Thứ năm, 28/03/2024 18:46 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/8/2019

MTĐT -  Thứ năm, 29/08/2019 11:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/8/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/8/2019.

Bất động sản TP.HCM: Thưa vắng nhà giá rẻ

Nhu cầu nhà ở giá rẻ tại TP.HCM luôn tăng theo mức tăng dân số hằng năm, trong khi số lượng nhà ở phân khúc này lại có xu hướng giảm dần, thậm chí, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn Thành phố không có dự án nào xuất hiện.

Theo số liệu từ Sở Xây dựng TP.HCM, Thành phố đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội, với tổng số 44.701 căn hộ và đến năm 2020, có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn. Nếu dựa trên nhu cầu nói trên, thì hiện Thành phố đang thiếu hụt hàng chục ngàn căn nhà.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, từ đầu năm 2019 tới nay, TP.HCM không có thêm dự án nhà ở giá rẻ nào để bán cho người dân. Có những dự án được bán từ năm 2016 tới nay, như Dự án Nhà ở xã hội 35 - Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân), do Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM làm chủ đầu tư, theo kế hoạch phải hoàn thành giao nhà cho người dân năm 2018, nhưng vẫn chưa thể hoàn thành.

Dù đã 2 lần chào bán đấu giá cho người dân mua để ở, nhưng 3.790 căn nhà tái định cư tại Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) vẫn không có người ở. Lý do là, với mức giá hơn 2,6 tỷ đồng/căn hộ rộng 70 m2, đây không được coi là nhà giá rẻ.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông Group cho rằng, dân số tăng khiến nhu cầu ở nhà tại TP.HCM tăng mạnh từ năm 2014 tới nay. Điều này đã kéo theo giá nhà tăng lên, trung bình mỗi năm tăng từ 10 đến 15%. “Hiện tượng tăng giá nhà xuất phát từ thực tế là nhu cầu mua nhà luôn cao, nhưng nguồn cung lại quá ít”, ông Phúc nói.

Tình trạng thiếu nghiêm trọng nhà ở cho người dân trong những năm tới là thực tế có thể nhìn thấy trước tại TP.HCM, nhưng Thành phố chưa có giải pháp nào cụ thể, ngoài giải pháp giãn dân về vùng ven, hay quy hoạch liên kết vùng. Song thực tế, các giải pháp này chưa mang lại hiệu quả cụ thể, bởi hạ tầng giao thông kết nối từ nội thành ra vùng ven còn quá kém, luôn trong cảnh tắc đường ở giờ cao điểm; thiếu các tiện ích như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí ở vùng ven.

TP.HCM: Nhiều giải pháp phát triển nhà ở đáp ứng nhu cầu tăng cao

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, qua thống kê cho thấy, tính đến tháng 4/2019, dân số TPHCM xấp xỉ 8,9 triệu người thường trú (bao gồm cả người có đăng ký tạm trú trên 6 tháng), tăng 1,8 triệu người so với dân số năm 2009. Như vậy, trung bình tăng mỗi năm TPHCM 183.000 người trong 10 năm gần đây và dự kiến chỉ trong vòng 5 năm, số dân sẽ tăng hơn 1 triệu người. Trước xu hướng trên, nếu TPHCM không đề ra các mô hình phát triển nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số thì chỉ vài năm tới, nhu cầu nhà ở sẽ hết sức nan giải.

Cùng với đó, xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chuyển dịch cơ sở sản xuất công nghiệp vào Việt Nam ngày càng gia tăng. Dự báo số lượng công nhân, người nước ngoài lưu trú dài hạn cũng sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Theo khảo sát của Sở Xây dựng TPHCM, thành phố hiện có khoảng 476.158 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân (chiếm tỷ lệ 23,46% tổng số hộ). Trong đó, có khoảng 20.000 hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức nhà nước chưa có nhà ở; Có 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; Có 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội; Có khoảng 21.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và khoảng 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, chỉnh trang hoặc di dời tái định cư.

Theo một khảo sát khác của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, có khoảng 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020. Trong các đối tượng khảo sát thì có đến 65% đến 94% có nhu cầu thuê mua (mua trả góp dài hạn) nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế nguồn cung nhà ở, đặc biệt là căn hộ thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội hiện đang khan hiếm. Những dự án ở trung tâm thành phố được công bố ra thị trường trong thời gian qua đều thuộc phân khúc căn hộ hạng sang, sở hữu vị trí đắc địa, có thiết kế độc đáo với mức giá đắt đỏ.

Thống kê từ HoREA cho thấy năm 2019 là năm có tổng nguồn cung giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại (mới) được Sở Xây dựng đề xuất UBND TPHCM công nhận chủ đầu tư với quy mô 924 căn hộ, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Sở Xây dựng cũng chỉ đề xuất chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án (tức 82,2%) so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 6 tháng, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ, giảm 10 dự án (tức 29,4%), giảm 2.336 căn (24,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm đến 43,8% (2.227 căn so với 3.965 căn cùng kỳ năm 2018); căn hộ bình dân giảm 34,7% (1.249 căn so với 1.914 căn cùng kỳ năm 2018). Điều đáng quan tâm là quý 2/2019, không có dự án nhà ở bình dân, vừa túi tiền được đưa ra thị trường.

Công ty CBRE Việt Nam cho biết, do vấn đề chậm cấp phép từ năm ngoái, lượng căn chào bán mới trong quý 2/2019 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Tổng cộng có 4.124 căn hộ được chào bán từ 10 dự án trong quý 2/2019, giảm 7% theo quý và 34% theo năm.

Bắc Ninh mời thầu dự án khu chợ và dịch vụ thương mại

Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) vừa cho biết, từ ngày 30/8 đến 30/10/2019 sẽ phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu chợ và dịch vụ thương mại, với tổng chi phí thực hiện 26,7 tỷ đồng.

Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất, với tổng diện tích đất sử dụng 1,39 ha. Địa điểm thực hiện Dự án là xã Song Giang, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Thời gian thực hiện hợp đồng là 3 năm; hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án là rộng rãi trong nước. Giá bán mỗi bộ HSMT là 10 triệu đồng; bảo đảm dự thầu là 135 triệu đồng. Thời gian đóng thầu dự kiến là vào 9h ngày 30/10/2019 và mở thầu vào 9h30 phút cùng ngày.

Người nước ngoài đã mua 642 căn nhà ở Bình Dương

Số liệu của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cập nhật đến tháng 6/2019 cho thấy trên địa bàn tỉnh có 22 dự án nhà ở thương mại được phép bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài với tổng số căn hộ được phép bán là 1.812 căn.

Trong đó, người nước ngoài đã mua 642 căn và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu 308 căn.

Thành phố Thủ Dầu Một có 11 dự án được phép bán cho người nước ngoài nhất với 771 căn được phép bán. Trong đó, 130 căn đã được bán cho người nước ngoài và 69 căn đã được cấp giấy chứng nhận.

Thị xã Thuận An có 8 dự án nhưng lại có 727 căn được phép bán và số căn đã bán lên tới 377 căn, cao gấp ba lần so với thành phố Thủ Dầu Một. Đã có 174 căn nhà được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Ngoài hai địa phương trên, thị xã Dĩ An và thị xã Bến Cát có ba dự án được phép bán cho người nước ngoài nhưng số lượng căn hộ không đáng kể.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.