo dự kiến, trong thời gian tới TP có thể cải tạo, sửa chữa hơn 200 chung cư, kinh phí bình quân để cải tạo mỗi căn khoảng 1,1 tỷ đồng. Theo ông Tuấn, vấn đề quan trọng trong công tác này là phải đảm bảo nguồn vốn và các quận, huyện cần tập trung khẩn trương hoàn tất các thủ tục có liên quan.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết TP. HCM gian nan bài toán cải tạo chung cư cũ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.