Thứ năm, 25/04/2024 13:00 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 28/3/2020

MTĐT -  Thứ bảy, 28/03/2020 12:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 28/3/2020. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 28/3/2020.

HoREA hiến kế tháo gỡ vướng mắc dự án nhà ở xã hội Lê Thành

Theo Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), từ ngày 5/3/2020 đến nay, lãnh đạo Thành phố và các sở, ngành đã giải quyết vướng mắc của gần 10 dự án, trong đó có dự án nhà ở xã hội Lê Thành. Đây được coi là động thái tích cực quan trọng, thúc đẩy thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua khó khăn để phát triển.

Ngày 18/3/2020, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã tổ chức cuộc họp giải quyết các vướng mắc về quy hoạch của Dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên của Công ty Lê Thành, trong đó thống nhất các chỉ tiêu quy hoạch của dự án như: Hệ số sử dụng đất toàn khu là 5; Chiều cao 18 tầng; Mật độ xây dựng 50% của khối đế và 40% của khối tháp; Về chỉ tiêu dân số của dự án giao cho Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh quyết định…

Tuy nhiên, đối với 1.000m2 kênh mương nội đồng nằm xen kẹt trong dự án thuộc trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường, đề xuất Ban chỉ đạo 167 của thành phố có ý kiến đối với phần đất kênh mương nội đồng, bờ đất nằm xen kẹt trong dự án. Sở Quy hoạch Kiến trúc có gợi ý chuyển đổi 1.000m2 kênh mương nội đồng, thành hồ điều tiết nước có diện tích mặt nước tăng thêm 1,2 lần trong khu vực dự án.

Theo Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ “Phạm vi điều chỉnh” của Nghị định 167/2017/NĐ-CP, thì phần đất 1.331,2m2, gồm khoảng hơn 1.000m2 mương thoát nước nội đồng và khoảng 300m2 bờ đất thuộc Nhà nước quản lý, nhưng “không phải của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp”. Do vậy, phần đất này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 167/2017/NĐ-CP.

Đồng thời căn cứ khoản 15, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP bổ sung khoản 5, Điều 16, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, quy định: “5. Trường hợp diện tích đất thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh có phần diện tích đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích hoặc có phần diện tích đất mà người đang sử dụng đất không có quyền chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không có tài sản gắn liền với đất thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và cho chủ đầu tư thuê đất để thực hiện dự án đối với diện tích đất đó”.

Căn cứ pháp luật về đất đai; pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công và pháp luật về nhà ở, Hiệp hội đề xuất không cần thiết phải giao Ban chỉ đạo 167 rà soát đối với phần đất có diện tích 1.331,2m2 thuộc Nhà nước quản lý, do phần đất này vẫn thuộc Nhà nước quản lý sau khi Công ty Lê Thành thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Trong lúc Chính phủ chưa xem xét sửa đổi Điều 14, Điều 16, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Hiệp hội đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố quyết định giao đất có diện tích khoảng 34.011,4m2, trong đó có 1.331,2m2 đất, gồm khoảng 1.000m2 mương thoát nước nội đồng và khoảng 300m2 bờ đất thuộc Nhà nước quản lý, cho Công ty Lê Thành để đầu tư Dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh; Công ty Lê Thành có trách nhiệm đầu tư xây dựng hồ điều tiết nước có diện tích không thấp hơn 1.331,2m2 (có thể nhân hệ số 1,2 như quy định của Ủy ban nhân dân thành phố năm 2004) trong khu vực dự án và bàn giao lại cho Nhà nước.

Cưỡng chế, buộc khắc phục sai phạm ở chung cư The Rubyland

Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM vừa ra quyết định số 254/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với chủ đầu tư chung cư Tân Hồng Ngọc (tên thương mại là The Rubyland) ở quận Tân Phú, TPHCM liên quan đến việc không thực hiện quy trình bảo trì công trình xây dựng.

Theo quyết định, Công ty Cổ phần Tân Hoàng Thắng (chủ đầu tư chung cư The Rubyland tại số 4 Lê Quát, phường Tân Thới Hoà, quận Tân Phú) đã có hành vi vi phạm trong hoạt động quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Cụ thể, công ty không lập quy trình bảo trì công trình xây dựng hoặc không thực hiện bảo trì công trình theo đúng quy định được duyệt. Do đó, Sở Xây dựng TPHCM buộc chủ đầu tư phải lập quy trình bảo trì công trình theo quy định. Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả công ty phải chi trả cho cơ quan nhà nước đã thực hiện.

Trước mắt, Sở Xây dựng TPHCM cho chủ đầu tư 15 ngày khắc phục các sai phạm kể từ ngày nhận quyết định này, nếu sau thời gian này vẫn chưa khắc phục sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế. Sở Xây dựng giao UBND quận Tân Phú, UBND phường Tân Thới Hoà và Đội Thanh tra địa bàn quận Tân Phú-Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp cưỡng chế, buộc Công ty Cổ phần Tân Hoàng Thắng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Trước đó, UBND TPHCM vừa có văn bản chỉ đạo các sở và UBND quận Tân Phú khẩn trương xử lý dứt điểm sai phạm tại dự án chung cư The Rubyland tại số 4 Lê Quát, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú để cấp giấy chủ quyền cho người dân.

Lào Cai duyệt kế hoạch đầu tư 2 khu đô thị hơn 4.400 tỷ đồng

UBND tỉnh Lào Cai vừa phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất năm 2020 đối với 2 dự án là Khu đô thị mới Bắc Cường 1 và Khu đô thị mới Bắc Cường 2.

Dự án khu đô thị mới Bắc Cường 1 có diện tích khoảng 47,7 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến là 3.046 tỷ đồng trong đó hơn 2.500 tỷ đồng dùng để đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, hạ tầng xã hội; phần còn lại dùng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng và các khi phí khác. Khu đô thị bao gồm nhà liền kề, biệt thự, các công trình công cộng, khu thương mại, dịch vụ.

Trong khi đó, Khu đô thị mới Bắc Cường 2 có diện tích 48,3 ha bao gồm biệt thự; công trình công cộng; công trình dịch vụ, thương mại. Tổng mức đầu tư dự án là 1.410 tỷ đồng, trong đó 921 tỷ đồng dùng để đầu tư công trình nhà ở và hạ tầng xã hội; gần 90 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng; gần 400 tỷ đồng dùng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các chi phí khác.

Cả 2 khu đô thị đều nằm tại phường Bắc Cường, TP. Lào Cai và được quy hoạch xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở. 2 dự án sẽ được đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, hình thức đầu tư là đầu tư có sử dụng đất.

Hiện trạng sử dụng đất để thực hiện 2 dự án trên là đất chưa giải phóng mặt bằng. Thời gian thực hiện dự án là 6 năm, kể từ ngày hợp đồng dự án có hiệu lực.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 28/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới