Thứ bảy, 20/04/2024 03:26 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/9/2019

MTĐT -  Thứ hai, 02/09/2019 11:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/9/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/9/2019.

Khánh Hòa: Nhiều diện tích đất vàng giao cho tư nhân

Ngành văn hóa tỉnh Khánh Hòa từng có 7 rạp chiếu phim tại trung tâm thành phố Nha Trang, hầu hết các rạp đều được xây dựng trước năm 1975. Những tên rạp như: Tân Tân, Tân Tiến, Tân Quang, Tân Quang, Hưng Đạo, Tân Thanh… đã quen thuộc với người dân Nha Trang.

Theo VOV, những rạp chiếu phim này tọa lạc trên những khu đất rộng hàng trăm m2 ở những tuyến phố chính, trung tâm thành phố Nha Trang. Đến nay, các rạp chiếu phim không còn hoạt động nữa, có khu đất đã được xây khách sạn, siêu thị sách, trụ sở cơ quan.

Mới đây nhất, một khách sạn cao tầng của tư nhân mọc lên trên khu đất rạp Tân Quang, nằm ở ngã 6 trung tâm thành phố Nha Trang.

Ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trước đây mặc dù hoạt động chiếu phim gặp nhiều khó khăn nhưng các rạp luôn được các lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa quản lý chặt chẽ.

“Các khu làm rạp chiếu bóng từ trước đến nay đều là những khu đất đẹp, trung tâm, ở các phường trung tâm. Chúng tôi giữ liên tục. Do có khoảng thời gian bị ế như thế nên họ đem bán. Đây là một phần khách quan và chủ quan để mất đi những vị trí đẹp. Có thể xây dựng mỗi rạp như vậy thành Nhà văn hóa, sinh hoạt công cộng thì rất tốt”.

Rạp Tân Quang nay đã trở thành một khách sạn cao tầng. Ảnh: VOV

Theo ông Nguyễn Khắc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Khánh Hòa: “Tỉnh đã thu hồi đất của 5 rạp để phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội, hiện nay còn 2 rạp nhưng không chiếu phim mà để làm trụ sở các cơ quan làm việc. Một là khu đất 62 Sinh Trung của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, thứ 2 là 128 Hoàng Văn Thụ, là nơi làm việc của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng. Như vậy, rạp chiếu phim hiện chỉ còn 2 cơ sở còn của đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa”.

Trước đó, liên quan đến những sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất, tại kỳ họp thứ 38, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết luận môt số nội dung liên quan đến vi phạm của tập thể và nhiều cá nhân tại Khánh Hoà.

Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng, đấu thầu, đầu tư, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài chính, thuế…, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn tài sản và ngân sách nhà nước.

Ông Lê Thanh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Ông Lê Đức Vinh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh.

Ông Trần Sơn Hải, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh và ông Đào Công Thiên, Tỉnh ủy viên, Ủy viên ban cán sự đảng, Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của Ban cán sự đảng UBND tỉnh và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa và các cá nhân nêu trên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận.

Dự án "ma" vẫn được quảng cáo thổi phồng

Ngày 1/9, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết đang tham mưu UBND tỉnh này xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với Công ty CP Đất xanh Bắc Miền Trung (trụ sở ở Khu đô thị mới An Cựu, TP Huế) về hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo.

Trước đó, vào ngày 29/8, Sở TT-TT đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế có buổi làm việc với ông Tống Phước Hoàng Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đất xanh Bắc Miền Trung và các cá nhân liên quan về nội dung quảng cáo "dự án" bất động sản phân lô bán nền Eco Lake tại phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy.

Không được đấu nối ra Quốc lộ 1 vẫn quảng cáo sai sự thật

Công ty CP Đất xanh Bắc Miền Trung đã thừa nhận và ký biên bản làm việc, biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực quảng cáo với hành vi quảng cáo sai sự thật đối với "dự án" trên. Cụ thể, công ty đã quảng cáo mô hình phối cảnh toàn bộ "dự án" Eco Lake trên trang thông tin điện tử của mình, làm hợp đồng quảng cáo với một số báo điện tử về đồ án phân thửa cũng như mô hình xây dựng của dự án này thể hiện rõ phần đất tiếp giáp với Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Huế có kết nối đường giao thông trực tiếp nối thẳng ra tuyến đường này. Nội dung quảng cáo không đúng với thực tế của việc sử dụng đất khu vực dân sinh này, 2 đường đấu nối vào quốc lộ chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo đúng quy định.

Trước đó, kết luận của Đoàn kiểm tra liên ngành 979 tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày 19-6 cũng khẳng định nội dung quảng cáo như vậy dễ dẫn đến việc các hộ dân tham gia chuyển nhượng đất có khả năng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng với các thông tin quảng cáo, sẽ phát sinh khiếu kiện dân sự. Trách nhiệm này thuộc phía Công ty CP Đất xanh Bắc Miền Trung. Đồng thời nêu rõ các hồ sơ "dự án" chỉ thể hiện ông Hưng là người nhận chuyển nhượng các thửa đất, chuyển mục đích sử dụng đất cũng như phân thửa, chuyển nhượng với tư cách cá nhân. Tuy nhiên, trên trang thông tin điện tử Công ty CP Đất xanh Bắc Miền Trung thể hiện do công ty này làm chủ đầu tư với tổng diện tích quy hoạch 1 ha.

Sở TT-TT tỉnh Thừa Thiên – Huế kết luận rằng Eco Lake chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nên không được phép gọi đây là dự án. Tuy nhiên, Công ty CP Đất xanh Bắc Miền Trung vẫn quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, pano, bảng quảng cáo với tên gọi là dự án Eco Lake. Hành vi này vi phạm Nghị định số 158/2013/NĐ –CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20-3-2017 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Theo hồ sơ của các cơ quan chức năng, ông Hưng đã tự đứng ra gom đất của nhiều hộ dân tại Phú Bài, tiến hành làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lâm nghiệp, nông nghiệp sang đất ở với diện tích gần 1 ha. Để thu hút khách hàng, ông này đã tự đặt tên là dự án Eco Lake, xây dựng hạ tầng, phân lô bán nền. Ông Hưng đã ký hợp đồng với Công ty CP Đất Xanh Bắc Miền Trung rao bán 71 lô đất khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo Quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt, "dự án" của ông Hưng có một phần là vùng quy hoạch cây xanh đô thị. Vì vậy, nhiều khách hàng tại Thừa Thiên – Huế bức xúc về việc đã đăng ký, chuyển tiền mua đất tại "dự án" đã hơn 1 năm nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đất, các giấy tờ về đất.

Kết luận 979 khẳng định việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư không có giấy phép xây dựng và lập hồ sơ tách thửa đất không đảm bảo quy định hiện hành. Do đó, việc xem xét giải quyết các thủ tục chỉ được thực hiện sau khi khắc phục những bật cập, thiếu sót.

Trong kết luận ngày 31/7, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, yêu cầu UBND thị xã Hương Thủy tổ chức kiểm tra khắc phục những bất cập, thiếu sót đã được phát hiện; kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế để rà soát, đề xuất phương án tổ chức thực hiện thống nhất quy hoạch tại khu vực.

Thừa Thiên Huế rà soát, thu hồi các dự án chậm tiến độ

Ngày 1/9, Bà Trần Thị Hoài Trâm - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết phương án xử lý các dự án chậm tiến độ theo Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh.

Theo đó, đến cuối tháng 8/2019 có 12/24 dự án thuộc danh mục cần rà soát thu hồi đã hoàn thành thủ tục chấm dứt hoạt động dự án theo quy định, trong đó Cơ quan quản lý đầu tư đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động của 9 dự án, nhà đầu tư tự quyết định chấm dứt hoạt động của 3 dự án.

Một số dự án tuy nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của UBND tỉnh vẫn không có động thái triển khai trở lại, sớm đưa dự án đi vào hoạt động như Dự án sản xuất và kinh doanh các loại nhà lắp ghép của Công ty TNHH Quốc tế Kugler; Nhà máy sản xuất kết cấu thép Phú Bài của Công ty TNHH Sản xuất TMDV Kim Nguyên; Nhà máy sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH MTV Linh Ngọc; Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn 3 của Công ty TNHH ACE VINA Constructions (Hàn Quốc). Những dự án này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang xem xét chấm dứt hoạt động dự án nếu nhà đầu tư vẫn không động thái triển khai trở lại, sớm đưa dự án đi vào hoạt động.

Từ nay đến cuối năm, Thừa Thiên Huế sẽ chấm dứt hoạt động khoảng 12 dự án chậm tiến độ

Đối với 29 dự án chậm tiến độ, giám sát đặc biệt, đến nay nhiều dự án đã có những chuyển biến tích cực, được nhà đầu tư tập trung nguồn lực thực hiện và cam kết sớm đưa dự án vào hoạt động. Có thể kể đến một số dự án tiêu biểu như Nhà máy ván nhân tạo MDF Ý Mỹ của Công ty MDF Ý Mỹ; Dự án Xây dựng cải tạo và mở rộng Khách sạn Thuận Hóa của Công ty Cổ phần TMDV Thuận Phú; Dự án Bến số 3 - Cảng Chân Mây của Công ty TNHH Hào Hưng Huế; Dự án Khu du lịch xanh Lăng Cô của Công ty TNHH Trùng Phương - Lăng Cô; Dự án Nhà máy sản xuất ô tô thống nhất Huế - Phú Bài của Công ty Cổ phần Cơ khí Thống Nhất; dự án Khai thác đất làm vật liệu san lấp của Công ty TNHH Hùng Đạt. Bên cạnh đó, do nhà đầu tư không thể tiếp tục triển khai,05 dự án thuộc danh mục giám sát đặc biệt đã bị thu hồi, chấm dứt hoạt động.

Đối với 26 dự án thuộc diện đôn đốc tiến độ thực hiện, trong quá trình giám sát, đôn đốc tiến độ, đến nay nhiều dự án đã tích cực được triển khai, đẩy nhanh tiến độ và đi vào hoạt động theo tiến độ cam kết.

Cụ thể, Dự án Nhà máy sinh dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO của Công ty TNHH sinh dược phẩm Hera đã đi vào hoạt động tháng 4/2018. Dự án Nhà máy sản xuất frit của Công ty Cổ phần Frit Huế đã hoạt động trong năm 2018. Dự án Nhà máy may thứ 3 của Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam Huế đã hoạt động tháng 9/2017, sớm hơn so tiến độ đăng ký. Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu Cristobalite của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Chế biến khoáng sản PHENIKAA Huế đã chính thức hoạt động Quý I/2019. Dự án sản xuất và gia công các loại sản phẩm gỗ của Công ty TNHH Lee&Park Wood Complex và Dự án Nhà máy may thứ tư của Công ty Cổ phần dệt may Hương Phú đã hoàn thành đưa vào hoạt động giai đoạn 1, đang thực hiện các thủ tục tiếp theo để triển khai giai đoạn 2. Bên cạnh đó, 4 dự án đã được thu hồi do nhà đầu tư không có khả năng tiếp tục triển khai thực hiện.

“Dự kiến từ nay đến cuối năm 2019, Cơ quan quản lý đầu tư sẽ tiếp tục xem xét tham mưu UBND tỉnh chấm dứt hoạt động khoảng 12 dự án, bao gồm 5 dự án thuộc danh mục cần rà soát thu hồi; 7 dự án thuộc danh mục dự án cần giám sát đặc biệt, đôn đốc tiến độ thực hiện. Đối với các dự án còn lại, Cơ quan quản lý đầu tư tiếp tục rà soát, làm việc với các nhà đầu tư để tham mưu báo cáo UBND tỉnh kịp thời...”- bà Trâm thông tin.

Cũng theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức khảo sát, tìm kiếm địa điểm phù hợp để triển khai xây dựng thông tin tiêu chí, tham mưu UBND tỉnh tổ chức công bố thông tin kêu gọi đầu tư dự án, chú trọng vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như du lịch, giáo dục, văn hóa, y tế.

Thời gian qua, Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường cũng đã phản ánh nhiều lần tình trạng các dự án “treo” tại Thừa Thiên Huế, nhất là những dự án tại trung tâm TP. Huế và khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô gây lãng phí tài nguyên, bức xúc trong dư luận. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi tiếp nhận thông tin cũng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý..

Bắc Giang đấu giá 79 lô đất ở với giá khởi điểm hơn 47 tỷ đồng

Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đang lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thực hiện bán đấu giá 79 lô đất ở tại Khu thôn Mải Hạ (Giai đoạn 1), xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang. Tổng diện tích 79 lô đất là 7.220,7 m2. Tổng giá khởi điểm đấu giá là 47,614 tỷ đồng.

Được biết, 79 lô đất ở nêu trên được UBND huyện Lạng Giang phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất từ ngày 28/5/2019.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/9/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...