Thứ năm, 25/04/2024 23:34 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/5/2019

MTĐT -  Thứ hai, 27/05/2019 10:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/5/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/5/2019.

Nghiêm cấm người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài

Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.

Đó là một trong nhiều kiến nghị từ đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 là chuyên đề đoàn giám sát thực hiện.

Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát trình bày trước Quốc hội sáng 27/5 cho thấy, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch đô thị được ban hành khá đầy đủ, cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Tuy nhiên, lĩnh vực này còn không ít tồn tại, hạn chế, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Không nên đầu tư bất động sản theo phong trào

Tại Diễn đàn Bất động sản 2019 - Xu hướng đầu tư diễn ra mới đây, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội khẳng định, kể từ thời điểm phục hồi năm 2014 đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) đã phát triển mạnh với phân khúc BĐS nhà ở truyền thống, phân khúc mới BĐS du lịch và gần đây là BĐS công nghiệp.

Đưa ra những gợi ý về việc đầu tư BĐS mang lại hiệu quả cao, ông Cường nhấn mạnh: “Những nơi cửa khẩu, những vùng ven…, đó là những phân khúc còn ít người quan tâm, nhưng trong tương lai thì những khu vực đó đều có những giá trị phái sinh rất lớn, mang lại lợi ích mà các khu đô thị chật chội không thể mang lại. Và đó là nơi có thể đầu tư”.

Tuy nhiên ông Cường cũng cảnh báo các nhà đầu tư cần chú ý đến mặt trái của những vùng này, cụ thể là cơ sở hạ tầng. Ông Cường phân tích: “Ví dụ trên những trục đường lớn ở đường phố Hà Nội, có những khu vực được rao giá trên dưới 30 triệu đồng/m2. Nhưng cũng có chủ đầu tư lại rao khoảng 25 triệu/m2, lập tức nhiều người đổ xô vào những khu vực rẻ hơn và cho rằng đầu tư như vậy là hiệu quả. Tuy nhiên, việc đầu tư đó sẽ là thảm họa nếu không giải quyết được bài toán về giao thông”.

Ông Nguyễn Hữu Cường cho rằng đầu tư BĐS du lịch là một cách “giữ tiền” của người giàu, người có thu nhập cao. Tuy nhiên theo ông Cường, đầu tư vào BĐS du lịch cần lưu tâm việc kết nối hạ tầng kỹ thuật giữa việc đi lại, việc sở hữu chung - riêng cho một con đường hoặc cho cả khu dân cư…

“Có những khu du lịch rất đẹp nhưng lại có quy định không được sử dụng các khu vực ngăn chia, hoặc không cho sử dụng giao thương, đi lại giữa các khách du lịch và người dân… Hai nữa là việc thoát nước. Có nhiều bãi biển bị ô nhiễm nặng nhưng không ai giải quyết, trách nhiệm của chủ đầu tư và và chính quyền địa phương chưa rõ ràng. Chính vì vậy, giá trị riêng biệt của nhiều BĐS du lịch bị ảnh hưởng” – ông Cường nêu dẫn chứng.

Thái Nguyên sơ tuyển Dự án Khu đô thị Z131 hơn 296 tỷ

Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên vừa cho biết, từ ngày 30/5 - 1/7/2019 sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển Dự án Khu đô thị Z131.

Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích 164.742 m2; khu đất thực hiện Dự án hiện là đất nông nghiệp thuộc địa bàn phường Ba Hàng và phường Đồng Tiến; tổng chi phí thực hiện Dự án dự kiến hơn 296 tỷ đồng. Hình thức sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án là rộng rãi quốc tế.

Mục tiêu của Dự án là đầu tư xây dựng khu đô thị mới, khu công trình công cộng, tạo cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại, đảm bảo đủ tiêu chuẩn nâng cấp thị xã Phổ Yên trở thành thành phố trong tương lai. Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại phù hợp với quy hoạch chi tiết của dự án đã được duyệt và quy hoạch tổng thể của thị xã Phổ Yên...   

Vỡ trận quy hoạch, quản lý, sử dụng đất

Sáng nay (27/5), Quốc hội sẽ xem, nghe và thảo luận về báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Cách nơi các đại biểu ngồi nghe báo cáo này chỉ vài trăm mét, Tòa nhà 8B - Lê Trực thuộc “khu vực đặc thù”, đã được nhắc đến như một điển hình về vi phạm trật tự xây dựng đô thị, vượt quy định 5 tầng, xâm phạm quy hoạch không gian xây dựng vốn được kiểm soát rất chặt chẽ. Bốn năm trôi qua, việc tháo dỡ, “cắt ngọn” phần vi phạm của tòa nhà này vẫn chưa xong.

Đó chỉ là một ví dụ cho tình trạng vi phạm về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đô thị diễn ra tại Hà Nội.

Tại Đà Nẵng, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận về việc TP. Đà Nẵng đã cho phép chuyển đổi đối với 52 nhà đất do Thành phố quản lý tại các con đường đắt đỏ nhất của địa phương sang mục đích khác.

Còn ở TP.HCM, việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đại tại Thủ Thiêm, Hóc Môn, Củ Chi... hoặc cổ phần hóa, đấu giá những khu “đất vàng” ở Trung tâm Thành phố vẫn tiếp tục là những điểm nóng.

Trên khắp cả nước, từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 21 cuộc thanh tra có nội dung liên quan đến việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Qua các kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện sai phạm số tiền hơn 3.600 tỷ đồng, hơn 19.200 ha đất. Riêng trong năm 2018, chỉ trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, toàn ngành thanh tra đã tiến hành 1.127 cuộc thanh tra, phát hiện 827 đơn vị có vi phạm số tiền trên 465 tỷ đồng và 9.759 ha đất.

Đó là những con số cho thấy việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị đã và đang "nóng" đến mức nào.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/5/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.